- 1 Ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ: TP.HCM tìm giải pháp biến nguy thành cơ
Trước chính sách thuế quan đối ứng 46% mà Mỹ áp đối với hàng Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, trong nguy cơ luôn tiềm ẩn cơ hội. Riêng với TP.HCM, nếu TP biết cách ứng phó sẽ vượt qua khó khăn, không phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.

Đảo lộn những dự định phát triển của TP
Ông Nguyễn Văn Được – Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, việc Mỹ áp thuế 46% đối với Việt Nam là “cú sốc lớn”. TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước cho nên chính sách thuế này chắc chắn ảnh hưởng và phần nào tác động làm thay đổi, đảo lộn những dự định phát triển của TP trong năm 2025.
“Việc áp mức thuế cao khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ tăng cao, giảm tính cạnh tranh. Ngược lại hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam cũng tăng cao. Tác động này càng lớn trong giai đoạn Việt Nam đang gia tăng việc nhập các mặt hàng công nghệ, giá trị cao từ Mỹ”, ông Được nói.
Theo ông Được, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những động thái lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời. Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Trump, đề xuất đưa mức thuế về 0%. Tuy nhiên việc đàm phán sẽ còn khó khăn, không biết kết quả như thế nào.
“Trước mắt, chúng ta phải chủ động tìm giải pháp, lên kịch bản để ứng phó. Nếu việc đàm phán thành công, TP.HCM rất mừng; ngược lại chúng ta phải ứng phó linh hoạt”, ông Được nhấn mạnh.
TS. Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – nhận định, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cán cân thương mại chỉ ra rõ, TP.HCM có thặng dư thương mại rất cao đối với các đối tác của thị trường Mỹ, xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Nếu áp thuế 46%, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
TP đã nghiên cứu 3 kịch bản về tăng trưởng tương ứng với các mức thuế từ Mỹ, gồm kịch bản tăng trưởng thấp – bi quan nhất nếu Mỹ giữ nguyên chính sách thuế 46%; kịch bản tăng trưởng trung bình nếu Việt Nam đàm phán được một phần, giảm mức thuế còn 20-30%; kịch bản tăng trưởng tốt – lạc quan nhất nếu mức thuế còn 10-15%.
Với ba kịch bản nêu trên, GDP dự kiến giảm lần lượt 2-2,5%; 1,6-1,9% và 1-1,3%. Đối với TP.HCM, nếu áp mức thuế trên thì tăng trưởng kinh tế TP năm 2025 khoảng 4,63-5,75%; nếu áp thuế 25% thì TP tăng trưởng 6,23-7,35%; nếu áp thuế 15% thì TP tăng trưởng 7,37-8,49%, tiệm cận mục tiêu Chính phủ giao mục tiêu TP.HCM tăng trưởng kinh tế 8,5% trong năm 2025.
“Do đó, TP cần tập trung nỗ lực để đạt được ít nhất kịch bản trung bình, đồng thời phấn đấu để tiệm cận kịch bản lạc quan, thông qua các giải pháp đồng bộ và chủ động hơn trong quan hệ thương mại quốc tế”, ông Vũ nói.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị sẽ chủ động nắm bắt ngay những khó khăn, tác động trực tiếp đối với cộng đồng doanh nghiệp TP. Sở sẽ đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh các mặt hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Hoa Kỳ áp mức thuế 46% để có cơ sở kiến nghị với lãnh đạo TP và tìm hướng giải quyết.
Đồng thời, sở cũng triển khai phương án, giải pháp ứng phó hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến cáo doanh nghiệp bình tĩnh, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, tiếp tục giữ liên lạc với khách hàng Hoa Kỳ, duy trì sản xuất ở mức hợp lý thay vì ngừng hoàn toàn.
“Về căn cơ, chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp xác định thị trường trọng điểm thay thế. Tập trung điều chỉnh thị trường xuất khẩu, tận dụng các FTA khác để bù đắp thị trường Hoa Kỳ. Về chiến lược thị trường cho từng ngành, tổ chức các đoàn giao thương trực tuyến và trực tiếp sang EU, châu Á, Trung Đông, châu Phi – những thị trường chưa bão hòa và đang có FTA với Việt Nam”, ông Vũ cho biết.
Bên cạnh đó, Sở Công thương TP cũng thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để cùng vượt khó. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu trong nước (vải, da thuộc, phụ kiện, linh kiện điện tử cơ bản…), giúp giảm chi phí và tỷ lệ nhập khẩu từ các nước được xem là đối thủ của Hoa Kỳ, giảm nguy cơ bị áp thuế.
“Chúng tôi theo dõi sát tình hình các nước cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… Trường hợp các nước này giành lợi thế do thuế thấp hơn, chủ động nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cho khác biệt, tránh đối đầu trực tiếp về giá”, ông Vũ nhấn mạnh.
Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – cho rằng, một số doanh nghiệp rất lo lắng với mức thuế 46% mà Mỹ áp đối với hàng Việt Nam. Để ứng phó trước mức thuế này, TP.HCM cũng như Việt Nam phải duy trì mức tăng trưởng. Theo đó, chúng ta nên tìm kiếm thị trường mới để giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ, đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Mỹ thông qua lực lượng kiều bào để tránh thuế nhập khẩu. Ngoài ra, chúng ta có thể đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng ít chịu ảnh hưởng bởi thuế – đây là giải pháp linh hoạt để Việt Nam duy trì sự hiện diện của mình tại thị trường Mỹ.
“Việc Mỹ áp thuế cao sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam nhưng chúng ta sẽ vượt qua được bằng tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ, trong cái khó chúng ta sẽ ló cái khôn”, bà Hạnh bày tỏ.
GS.TS Trần Ngọc Anh – giảng viên Trường ĐH Indiana – góp ý, trước thách thức về mức thuế đối ứng, Việt Nam nên thành lập nhóm tư vấn và đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể xây dựng các khu kinh tế kết nối với Singapore, châu Âu và Nhật Bản.
“Riêng với TP.HCM, hàng năm TP tổ chức Diễn đàn mùa thu TP.HCM tại Hoa Kỳ, thu hút nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và đối tác tham dự. Đây là thời cơ tốt để TP.HCM và các địa phương khác tiếp tục mở rộng các đối tác xuất khẩu, tạo liên kết mạnh tại thị trường Mỹ và tìm được đối tác để cùng hợp tác đầu tư tại thị trường của nhau”, GS.TS Ngọc Anh đóng góp ý kiến.
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: “Nếu Việt Nam thương lượng thành công với Mỹ về mức thuế trên thì tốt. Nếu không thành công, chúng ta cũng không nên quá bi quan. Giải pháp ngắn hạn, TP phải lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệp. Về lâu dài, TP cần đa dạng hóa đầu tư công; tăng tỉ lệ nội địa hóa gắn với FDI nhằm giảm thuế đối ứng. Giải pháp cho doanh nghiệp là tập trung vào các ngành công nghiệp, công nghiệp điện tử. TP cần có sự phân chia các ngành công nghiệp cụ thể để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bị áp thuế cao”.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM cần bình tĩnh đánh giá toàn diện, phải chấp nhận đối mặt và có giải pháp. Chúng ta phải đa dạng hóa thị trường bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đầu tư công.
Hậu Giang
Bình luận (0)