Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ứng phó với chi phí đầu vào tăng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Giá nguyên vật liệu đầu vào và nhiều chi phí tăng cao đến mức doanh nghiệp dù cố gắng hết sức cũng không thể bù lại được…
Trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới tăng cao do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vì dịch Covid-19, ảnh hưởng thời tiết và xung đột Nga – Ukraine, nhiều quốc gia đang gia tăng bảo hộ với nhiều loại nguyên vật liệu nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Việc này đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã khó lại càng thêm khó.
Nhiều nước ngừng xuất khẩu lương thực
Mới đây nhất, Ấn Độ – nước sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới – đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì để bảo đảm an ninh lương thực cho 1,4 tỉ dân của nước này trước tình hình sản lượng lúa mì giảm và giá mặt hàng này trên toàn cầu tăng cao. Các thương nhân phải có sự cho phép của Chính phủ mới được ký kết các giao dịch lúa mì. Ngay sau lệnh cấm, giá lúa mì thế giới lập tức tăng vọt.
Ứng phó với chi phí đầu vào tăng cao - Ảnh 1.
Mì gói là một trong những sản phẩm bị ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá lúa mì toàn cầu. Trong ảnh: Sản xuất mì gói tại Công ty Vifon

Trước Ấn Độ, nhiều nước trên thế giới đã ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đối với lương thực và một số mặt hàng từ nông sản do áp lực lạm phát tăng cao, mà xung đột Nga – Ukraine là nguyên nhân chính.
Cụ thể, Argentina cấm xuất khẩu dầu đậu nành, bột đậu nành đến hết tháng 12-2023. Một số quốc gia khác cấm xuất khẩu các mặt hàng nông sản đến hết năm 2022, như: Algeria cấm xuất khẩu mì ống, các dẫn xuất từ lúa mì, dầu thực vật, đường; Ai Cập cấm xuất khẩu dầu thực vật, bắp; Indonesia tạm dừng xuất khẩu dầu cọ, dầu hạt cọ; Iran cấm xuất khẩu khoai tây, cà tím, cà chua, hành tây; Kazakhstan cấm xuất khẩu lúa mì, bột mì; Kosovo cấm xuất khẩu lúa mì, bắp, bột mì, dầu thực vật, muối, đường; Thổ Nhĩ Kỳ cấm xuất khẩu thịt bò, thịt cừu, thịt dê, bơ, dầu ăn; Ukraine cấm xuất khẩu lúa mì, yến mạch, kê, đường; Nga cấm xuất khẩu đường, hạt hướng dương; Serbia cấm xuất khẩu lúa mì, bắp, bột mì, dầu; Tunisia cấm xuất khẩu trái cây, rau củ; Kuwait cấm xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gà, ngũ cốc, dầu thực vật…
Tại Việt Nam, các DN không chỉ chịu tác động trực tiếp từ giá lương thực, nguyên liệu trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng mạnh mà còn phải chịu nhiều sức ép từ giá xăng dầu, chi phí logistics… liên tục tăng từ đầu năm tới nay. Đặc biệt, từ chiều 23-5, giá xăng trong nước đã vọt lên mức cao kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại đây: giá xăng E5 RON92 tăng thêm 680 đồng/lít, từ mức 28.959 đồng/lít lên 29.639 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 670 đồng/lít, từ mức 29.983 đồng/lít lên 30.653 đồng/lít.
Theo ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang – chuyên nhập khẩu các loại lúa mì, bắp, đậu nành…, so với trước khi xung đột Nga – Ukraine, giá các nguyên liệu này đã tăng từ 30%-40%. Riêng về lúa mì, Nga và Ukraine là những nguồn cung cấp lớn ra thế giới nên khi 2 nguồn này bị hạn chế làm cho mặt bằng giá thế giới tăng cao.
Do nguồn cung chính lúa mì cho Việt Nam là Úc, Mỹ, Canada nên mặt hàng này tạm thời không bị thiếu, chỉ là giá tăng cao. Hiện giá lúa mì loại phổ thông đang ở mức 510 USD/tấn (giao tại cảng TP HCM), tăng 160 USD/tấn so với đầu tháng 2. Điều này đẩy giá 2 mặt hàng là bánh mì và mì gói tăng lên và thực tế các nơi đã tăng rồi. "Mong muốn lớn nhất của các DN là tỉ giá đồng USD ổn định, không bị tăng bởi đây là yếu tố gây rủi ro cho các DN nhập khẩu" – ông Khánh bày tỏ.
Ông Khánh nói thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng đẩy giá thành chăn nuôi tăng nhưng giá đầu ra không tương ứng, đặc biệt là heo, khiến nhiều nông dân phải bỏ chuồng. Điều này kéo theo khả năng thiếu thịt heo trong thời gian tới và nguy cơ thịt heo tăng giá nóng sau thời gian giá thấp. Dự kiến, năm nay ngành chăn nuôi sẽ tăng trưởng âm hoặc lạc quan lắm chỉ được 1%-2% do giá cao, kéo theo nhu cầu giảm.
Còn ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết giá bắp, đậu nành tuy vẫn ở mức cao nhưng đã rời mức đỉnh. Cụ thể, đậu nành tại cảng hiện có giá 13.000 đồng/kg (đỉnh 17.000 đồng/kg), bắp 8.500 đồng/kg (đỉnh hơn 9.000 đồng/kg) nên ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi "dễ thở" hơn trước.
