Việc đọc sách để nâng cao đạo đức, để tu dưỡng các giá trị, lý tưởng sống, vì một ngành giáo dục, vì một xã hội, và cũng là một tấm gương cho trẻ noi theo, bởi mỗi thầy cô giáo là một tấm gương trong việc học tập suốt đời…
Không gian sách của Bác Hồ dành cho các em học sinh Trường MN Long Trường (TP.Thủ Đức)
Nếu như tìm một cuốn sách hay để đọc, thì chúng ta phải tìm kiếm một nguồn sách có ý nghĩa, có ảnh hưởng nhất định, có hiệu quả cho công việc, và trong cuộc sống hàng ngày. Sách là tài sản quý giá, là nguồn tư liệu, là di sản của thế hệ đi trước để lại cho những thế hệ sau. Là một giáo viên mầm non, bản thân tôi được đào tạo, được học tập thường xuyên, bởi những kiến thức tôi lãnh hội được sẽ được áp dụng trên trẻ em. Việc đọc sách để nâng cao đạo đức, để tu dưỡng các giá trị, lý tưởng sống, vì một ngành giáo dục, vì một xã hội, và cũng là một tấm gương cho trẻ noi theo, bởi mỗi thầy cô giáo là một tấm gương trong việc học tập suốt đời. Học ở đây, không chỉ là kiến thức, mà còn là rèn luyện tu dưỡng tư tưởng đạo đức. Chính vì vậy, để tìm một nguồn tư liệu, một nguồn sách mang lại giá trị đó, tôi đã tìm kiếm, và đã gặp ngay tại trường học, nơi tôi đang công tác.
Trong thời gian từ năm 2022, khi trường học thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay tại đơn vị, thì giáo viên chúng tôi là những người sẽ sưu tầm các nguồn tư liệu về Bác Hồ, rất nhiều nội dung được chúng tôi liệt kê ra như, con đường cách mạng, sự nghiệp văn chương, cuộc đời, tư tưởng, văn thơ, âm nhạc viết về Bác. Khi đó, tôi được đọc, được nghiên cứu rất nhiều nguồn tài liệu, các loại sách viết về Bác. Trong những tư tưởng đạo đức của Bác về từng thành phần trong xã hội, công nhân, nông dân, tri thức và thiếu niên nhi đồng.
Trên từng trang sách, Bác để lại, như khi Bác viết cho thiếu nhi: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Lời dạy nhẹ nhàng và gần gũi, dễ hiểu dễ thuộc, như một người ông người bà dành cho con cháu. Di sản Bác để lại, đọc mà càng cảm thấy thấm từng câu chữ, không cần phải nhiều ngôn ngữ dài dòng, Bác chỉ cần căn dặn: “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, học hành là ngoan”. Trang sách của Bác để lại giúp tôi như khơi nguồn động lực để cố gắng trong công việc, tôi vẫn thường áp lực, tự trói buộc mình vào những đòi hỏi nhất định, hay là sự cầu toàn của xã hội dành cho trẻ, nên vẫn thường bị những cái tự chất vấn bản thân mình, rằng chưa làm tròn trách nhiệm của một người giáo viên nuôi dạy trẻ. Nhưng sau khi đọc lời Bác dạy, tôi cảm nhận được rằng, không nên đòi hỏi ở trẻ quá nhiều, bởi mỗi trẻ sẽ có một biểu đồ phát triển khác nhau, có trẻ sẽ giỏi vận động, giỏi giao tiếp, giỏi ca hát, và nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ sẽ khác nhau, nhưng chỉ cần biết những kỹ năng cần thiết cơ bản là đã ngoan, là xứng đáng được động viên khen ngợi. Trẻ em như những cái búp trên cành, mà chúng ta cần phải nâng niu và giữ gìn một cách rất nhuần nhuyễn bằng tình yêu thương, lời nhắn nhủ, lời yêu thương sâu sắc dành cho trẻ em qua câu thơ trên của Bác đã để lại cho thế hệ của chúng ta thực sự là tài sản vô giá.
