Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ứng dụng công nghệ trong bầu cử

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
TPHCM đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm công tác bầu cử, phục vụ kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng với đó, TP Thủ Đức và các quận huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, áp dụng công nghệ thông tin giúp cử tri thuận lợi nhất khi tham gia bầu cử.

Tiện tra cứu, điều chỉnh
Ngay khi niêm yết danh sách cử tri (vào ngày 13-4), quận 3 đưa vào vận hành Cổng thông tin danh sách cử tri, với toàn bộ thông tin về cử tri trên địa bàn quận. Ông Nguyễn An Minh, Chánh Văn phòng Quận ủy quận 3, nhấn mạnh, hình thức này tạo thuận lợi để cử tri kiểm tra, đối chiếu thông tin và yêu cầu điều chỉnh trong trường hợp có sai sót. Thông qua cổng thông tin, 122.309 cử tri của 12 phường thuộc quận 3 ở bất kỳ nơi đâu cũng dễ dàng truy cập, kiểm tra thông tin. Người dân truy cập vào đường dẫn: http://quan3tphcm.gov.vn/cutri/tra-cuu, hoặc dùng điện thoại thông minh quét mã QR Code sẽ vào được cổng thông tin. Tại đây, sau khi lựa chọn phường, nhập họ tên của mình, cử tri có thể xem các thông tin chi tiết gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, tổ dân phố… Đồng thời, Cổng thông tin cử tri sẽ hiển thị toàn bộ thông tin cử tri ở cùng địa chỉ, để người truy cập kiểm tra thông tin cho cả gia đình. Nếu phát hiện có sai sót thông tin, cử tri nhập yêu cầu điều chỉnh, cung cấp họ tên và số điện thoại. 
Ứng dụng công nghệ trong bầu cử ảnh 1
Lãnh đạo quận 3 kiểm tra việc niêm yết danh sách cử tri và thực hiện tra cứu trên Cổng thông tin cử tri quận 3.
“Bình thường, để xác định thông tin cử tri và yêu cầu điều chỉnh (nếu có sai sót) thì cử tri phải đến tận nơi niêm yết. Cổng thông tin cử tri sẽ khắc phục được bất cập vừa nêu”, một cử tri cư ngụ phường 4 (quận 3) nhận xét. Theo thống kê, tính đến 22 giờ ngày 18-4, có 28.070 lượt truy cập vào cổng thông tin, trong đó có 242 lượt yêu cầu thay đổi thông tin của cử tri. Ông Nguyễn An Minh cho biết thêm, quận tiếp tục bổ sung thông tin về khu vực bỏ phiếu (từ ngày 13-5, sau 30 ngày niêm yết danh sách cử tri); thông tin chi tiết của từng ứng cử viên (từ ngày 28-4 đến 23-5) lên Cổng thông tin cử tri, tạo thuận lợi cho người dân tra cứu, tìm hiểu.
Với địa bàn rộng từ 3 quận nhập lại và quy mô cử tri lên đến hơn 708.000 người, TP Thủ Đức đã thiết kế bản đồ và đưa 360 khu vực bỏ phiếu lên bản đồ để thuận lợi theo dõi và cập nhật thông tin trong công tác bầu cử. TP Thủ Đức cũng bố trí phòng nhập dữ liệu phục vụ bầu cử với đường truyền Metronet (Metropolitan Area Network – dịch vụ của mạng đô thị băng rộng với đường truyền tốc độ siêu cao) và cử công chức nhập thông tin dữ liệu bầu cử. 
Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho hay, quận có 168 khu vực bỏ phiếu, với hơn 342.600 cử tri. Cùng với đảm bảo hệ thống đường truyền Metronet, quận đã thiết kế mô hình 3D hướng dẫn điểm bỏ phiếu để người dân nắm bắt một cách thuận tiện. Quận 12 cũng xây dựng clip hướng dẫn người dân cách bỏ phiếu.
Vận hành thử nghiệm phần mềm dùng chung
Theo thông tin từ Ủy ban bầu cử TPHCM, trên toàn địa bàn TPHCM đang khẩn trương hoàn thiện và triển khai phần mềm công tác bầu cử, chuẩn bị hoàn tất các nội dung để vận hành thử nghiệm phần mềm. Tiếp đó, TPHCM tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm, kiểm tra hệ thống, rà soát dữ liệu trước ngày bầu cử. Đối với TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn thực hiện rà soát trang thiết bị, đảm bảo đường truyền Metronet và phân công cán bộ, công chức nhập thông tin dữ liệu bầu cử, bố trí phòng nhập liệu, số lượng máy vi tính, máy in đáp ứng yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM khuyến khích các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin phục vụ tra cứu danh sách cử tri, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trước bầu cử. Tuy nhiên, trong thời điểm bầu cử, TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn cần thực hiện nghiêm túc các nội dung theo mẫu quy định về thẻ cử tri, phiếu bầu cử và cần cân nhắc áp dụng công nghệ thông tin, vì chưa có hành lang pháp lý.
Thông tin thêm về phần mềm công tác bầu cử, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, phần mềm do Sở TT-TT TPHCM và Sở Nội vụ TPHCM phối hợp thực hiện, là phần mềm dùng chung cho tất cả điểm bỏ phiếu tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM. Phần mềm có các tính năng nổi bật như in thẻ cử tri, cập nhật biến động của cử tri, cập nhật liên tục tiến độ cử tri đi bầu ở các cấp theo quy định. Ngay khi khu vực bỏ phiếu nhập số liệu cử tri đi bầu, tình hình cử tri đi bầu cử sẽ hiển thị, kết nối với Ủy ban Bầu cử TPHCM và hiển thị ở báo cáo của các đơn vị. Đặc biệt, khi diễn ra bầu cử, trên phần mềm sẽ tổng hợp và có kết quả bầu cử, giúp kịp thời báo cáo điện tử tới Ủy ban Bầu cử TPHCM.
Dự kiến cuối tháng 4-2021, Sở TT-TT TPHCM và Sở Nội vụ TPHCM sẽ tổ chức đào tạo và có 3 đợt diễn tập, với 1.600 người tham gia thao tác, sử dụng phần mềm bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu. Sở Nội vụ TPHCM cho hay, các ứng cử viên không tham gia vào nhóm 1.600 nhân sự thao tác trực tiếp phần mềm bầu cử. Một số xã, phường, thị trấn có đông ứng viên, trong trường hợp thiếu nhân sự cho công tác thao tác phần mềm thì cấp quận phải cử người hỗ trợ.
Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh khẳng định, Sở TT-TT sẽ phối hợp với các quận, huyện, xã, phường, thị trấn rà soát, kiểm tra hệ thống đường truyền Metronet; rà soát, kiểm tra hệ thống hội nghị trực tuyến đảm bảo hoạt động liên tục từ nay đến ngày bầu cử và sau bầu cử, nhằm phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến về bầu cử. Riêng việc kiểm phiếu vẫn thực hiện bằng tay theo quy định chung trong toàn quốc.
 

MẠNH HÒA (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)