Học tập là quá trình lao động của người học
Học tập, về bản chất, là quá trình lao động của người học (“người học” bao gồm tất cả những ai đang học, không phân biệt tuổi tác), nhằm “chiếm lĩnh” giá trị văn hóa của nhân loại, biến thành giá trị của bản thân, để phục vụ trở lại nhân loại. Lao động học tập là một loại lao động đặc thù. Sản phẩm của lao động học tập không phải là một “khách thể” nào đó (như sản xuất ra vải vóc), mà là chính bản thân “chủ thể” (người học) đã được biến đổi, để trở thành người. Cái sự “trở thành người” này, không ai có thể làm thay người học, mà họ phải “tự thân vận động” là chính. Do đó, sự tác động của người thầy cần theo quan điểm “dạy học cá thể” và “lấy người học làm trung tâm”, chứ không thể “áp đặt” hay làm thay họ.
Mỗi người học là một cá nhân cụ thể. Mỗi cá nhân là một “cái riêng”, một “tiểu vũ trụ”. Hơn 6 tỷ người trên hành tinh này, không ai giống ai (kể cả những người song sinh). Đối với thế hệ trẻ – dưới giác độ tâm lý học – học tập cũng chính là nhằm phát triển nhân cách theo hướng chân, thiện, mỹ. Mà nhân cách của mỗi cá nhân chỉ được hình thành, phát triển và hoàn thiện (hay bị “thui chột”) trong quá trình cá nhân đó tự tương tác với hoàn cảnh. Vấn đề là người lớn phải tạo ra “hoàn cảnh mang tính người” để mỗi cá nhân tự trui rèn trong đó. Muốn họ “tự trui rèn” thì không thể “khoác đồng phục” cho mọi cá nhân rất khác nhau. Trái lại, người thầy cần hướng dẫn để từng cá nhân cụ thể tự “thi công” (chứ không thể làm thay), nghĩa là cần theo quan điểm “dạy học cá thể” và “dạy học lấy người học làm trung tâm”.
Đất nước ta đang tiến hành cuộc cách mạng XHCN, một cuộc cách mạng toàn diện nhất, triệt để nhất, khó khăn, phức tạp nhất, lâu dài, gian khổ nhất (do đó mà vĩ đại nhất), đòi hỏi những người làm cách mạng (đặc biệt là thế hệ trẻ) phải có óc sáng tạo nhiều nhất. Muốn có óc sáng tạo, phải tư duy độc lập (không thể cứ “thiên lôi chỉ đâu, đánh đó”). Muốn tư duy độc lập, phải “tự thân vận động” là chính (bởi sự vật chỉ có thể phát triển khi tự thân giải quyết mâu thuẫn bên trong), nghĩa là người học phải tự học, tự rèn là chính. Điều đó đòi hỏi người thầy cần có quan điểm “dạy học cá thể”, và “lấy người học làm trung tâm”, dẫn dắt họ, để họ tự tìm ra những “chân lý của cuộc đời”.
“Dạy học cá thể” – không phải là đề cao chủ nghĩa cá nhân
“Dạy học cá thể”, “Dạy học lấy người học làm trung tâm” không hề có nghĩa là đề cao “chủ nghĩa cá nhân” – một căn bệnh đang “tác oai tác quái” trong xã hội ta hiện nay, bởi chúng ta vẫn trung thành với “chủ nghĩa tập thể”, một nguyên tắc đạo đức XHCN. Nguyên tắc đó không hề “bóp nghẹt” cá nhân; trái lại, nó bảo vệ lợi ích chính đáng của từng cá nhân. Ngay tại những nước TBCN, đề cao “chủ nghĩa cá nhân”, người ta cũng coi trọng việc tổ chức học tập theo nhóm, khuyến khích học sinh, sinh viên sinh hoạt tập thể, hoạt động vì cộng đồng. Gần đây ở Hoa Kỳ mới xuất hiện một “trường phái” hội họa kết nối hay loại “tranh tròn”, trong đó một bức tranh được hoàn thành bởi nhiều tác giả vẽ kế tiếp nhau, với giao ước chỉ vẽ những gì liên quan đến hình tròn. Mỗi tác giả tự do sáng tạo theo sở thích cá nhân, nhưng lại hòa hợp với ý tưởng tập thể. Triết lý của của circle paintings là cái cá nhân hợp vào cái toàn thể, tính nghệ thuật hay điều kỳ diệu nằm ở chỗ đó. Cá nhân không mất đi sự đột phá, nhưng vẫn tìm tới tổng thể…” (Tuổi Trẻ Cuối Tuần – 13-7-2008). Tinh thần của “dạy học cá thể” và “dạy học lấy người học làm trung tâm” chính là nhằm cái đích tương tự: phát huy cao độ sự nỗ lực cá nhân của người học, đồng thời hướng cá nhân hòa hợp với cộng đồng, thực hiện hài hòa các quan hệ lợi ích: cá nhân – cộng đồng – xã hội.
