Sự kiện giáo dụcTin tức

Ứng dụng công nghệ phục vụ người khiếm thị là nhu cầu tất yếu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 3-12, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng phục vụ người khiếm thị trong thời đại số” đồng thời kỷ niệm 25 năm thành lập dịch vụ phục vụ người khiếm thị (1999-2024).

Đoàn chủ tọa Hội thảo “Nâng cao chất lượng phục vụ người khiếm thị trong thời đại số” 

Ông Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam – cho biết, nhiều năm qua hệ thống thư viện công cộng nước ta đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để phục vụ cho người khiếm thị. Nhờ vậy đã có hàng chục nghìn người khiếm thị thông qua hệ thống thiết bị hỗ trợ trong các thư viện được tiếp cận các dịch vụ thông tin, tri thức dễ dàng, thuận lợi hơn. Từ đó giúp họ chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng, tìm kiếm việc làm, thêm thu nhập và hội nhập với cộng đồng và xã hội.

“Các thư viện công cộng Việt Nam đã chung tay, góp phần đem ánh sách tri thức đến cho người khiếm thị”, ông Giới đánh giá.

Bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện – cho hay, hiện nước ta có khoảng 2 triệu người khiếm thị. Trong bối cảnh chuyển đổi số việc ứng dụng công nghệ để phục vụ người khiếm thị là nhu cầu tất yếu. Với những nền tảng công nghệ hiện đại, người khiếm thị có thể phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức để giúp ích cho bản thân và gia đình.

Đại diện Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM nhận Bằng khen

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Huệ – Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, văn hóa đọc sách là yếu tố then chốt trong việc tiếp cận và cập nhật kiến thức. Đặc biệt, đối với học sinh khiếm thị, sách trở thành công cụ quan trọng giúp các em vượt qua giới hạn về thị giác, tiếp cận tri thức và phát triển bản thân.

Để đáp ứng nhu cầu đó, nhà trường đã đầu tư xây dựng không gian thư viện. Tài liệu được sắp xếp khoa học, quản lý bằng mã số, giúp học sinh dễ dàng tra cứu. Thư viện phối hợp với giáo viên chuyển đổi các tài liệu thành phiên bản chữ nổi hoặc sách nói phù hợp với độ tuổi và trình độ của học sinh.

“Mỗi tuần, từng lớp được tổ chức một tiết đọc sách tại thư viện, giúp hình thành thói quen đọc sách từ sớm. Hằng tháng, tổ chức buổi tổng kết để học sinh chia sẻ cảm nhận và nội dung sách đã đọc, tạo sự kết nối và yêu thích đọc sách. Nhiều học sinh đã coi đọc sách là hoạt động thú vị và ý nghĩa”, cô Huệ cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Ủy viên Thường vụ, Ban Tuyên giáo Hội Người mù TP.HCM chia sẻ, hiện nay người khiếm thị không chỉ có nhu cầu về sách giáo khoa hay tài liệu học thuật mà còn mong muốn tiếp cận các thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn, sách tôn giáo, tài liệu y học, pháp luật và nhiều chủ đề khác. Sự đa dạng nội dung giúp người khiếm thị vừa có cơ hội học tập, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí, phong phú đời sống tinh thần và nâng cao nhận thức xã hội.

Khách tham quan triển lãm ảnh và tài liệu phục vụ người khiếm thị

“Công nghệ hiện đại đã giúp cung cấp sách nói cho người khiếm thị thông qua các thiết bị hỗ trợ như máy đọc sách nói, ứng dụng trên điện thoại thông minh và phần mềm đọc sách. Tuy nhiên, chi phí thiết bị vẫn là một rào cản lớn, cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức và Chính phủ để giúp người khiếm thị tiếp cận sách nói dễ dàng hơn”, ông Thanh nói.

Theo ThS. Vĩnh Quốc Bảo – Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, thiết bị chuyên dụng và công nghệ mới là một trong những vấn đề yếu tố quan trọng trong việc phục vụ người khiếm thị.

Từ năm 2000 đến 2010 với sự hỗ trợ của các đơn vị, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã tặng hơn 356 thiết bị và công cụ hỗ trợ cho 100 tổ chức, đơn vị có phục vụ người khiếm thị.

Đặc biệt từ năm 2003 đến 2006, thư viện được hỗ trợ xây dựng 4 studio sản xuất sách nói kỹ thuật số, trong đó 2 studio tại thư viện. Từ đó giúp việc sản xuất sách nói được thuận tiện và nhanh chóng, cộng đồng khiếm thị tiếp cận và làm quen với loại tài liệu sách nói kỹ thuật số.

Hơn 5 năm qua, nhóm thiện nguyện vì người khiếm thị cùng với thư viện đã cung cấp hơn 400 máy nghe sách nói cho các trường, mái ấm, thư viện, Hội Người mù tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Cùng với cả nước, TP.HCM luôn dành sự quan tâm cho công tác phục vụ người khiếm thị và đã đạt được nhiều kết quả. Được sự quan tâm và chỉ đạo của UBND TP.HCM, từ năm 1999, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã thành lập Phòng đọc khiếm thị với nhiều sách chữ nổi Braille, băng ghi âm, đĩa CD-ROOM, máy phóng đại CCTV và nhiều trang thiết bị hiện đại khác.

Đặc biệt, việc phục vụ văn hóa đọc cho người khiếm thị được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: Tại thư viện, tại các mái ấm và những nơi có nhu cầu, kể cả ngoài thành TP.HCM. Xe thư viện số lưu động phục vụ người khiếm thị còn tổ chức các chuyến đi phục vụ tại các cơ sở, mái ấm, các trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật, hội người mù trong, ngoài thành phố, các tỉnh lân cận.

Việc tổ chức xe thư viện số lưu động đưa sách nói và tài liệu đến phục vụ người khiếm thị trong và ngoài thành phố đã đáp ứng nhu cầu đọc, nhu cầu giải trí của đối tượng đặc biệt này. Hình thức này mang lại hiệu quả cao, bởi người khiếm thị ở những vùng xa xôi không có điều kiện tiếp cận với dạng tài liệu phù hợp với đặc điểm của mình, không có điều kiện để tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại như máy tính, máy đọc sách nói. Đồng thời, thư viện cũng đã tổ chức đưa đón miễn phí các em khiếm thị đến thư viện, trung bình từ 4 đến 8 chuyến/1 tháng, với bình quân 150 em khiếm thị đến thư viện đọc sách báo, tư liệu.

Những hoạt động đó đã góp phần hỗ trợ người khiếm thị vươn lên, nâng cao tri thức, tạo ra được giá trị, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

Dịp này, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã tổ chức triển lãm ảnh và tài liệu phục vụ người khiếm thị.

Tập thể Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM và nhiều cá nhân xuất sắc công tác phục vụ người khiếm thị cũng đã được tuyên dương, khen thưởng.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)