Ngày 16-7-2016, tại TP.Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND TP.Cần Thơ và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo “Tăng cường ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL”. Đại diện UBND các tỉnh, thành trong khu vực và nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại các viện – trường đã tham dự.
Thiếu ứng dụng KH&CN nên hạt gạo mất giá
Theo báo cáo, hàng năm, khu vực ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 92% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng và 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và hậu quả ngày càng khó lường. Bên cạnh đó, giữa bối cảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu sắc với các hiệp định thương mại WTO, FATA, sắp tới là Hiệp định TPP… đã đặt ra nhiều thách thức đối với sức cạnh tranh các mặt hàng nông nghiệp của nước ta tới thị trường thế giới…
Cụ thể, ứng dụng KH&CN cao trong các khâu chế biến, bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống vẫn ở tình trạng chất lượng thấp, giá thành cao, chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp cùng loại của nước ngoài. Phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng rất thấp. Do vậy, dù VN nằm trong số nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng giá trị kinh tế từ hạt gạo không cao, nếu không muốn nói là nằm trong số quốc gia xuất khẩu gạo với giá thấp nhất. Bên cạnh đó là tình trạng “được mùa mất giá” nên đời sống của người nông dân ở đây cứ mãi khốn khó…
Ông Nguyễn Văn Tốn, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Nông thôn, Ban Kinh tế TW, chỉ ra: “Việc chuyển giao nghiên cứu KH và phát triển CN chưa đồng đều giữa các vùng miền, các tiến bộ KH&CN chưa được áp dụng đại trà đến người nông dân. Đặc biệt, đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) tham gia nghiên cứu KH và phát triển CN nhưng thực sự các DN vẫn chưa tiếp cận được nhiều những ưu đãi trong các chính sách đó. Vai trò của DN trong nghiên cứu KH nông nghiệp và phát triển nông thôn, sự tham gia của DN vào đầu tư cho KH&CN chưa được quan tâm đúng mức”.
Theo các đại biểu, để có biện pháp đột phá trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế thị trường cần có chính sách và giải pháp tập trung để việc sản xuất nông sản tại ĐBSCL cho ra sản phẩm đạt những yêu cầu: khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Muốn vậy, cần phải liên kết DN với hợp tác xã/ tập đoàn của nông dân để chấm dứt tình trạng DN sản xuất mà không có vùng cung cấp ổn định nguyên liệu có chất lượng…
Cần có những nông dân kiểu mới
GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: “Cần đào tạo nông dân kiểu mới, nghĩa là không đào tạo tràn lan, đủ loại kiến thức cho nông dân như cách làm kém hiệu quả hiện nay. Nông dân trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nguyên liệu có liên kết với DN đầu ra sẽ được đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mà DN cần tiêu thụ. Nông dân kiểu mới sẽ không tự do sản xuất theo ý muốn hoặc kinh nghiệm của mình mà phải triệt để tuân theo tiêu chuẩn GAP. Tiến tới một chính sách mới hơn để nông dân gắn bó với DN bằng cách lập công ty cổ phần nông nghiệp mời nông dân mua cổ phần của DN bằng lúa, bảo đảm giá có lãi”.
Đối với vai trò của Nhà nước, cần ban hành chính sách đổi mới để khuyến khích nông dân và DN liên kết nhau trên cùng một địa bàn, bằng cách sửa đổi Luật Đất đai và Luật Hợp tác xã cho phù hợp và áp dụng mô hình “Chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp”, ưu đãi thuế trong giai đoạn 5 năm đầu cho những liên kết làm đúng. Ngoài ra, Nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư trang thiết bị, đầu tư vùng nguyên liệu gắn với sản xuất thực hành nông nghiệp tốt tạo ra nguồn hàng hóa lớn, đồng nhất về chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế TW, cho rằng: “Để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất ở ĐBSCL, chúng ta cần học tập và chuyển giao ứng dụng những tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp của các quốc gia tiên tiến, trong đó nổi bật là Israel và Hà Lan – đây là 2 nước có nhiều điều kiện tự nhiên và khí hậu gần giống ĐBSCL. Phải xem việc học tập ứng dụng tại 2 quốc gia này là công việc khẩn trương. Trước mắt cần quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở TP.Cần Thơ vì thành phố có nhiều thuận lợi trong công tác nghiên cứu KH, sau đó triển khai ra toàn vùng, không cần phải xây dựng tràn lan các trung tâm ở tất cả các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, chỉ có DN mới đủ tiềm lực ứng dụng KH&CN vào sản xuất cũng như chuyển giao đến nông dân. Vì vậy, trước mắt cần tập trung ứng dụng KH&CN vào sản xuất lúa gạo, rau quả và cá tra; đồng thời tạo sự gắn kết giữa DN và nông dân để đưa các sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Khi thị trường mở rộng, sẽ trở lại tạo điều kiện về kinh phí, tiềm lực để đầu tư hơn cho ứng dụng KH&CN, đưa sản xuất nông nghiệp của khu vực đạt hiệu quả hơn”.
Dịp này, Ngân hàng BIDV đã ký kết với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ về tài trợ nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL.
Đan Phượng
Bình luận (0)