"Giá mọi thứ tăng lên thì mọi người sẽ phải tiêu dùng tiết chế. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia sử dụng thực phẩm lãng phí, chỉ sau Trung Quốc. Đây là lúc để nhiều gia đình mua sắm vừa đủ ăn, không dư thừa. Giảm cầu cũng là yếu tố giữ giá hàng hóa" – ông Bình nêu quan điểm.
Tiết giảm nhưng vẫn phải tăng giá bán
Ông Ngô Trần Ngọc Quốc – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Trần Quốc – cho biết những biến động về giá nguyên phụ liệu và giá xăng trong 5 tháng đầu năm 2022 gây nhiều khó khăn cho DN. Ngay cả hàng hóa xuất khẩu bằng đường bộ của Việt Nam cũng giảm tính cạnh tranh do giá xăng dầu tăng, chi phí nhân công và cước vận tải tăng do nhiều DN vận tải cũ đã giải thể sau dịch Covid-19, những DN mới tham gia thị trường phải mua phương tiện vận tải mới nên giá cao. "Giá xăng tăng liên tục, phí logistics cũng tăng nhưng giá xuất khẩu không tăng nên DN mất lợi nhuận" – ông Quốc nói.
Liên quan đến giá nguyên liệu thực phẩm tăng và có dấu hiệu khan hiếm, Công ty Acecook Việt Nam cho hay công ty luôn theo dõi diễn biến của thị trường toàn cầu và phối hợp, trao đổi chặt chẽ với các nhà cung cấp để đưa ra những nhận định, dự báo và sớm có kế hoạch ứng phó tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng.
"Từ năm 2021, giá các nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đến mức DN dù cố gắng hết sức cũng không thể bù lại được. Trong tình hình đó, Công ty Acecook Việt Nam đã phải tăng giá bán cho toàn bộ sản phẩm và áp dụng từ ngày 1-3-2022 với tỉ lệ tăng giá có khác nhau tùy theo sản phẩm" – ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam, thông tin.
Trong khi đó, Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) cũng đang phải triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động nhằm bù đắp một phần thiệt hại do giá nguyên phụ liệu tăng chóng mặt. Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết tình hình khan hiếm nguyên liệu trên thế giới ngày càng căng thẳng đã tác động trực tiếp đến DN sản xuất thực phẩm có sử dụng nhiều bột mì, dầu ăn… "Vifon không trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu mà mua qua nhà phân phối. Chúng tôi ký hợp đồng mua hàng trong 6 tháng đến 1 năm nên chưa gặp tình trạng thiếu nguyên liệu mà phải chấp nhận mua nguyên liệu với giá rất đắt đỏ: có loại tăng đến 30%-50%. Trong đó, bột mì và dầu ăn tăng "khủng" nhất" – bà Phương Mai nói.
Cũng như Acecook, Vifon đã điều chỉnh giá các mặt hàng trong kỳ điều chỉnh tháng 3. "Tỉ lệ tăng giá bán chỉ giúp DN không bán dưới giá thành chứ không tương xứng với tỉ lệ tăng giá đầu vào. Hiện nay thị trường xuất khẩu tương đối ổn định, thị trường trong nước vẫn còn chậm, công ty đã xác định tinh thần là chấp nhận lời ít hoặc có thể hòa vốn để giữ ổn định hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động" – bà Phương Mai chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (cà phê Meet More), cho biết công ty ông cũng muốn ký hợp đồng dài hạn, giá ổn định nhưng nhà cung cấp không chấp nhận vì họ cũng không kiểm soát được đầu vào.
"Việc giá cả hàng hóa tăng cao không biết điểm dừng gây rất nhiều khó khăn cho nhà sản xuất. Cà phê tuy là thực phẩm nhưng trong bối cảnh sức mua thị trường nội địa còn yếu, người tiêu dùng chỉ tập trung mua hàng thiết yếu thì cà phê thường nằm trong danh mục cắt giảm nếu giá tăng cao. Chúng tôi đã cố gắng giữ giá từ suốt năm ngoái nhưng đến nay không thể "gồng" thêm nên dự kiến sẽ tăng giá vào tháng 8 tới. Thời điểm đó, hy vọng sức mua tốt hơn. May mắn là chúng tôi có thêm mảng xuất khẩu nông sản, đàm phán được giá tốt và có lợi nhuận nên có thể bù đắp cho mảng nội địa" – ông Luận bày tỏ.
Áp lực trả nợ rất căng thẳng
Theo ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh, ngoài khó khăn do giá cả hàng hóa, nhiều DN đang phải xoay xở để "trả nợ" tiền BHXH trong thời gian tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 16. "Trước đây, khi DN tạm đóng cửa theo Chỉ thị 16 thì được tạm ngưng đóng BHXH. Nay DN khôi phục hoạt động thì phải đóng bảo hiểm cả cũ lẫn mới, nếu trễ hạn sẽ bị chế tài. Chưa kể, DN được gia hạn thuế thu nhập DN 6 tháng, thuế GTGT 5 tháng nhưng chưa kịp phục hồi đã đến hạn trả nợ, rất căng thẳng" – ông Quốc diễn giải.
Theo ông Quốc, hiện nay, DN đang nỗ lực để kéo giảm giá thành sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đầu ra cho hàng hóa tốt hơn thì việc phải gồng gánh thêm các khoản nợ thuế, phí đã gia tăng áp lực cho DN. Do đó, đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ, thông qua những cơ chế đặc thù để kịp thời tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn.
 
Thanh Nhân (theo NLĐ)

Bình luận (0)