Cũng trong bài viết của mình, TS.Huỳnh Công Minh có nêu: “Quan điểm sư phạm tiến bộ của thế giới ngày nay là “dạy học lấy học sinh làm trung tâm””. Đúng. Rất đúng. Đúng tới mức… hiển nhiên, quá hiển nhiên…. như một tiên đề toán học. Thật vậy, đối với bất kỳ nghề nào, điều hiển nhiên là phải lấy đối tượng của nghề mình làm trung tâm (chẳng lẽ lại lấy bản thân mình làm trung tâm). Đối tượng của thầy là trò, thì điều “rõ như ban ngày” là phải lấy trò làm trung tâm.
Thế vì sao “cái hiển nhiên” đó lại phải đề lên thành “quan điểm mới”? Tại đây, xin có đôi lời bàn luận cho vấn đề được sáng tỏ.
Quan điểm này được ghi trong cuốn sách Learner Centered teaching Methods (LCTM – “Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm” – Cũng có người dịch là “Phương pháp dạy học hướng về người học”) do TS.Rudolf Batliner biên soạn, và được Tổ chức SDC/Helvetas VietNam (Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ) hỗ trợ in ấn những năm gần đây. Quan điểm này là tiến bộ. Đúng. Nhưng không phải chỉ “của thế giới ngày nay”, mà còn của “thế giới hôm qua”, nghĩa là quan điểm này vừa mới, vừa không mới.
Không mới, bởi về nội dung của quan điểm này đã được nói đến từ lâu (chỉ có điều là chưa hình thành thuật ngữ chuyên môn tương ứng). Thật vậy:
Ngay từ thế kỷ XVII, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà giáo dục người Tiệp (Séc – Czech) Jan Amos Komensky (1592 – 1670) – người đã được các chuyên gia sư phạm cho là có công đặt nền móng cho lý luận giáo dục tiên tiến hiện đại, và được coi là nhà giáo của các dân tộc (Teacher of Nations) – đã viết: “Giáo dục có mục đích đánh thức năng lực nhạy cảm, óc phán đoán, phát triển nhân cách… Hãy tìm ra phương pháp cho phép giáo viên dạy ít hơn, học sinh học nhiều hơn”.
Thế kỷ trước, những công trình của John Deway (Experience and Education – Kinh nghiệm và Giáo dục -1938) và của Carl Rogers (Freedom to learn – Tự do học tập – 1986) cũng đã đề cao nhu cầu, lợi ích của người học, và đề xuất việc để cho người học được lựa chọn nội dung học tập, được tự tìm tòi, nghiên cứu.
Ngay ở nước ta, khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”, “Thầy tổ chức, trò hoạt động”, “Thầy thiết kế, trò thi công” đã được nêu lên từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. (Tôi còn nhớ, cách nay hơn nửa thế kỷ, khi còn học Sư phạm ở Khu học xá TW Nam Ninh – Trung Quốc, thầy Tảo dạy môn giáo dục học cũng đã truyền cho chúng tôi tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, và đã chỉ dẫn tỉ mỉ về cách thức phát huy tính tự giác, tích cực học tập của học sinh, về việc chăm sóc từng học sinh trong giờ lên lớp cũng như trong công tác chủ nhiệm lớp. Và tất cả các thầy dạy bộ môn khác, trong đó có nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai, thầy giáo dạy văn của chúng tôi thời đó, cũng thông qua việc giảng dạy bộ môn của mình, mà “truyền lửa sư phạm” cho chúng tôi như tinh thần của thầy Tảo).
