GV cần quan tâm, giúp đỡ các HS bị chứng khó viết (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Trinh |
So với chứng khó đọc, học sinh (HS) bị chứng khó viết càng khó phát hiện hơn và thường bị mất điểm oan vì giáo viên (GV) cho đó là sự cẩu thả trong việc trình bày, sử dụng ngôn từ.
Rất khó phát hiện
Em N.T.N (ở TP.HCM) có ba mẹ đều là GV dạy giỏi môn toán tại một trường THPT, bản thân N. cũng là một HS học khá các môn khoa học tự nhiên. Thế nhưng, khả năng diễn đạt ngôn ngữ của N. lại rất kém. Dù đã được ba mẹ mời gia sư về nhà phụ đạo thêm môn tiếng Việt từ năm… lớp 1 nhưng vốn từ ngữ của N. vẫn không cải thiện là bao. Những bài văn của em chỉ dài khoảng 8-10 câu, cấu trúc không logic, rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề khiến ba mẹ N. lo lắng nhất chính là kỹ năng viết bởi chữ viết của em rất xấu, khó đọc và sai nhiều lỗi chính tả.
Một trường hợp khác được ghi nhận tại một trường THCS thuộc tỉnh Yên Bái. Trong lớp, em N.V.Q được nhiều GV đánh giá là ngoan ngoãn, rất chăm chú lắng nghe thầy cô giảng, tích cực xây dựng bài trong giờ học. Tuy nhiên em lại viết rất chậm và thường xuyên viết sai các chữ b/d; p/q…, dù đã được thầy cô sửa và nhắc nhở nhiều lần.
Thực tế cho thấy, khó viết là hiện tượng xảy ra với rất nhiều HS, bất kể vùng miền nào. Những HS thuộc dạng khó viết rất hiếm khi nhận được điểm cao do GV không thể đọc được chữ viết hoặc có ấn tượng không tốt với cách thể hiện của các em. Khác với chứng khó đọc, chứng khó viết rất ít khi được quan tâm và thường bị nhiều GV quy vào lỗi cẩu thả, trình bày thiếu sự gọn gàng. Cùng với tâm lý cho rằng chữ viết xấu là do ý thức của HS nên GV thường không quan tâm tới biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, hiện tượng HS khó viết không chỉ được hiểu là chữ viết không thể đọc được, mà còn bao gồm cả việc hạn chế trong khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ viết.
Tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, GV về phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ HS khó khăn về học tập chỉ rõ: Những HS khó viết thường có những biểu hiện như: Nói được nhưng không diễn đạt được bằng ngôn ngữ viết; chữ viết rất xấu, rất khó đọc; viết được nhưng kém hơn các bạn cùng trang lứa về tốc độ, cách trình bày, số lỗi chính tả, lỗi sử dụng dấu câu và sử dụng không đúng quy tắc ngữ pháp; viết được nhưng sử dụng rất ít từ ngữ, hay từ ngữ không linh hoạt và không biết vận dụng các biện pháp để hoàn thành bài tập làm văn hiệu quả.
Dễ để lại di chứng
Theo nghiên cứu của Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), viết bằng tay là một hoạt động phức tạp đòi hỏi sự phối hợp nhiều vùng chức năng trên vỏ não, phối hợp tay – mắt, tuân thủ trình tự, trí nhớ, những kỹ năng ngôn ngữ và trình tự tổ chức không gian. Những HS khó viết do có khó khăn trong việc viết bằng tay, do khó khăn trong tạo lập văn bản thường có sự khác biệt giữa kết quả mong đợi với kết quả học tập thực tế. Ngoài những biểu hiện lảng tránh, viết sai, “nghèo” vốn từ…, HS thường chán nản, coi việc viết là một nhiệm vụ quá khó khăn đối với mình. Lâu dần, khó viết sẽ ảnh hưởng đến kết quả và thái độ học tập của HS; thậm chí là ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng nhận thức, tiếp thu kiến thức của các em. Nguy hiểm hơn, khó khăn trong tạo lập văn bản còn hạn chế khả năng giao tiếp và khả năng học tập của HS ngay từ những giai đoạn đầu của bậc học, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của các em sau này. Vì vậy, GV càng không nên xem nhẹ mức độ ảnh hưởng của những đối tượng thuộc diện này mà phải căn cứ vào “triệu chứng” HS đó mắc phải để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Phải có sự kiên trì
Khó viết là hiện tượng xảy ra với rất nhiều HS, bất kể vùng miền nào.
|
Bằng việc quan sát, GV có thể kịp thời phát hiện và phân loại từng dạng khó viết mà HS mắc phải; sau đó cần trao đổi kịp thời với các nhà trị liệu về vận động để đánh giá và đưa ra các chỉ dẫn nhằm khắc phục những cản trở trong việc viết chữ. Trong nhiều trường hợp, máy tính, phần mềm tiên đoán, thiết kế từ Co Writer chuyên dụng được coi như một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho những HS gặp khó khăn khi sử dụng từ ngữ, chữ viết. Riêng với những HS khó viết do hạn chế về tri giác không gian cần được chỉ dẫn để cải thiện kỹ năng tri giác hình ảnh trong không gian bằng những loại giấy viết đặc biệt nhận ra chữ viết, giúp cải thiện khoảng cách giữa các từ… Kết hợp với việc dạy lại cách viết, GV cần hướng dẫn HS cách đặt giấy, cách cầm bút, lia bút phù hợp khi học tập ở trên lớp. Ngoài ra, GV còn có thể đưa ra những biện pháp nhất định để không gây “khó dễ” cho HS như đổi vị trí chỗ ngồi, cho kiểm tra miệng thay thế, in bài và phát cho HS, sử dụng phiếu trả lời câu hỏi dạng đúng/sai hoặc nối các câu hỏi nhiều lựa chọn khi có thể. Bằng việc kiên trì sử dụng các biện pháp này, GV không chỉ giúp đỡ HS trong môn học của mình mà còn không để việc khó viết cản trở sự phát triển của các em trong các lĩnh vực khác.
Linh Vy
Theo các nhà nghiên cứu, HS khó viết được phân loại theo ba nhóm: Khó viết do khó đọc, khó viết do khó khăn về vận động và khó viết do hạn chế về tri thức không gian (thể hiện ở hình dạng và độ sắc nét của chữ viết). |
Bình luận (0)