Cán bộ, giáo viên Trường MN Long Trường (TP.Thủ Đức) cùng đọc sách của Bác Hồ
Những trang sách của tư tưởng Hồ Chí Minh giúp tâm hồn tôi, trí tuệ tôi được mở ra, khai sáng. Một sự thông tuệ trong tư tưởng vốn quá nhiều căng thẳng những phút giây chênh vênh, không tìm ra động lực để bước tiếp, bước vững trên con đường vì sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người vô cùng ý nghĩa mà tuổi trẻ đã chọn. Sống trong cuộc sống này, đâu riêng gì việc trường lớp, mà còn có gia đình, có con cái, thì chúng ta sẽ không ngừng gặp những khó khăn, những trục trặc vướng mắc, chính vì vậy chúng ta cần có những tấm gương để chúng ta noi theo. Thì cuộc đời hy sinh, tính cách giản dị, sống hết lòng vì nhân dân, sống hết mình, cùng với khát vọng tự do của Bác, là kim chỉ nam để một giáo viên của một lớp học, một người mẹ của các con cần phải noi theo, không làm được điều vĩ đại như Bác, nhưng ít ra phải tập mỗi ngày mỗi giờ, trong những hành động, trong từng giao tiếp, trong từng cách sống để vượt qua thói hư tật xấu, cùng với việc tiến bộ hàng ngày, để chính bản thân mình tự rèn luyện, tự giác ngộ và thực hiện được những nguyện vọng đích thực của một con người.
Tìm được một cuốn sách hay, một tư tưởng đúng tức là chúng ta có được một người bạn tốt bên cạnh, một người thông thái bên mình suốt đời. Nhưng ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin giải trí, nguồn tiếp cận với vô vàn phim ảnh trực quan sinh động, âm thanh, hình ảnh, thu hút người xem, đó là điều hiển nhiên, người lớn cũng công nhận giữa việc xem một thước phim, một video, một bản nhạc vẫn hấp dẫn hơn, việc lật từng trang sách, chữ nghĩa đòi hỏi con người mình phải tập trung, phải suy nghĩ, suy ngẫm trên từng con chữ, cho nên khi lựa chọn cho chính mình một nguồn giải trí, một phương thức làm đẹp tâm hồn, ổn định tư tưởng thì đòi hỏi chúng ta phải đọc, phải yêu quý và trân trọng cuốn sách, như cách chúng ta trân trọng bạn thân của mình, như cách chúng ta kính yêu người thầy của chúng ta. Khi tìm được một nguồn đọc chính nghĩa, đáp ứng được điều mà bản thân đang cần thì đó là một điều may mắn, một điều no đủ và hạnh phúc trong tình yêu với kiến thức, với trải nghiệm, mà điều này là sách. Sách là nguồn khởi tạo, đả thông tư tưởng, cũng như dắt lối cho chúng ta đi con đường đúng.
Tôi may mắn là được làm việc trong ngành giáo dục, là người giúp trẻ em đến với sách, thì tôi được nhà trường trang bị tủ sách, thư viện, và gần đây nhất là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thêm vào đó là nguồn tư liệu từ báo chí giúp cho tôi có bạn, có thầy ở bên cạnh. Vì rất yêu quý người bạn, người thầy sách này, mà tôi cũng góp nhặt cho tủ sách của mình ở nhà. Tôi cảm nhận được rằng, bản thân tôi không bao giờ cô đơn, không bao giờ lẻ loi, không bao giờ độc hành trên con đường mang kiến thức, dạy trẻ lòng yêu thương, xây từng viên gạch nhỏ cho trẻ em ở giai đoạn mầm non. Giai đoạn đầu đời cần lắm cái tâm huyết của người nuôi dạy trẻ.
Hồ Xuân Đà
(GV Trường MN Long Trường)
Bình luận (0)