Nhưng là mới, bởi về mặt hình thức, thuật ngữ Learner Centered Teaching Methods chỉ mới xuất hiện những năm gần đây. Và về nội dung, quan điểm này đã “khôi phục” và nâng cao “cái cũ đúng đắn của một thời”, mà trong bối cảnh lịch sử của vài thập niên vừa qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, người ta đã xa rời nó, để chọn “cách làm dễ nhất” trong giảng dạy: “thầy đọc – trò chép”, “thầy giảng giải – trò ghi nhớ”, “thầy thao thao bất tuyệt – trò thiêm thiếp giấc nồng”. Hậu quả: “sản phẩm ra lò” phần đông là những người “lỡ thầy, lỡ thợ”, thụ động, lóng ngóng, coi chẳng giống ai trong thiên hạ.
Quan điểm mới không chỉ “khôi phục” mà còn “nâng cao” “cái cũ đúng đắn” bằng một loạt những “thao tác công nghệ” về nội dung, phương pháp, hình thức dạy học, cách đánh giá… theo quan điểm đó, và đã hình thành hẳn những cuốn sách “cẩm nang” chỉ dẫn cách dạy học rất bổ ích.
Ấy nhưng, mọi cái mới ra đời thường không dễ “xuôi chèo, mát mái”. Lác đác đã có những bài viết trong thời gian qua tỏ ra không đồng tình.
Không đồng tình, vì họ cho rằng như vậy là hạ thấp vai trò của người thầy, khi họ vặn lại: tại sao không “lấy người thầy làm trung tâm”? Phản ứng này e vội vàng quá chăng? Bởi người ta nói: “Dạy học lấy người học làm trung tâm” chứ không là “Lấy người học làm trung tâm”. Chủ ngữ “Dạy học” đó đã xác định rõ vai trò của người thầy đối với người học rồi. Người thầy lấy đối tượng phục vụ của mình làm trung tâm, thì có chi phải bàn nữa.
Còn nếu đưa ra “ngang xương” khẩu hiệu “Lấy người học làm trung tâm”, thì có thể bàn cãi về quan điểm này, bởi “chủ ngữ” ở đây không xác định. Thật vậy: Nếu “chủ ngữ” là người thầy, thì như trên đã phân tích. Nếu “chủ ngữ” là đơn vị giáo dục (nhà trường, lớp học… ), chẳng hạn: “Nhà trường lấy học sinh làm trung tâm”, thì cũng cần có đôi lời luận bàn thật.
Quan điểm “Dạy học cá thể”, “Dạy học lấy người học làm trung tâm” cần được phổ biến rộng khắp, và cần được sự ủng hộ rộng rãi của đội ngũ thầy, cô giáo và của toàn xã hội. Chỉ có như vậy mới có thể tạo được bước chuyển cách mạng về chất lượng dạy học, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, và mau chóng đưa nền giáo dục của đất nước sánh kịp với các nước trong khu vực, tiến lên ngang tầm quốc tế. |
Trong nhà trường, hai “nhân vật”: thầy và trò – về mặt triết học – là hai mặt đối lập trong một thể thống nhất: nhà trường. Hai mặt đó phải nương tựa vào nhau, không thể thiếu nhau, làm tiền đề của nhau, chuyển hóa cho nhau (theo một nghĩa nào đó, thầy không chỉ là thầy, mà còn là trò của trò; và trò không chỉ là trò, mà còn là thầy của thầy). Thiếu một trong hai “nhân vật” đó, đều không thành nhà trường. Cả hai “nhân vật” đều quan trọng, không thể gán vai trò “trung tâm” cho “nhân vật” này, mà hạ thấp “nhân vật” kia. “Không thầy, đố mày làm nên”, nhưng không có trò thì cũng chẳng cần thầy.
Tại đây, cũng mong các nhà quản lý giáo dục trẻ tuổi (nhất là ở cấp cao nhất) chớ nên chạy theo “mốt” mà “cực đoan hóa” quan điểm trên, “quên mất” vai trò rất mực quan trọng của người thầy trong nhà trường, như Đảng ta đã xác định: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh” (NQTW2 – khóa VIII).
Lại có người không đồng tình với quan điểm tiến bộ trên chỉ vì do sức ì quán tính. Họ cho rằng nếu theo đúng quan điểm đó, họ sẽ phải nhọc nhằn thay đổi toàn bộ “nếp cũ, lối xưa”.
Đối với các thầy này, có lẽ chỉ có cách từng bước thuyết phục về tư tưởng, hướng dẫn chu đáo về chuyên môn, nghiệp vụ (như ngành ta đang triển khai); song song với việc nhà nước và xã hội tăng cường cung cấp các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường lớp để có quy mô lớp học với sỹ số vừa phải, về chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người thầy… mới hy vọng giải quyết được.
C. Dân
Bình luận (0)