GV cần tạo ra môi trường thân thiện để giúp các em bị chứng khó tính toán (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Anh KHôi
|
Một học sinh (HS) lớp 6 có khả năng tính toán chỉ tương đương với HS lớp 3; còn HS lớp 12 tính toán tương đương với HS lớp 5 dù vẫn nổi bật ở một số môn học khác…, đó là những hiện tượng gặp khó khăn về tính toán ở HS trung học.
Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy khó khăn về tính toán không phải là dạng khuyết tật phổ biến của trẻ mắc chứng khó học, tuy nhiên nó lại là dạng khuyết tật phức tạp và có khả năng ảnh hưởng trầm trọng tới sự phát triển tâm lý của các em.
Nhiều biểu hiện phức tạp
Theo tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên (GV) về phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ HS khó khăn học tập của Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), thuật ngữ khó toán thường dùng để chỉ những HS gặp khó khăn về vấn đề ước lượng không gian, thời gian, đo lường và thực hiện các phép tính số học; khó khăn trong việc lĩnh hội khái niệm trừu tượng về so sánh số lượng. Trường hợp của em A., HS lớp 8 Trường THCS Thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) là ví dụ điển hình. A. rất có năng khiếu về môn văn, những bài văn của em thường được GV đánh giá là có cảm xúc, cách dùng từ và bố cục chặt chẽ. Nhưng ngay từ khi học tiểu học, A. đã không thích môn toán, điểm tổng kết môn toán của em năm lớp 7 chỉ đạt 1,0. Thay vì phải “ngồi đồng” trong những giờ toán mà bản thân cho là “phiền toái, lằng nhằng, rắc rối, khô khan”, A. sẵn sàng lựa chọn một công việc vất vả như thu dọn rác… để né tránh việc học toán. Em cũng không có cảm tình với các GV dạy toán vì họ thường trách phạt và mời phụ huynh đến trường trao đổi. Khả năng học toán của A., theo nhận định của GV là chỉ tương đương với… HS tiểu học.
Những HS khó toán thường có những biểu hiện phức tạp, gây trở ngại cho việc xác định, phân loại để tìm ra biện pháp hỗ trợ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, HS có vấn đề với học toán thường xuất hiện cảm xúc che đậy, chỉ cần thấy một vấn đề liên quan đến toán là các em “cứng người lại”; một số khác còn bày tỏ cảm giác giống như đau dạ dày… Nghiêm trọng hơn, HS có thể sợ hãi và bị ám ảnh bởi môn toán nên từ chối học môn này.
Dạy theo nhận thức của HS
Dù không phải là dạng khó khăn phổ biến của trẻ bị chứng khó học nhưng do kiến thức toán học có ảnh hưởng đến nhiều quyết định của sự phát triển tâm lý và tương lai nên những HS mắc phải dạng này cần được phát hiện sớm để xác định khả năng cũng như có sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Tài liệu tập huấn về phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ HS khó khăn về học tập chỉ rõ: Bằng nhiều hình thức kiểm tra khác nhau như quan sát, hỏi đáp, kiểm tra trực tiếp thông qua các tiết học toán (bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết), GV có thể phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu, xác định khả năng cũng như dạng khó khăn cụ thể của HS. GV phải hiểu và xác định được mức độ nhận thức của HS mình đến đâu để dạy theo trình tự nhận thức của các em. Đây được coi là một sự hỗ trợ quan trọng để tránh việc HS học “vẹt” bằng cách ghi nhớ các yếu tố hoặc phép toán mà không hiểu khái niệm hay cách thực hiện phép tính đó. Hiểu được con đường hình thành nhận thức của HS, GV có thể sử dụng đa dạng các đồ dùng trực quan như đồ vật, tranh minh họa các đồ vật thật… để hỗ trợ khả năng hiểu ngay từ bước đầu.
Về cách chấm điểm, ngoài việc gạch chân dưới những câu đúng, ghi điểm câu trả lời đúng vào vị trí thích hợp, GV nên thưởng đủ số điểm vào những câu có kết quả đúng dù HS không thể hiện cách làm hoặc chưa làm xong hoàn toàn phép tính đó. Khi chấm, GV cần tính tổng các câu đúng và ghi ra giấy để HS nhận thức được khả năng của mình. Với những lỗi, GV cần thu thập đầy đủ các dạng bài làm sai của HS, lập danh sách những quy luật tính toán sai để phân tích, giải thích nguyên nhân và chỉ rõ những lỗi sai mà các em đã thực hiện.
Đặc biệt, thái độ học đối với môn toán là một trong những yếu tố quyết định sự thành công đối với việc hỗ trợ và khắc phục khó khăn. Bởi HS khó toán thường có những biểu hiện rất cụ thể như chán nản, mệt mỏi, thiếu tự tin, lo sợ hay thậm chí là những biểu hiện chống đối (không hợp tác với GV, trêu chọc, gây gổ với bạn bè trong giờ toán…). Để thay đổi, GV cần tạo ra một môi trường thân thiện, hợp tác, tôn trọng sự khác biệt bằng cách tổ chức những hoạt động thu hút HS tham gia, liên hệ các bài toán gắn liền với cuộc sống hàng ngày của các em. Bên cạnh việc chỉ cho HS thấy rõ khả năng học tập của mình, GV cũng cần thể hiện sự hăng hái và tích cực bằng việc duy trì nhịp độ ổn định khi dạy; đồng thời giúp HS hiểu rằng sự cố gắng có tác động trực tiếp đến sự thất bại và thành công của cả một tiến trình để các em có thái độ thay đổi tích cực.
Linh Vy
HS khó toán thường có những biểu hiện rất cụ thể như chán nản, mệt mỏi, thiếu tự tin, lo sợ hay thậm chí là những biểu hiện chống đối. |
Bình luận (0)