Thời gian qua, liên tiếp những vụ trộm, cướp xảy ra đã làm không ít gia đình lo lắng. Xử lý như thế nào khi phát hiện “khách không mời mà đến” để không dẫn đến tình huống xấu nhất là mối quan tâm của nhiều gia đình.
Mới đây , chuyên đề “Cách ứng phó tình huống khi gặp trộm, cướp vào nhà” diễn ra tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM đã thu hút đông đảo người dân đến tham dự. Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của nhiều gia đình hiện nay trước vấn đề này.
Sơ hở, mất cảnh giác
Gần đây, vụ án giết người, cướp của xảy ra tại Quảng Bình đã làm rúng động dư luận khi đối tượng đã đột nhập vào nhà chị Hồ Thị Tý (35 tuổi) trộm tài sản và dùng dao đâm chết chị Tý cùng ba chồng là ông Nguyễn Văn Sắt (94 tuổi). Những vụ án giết người, cướp của trong thời gian qua đã cho thấy mức độ nguy hiểm của những “khách không mời mà đến”. Điều đáng lo ngại là hầu hết các đối tượng khi tham gia trộm, cướp đều có mang theo hung khí. Do đó, mỗi hộ gia đình cần phải biết cách xử lý khi đối mặt với những tình huống như thế bởi tình huống này có thể xảy ra với bất kỳ ai trong cuộc sống.
Qua 2 tháng (từ ngày 16-4-2015 đến ngày 15-6-2015), Công an TP.HCM ghi nhận trên địa bàn TP xảy ra 563 vụ trộm, cướp tài sản (khám phá 287 vụ, bắt 316 tên); 169 vụ cướp giật tài sản (khám phá 130 vụ, bắt 174 tên). Chia sẻ trong buổi chuyên đề, Thiếu tá Bùi Thái Đức, Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Công an TP.HCM cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các vụ trộm cắp vẫn là chủ sở hữu sơ hở, mất cảnh giác, không khóa cửa trên lầu vào ban đêm hoặc đi vắng nhà không có người trông coi.
Thiếu tá Bùi Thái Đức (bìa trái) đang chia sẻ về cách ứng phó tình huống khi gặp trộm, cướp vào nhà |
Cần ứng biến khôn khéo
Thủ đoạn, cách thức hành động của các đối tượng trộm, cướp ngày càng tinh vi. Do đó, mỗi người dân cần trang bị những kiến thức để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. “Để đánh vào tâm lý bọn trộm, chủ nhà có thể treo trước nhà tấm biển “Coi chừng chó dữ”. Bên cạnh đó, hệ thống khóa cần phải được gia cố kỹ lưỡng. Nhiều hộ gia đình đầu tư khóa rất cẩn thận nhưng lại không chú ý ở khoen khóa. Bọn trộm sẽ dễ dàng phá mắt xích để đột nhập vào nhà. Cửa cuốn cũng rơi vào tầm ngắm của trộm, cướp khi chúng phát hiện sự sơ hở của chủ nhà. Do đó, chủ hộ nên lắp thêm một lớp cửa phía trong. Chủ nhà nên khóa trong vì trộm sẽ khó phát hiện được nhà có vắng người hay không. Ngoài ra, khóa trong nên để ở vị trí hơi cao hoặc hơi sâu so với lỗ cửa, muốn mở phải thò cả bàn tay vào, như thế trộm sẽ mất rất nhiều thời gian phá khóa nên sẽ nản mà bỏ đi”, Thiếu tá Bùi Thái Đức chia sẻ.
Theo phân tích của Thiếu tá Bùi Thái Đức, hầu hết trước khi chuẩn bị đi gây án, mục đích của những tên trộm, cướp đã xác định rõ là cướp tài sản. Đối tượng chỉ gây nên thảm sát khi chủ nhà giằng co, tri hô. Khi đó, chúng buộc phải manh động để mong thoát thân vì bị dồn vào đường cùng. Nhiều người chủ quan, mất cảnh giác trước đối tượng nên tìm cách chống trả, gây nguy hiểm cho bản thân và những thành viên khác trong gia đình. “Những tên trộm thường đột nhập vào nhà lúc đêm khuya khi phát hiện chủ vắng nhà hoặc chúng đã có sự quan sát sự sơ hở về hệ thống cửa trong nhà. Chúng đã có sự đầu tư về thiết bị để phá cửa, có sự quan sát về địa hình, địa vật tại chỗ như cột điện, tường nhà hàng xóm, lỗ thông gió… Những đồ vật, chìa khóa… được chủ nhà để ở vị trí thuận lợi cũng đã vô tình rơi vào tầm ngắm của kẻ trộm”, Thiếu tá Bùi Thái Đức cho biết.
Trong nhiều tình huống có thể tự vệ, chủ nhà khi phát hiện trộm cướp hãy chủ động tỏ ra hợp tác. Tuy nhiên, mục đích là để chạy thoát thân chứ không phải đánh lại đối tượng, đôi khi sẽ vô tình dẫn đến tội cố ý gây thương sát. “Tùy vào tình huống mà mỗi người cần có cách ứng biến khôn khéo. Khi bị đối tượng đánh đòn phủ đầu hãy nằm bất động giả chết, mặc cho chúng lục lọi cho đến khi bỏ đi. Cần tỏ ra ngoan ngoãn, phục tùng, làm theo tất cả yêu cầu của chúng, không để chúng có cảm giác bất an hay bị kích động. Tận dụng sơ hở để bỏ chạy đến nơi an toàn trong nhà, chốt khóa cửa phòng lại, nếu có thể thì bỏ chạy thoát thân ra khỏi nhà, tri hô rồi báo công an. Tình huống tên cướp là người quen, khả năng chúng sẽ giết người diệt khẩu là rất cao, do đó hãy phản ứng quyết liệt, vừa chống trả vừa hô hoán và tìm đường gần nhất để chạy thoát thân”, Thiếu tá Bùi Thái Đức nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yên Hà
Theo số liệu của Công an TP.HCM, trong năm 2013 đã có 6.128 vụ trộm cướp, trong năm 2014 đã có 6.381 vụ trộm, cướp. 6 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 2.870 vụ trộm, cướp, thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tại địa bàn Q.10, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 76 vụ, người dân trực tiếp bắt được đối tượng trong 29 vụ. |
Bình luận (0)