Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ứng phó với chứng khó…học: Bài 1: Khó đọc – “chứng bệnh” ít được quan tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Khi gặp trường hợp HS bị chứng khó đọc, GV cần quan tâm, giúp đỡ các em (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: A.Khôi
Chỉ số phát triển trí tuệ bình thường, không bị khuyết tật nào ảnh hưởng tới quá trình phát triển và vận động; không có vấn đề bất lợi nào về điều kiện chăm sóc, giáo dục, ngôn ngữ…, thế nhưng có một nhóm đối tượng học sinh (HS) vẫn gặp phải những vấn đề khó khăn trong học tập, mà cụ thể là việc đọc, viết và tính toán.
Trên thực tế, chứng khó đọc ở HS thường rất ít khi được giáo viên (GV) để ý. Thậm chí, nhiều GV còn cố tình bỏ qua những HS bị mắc chứng này bởi thời gian ít ỏi trong một tiết học không cho phép họ lưu tâm quá nhiều vào việc phát hiện và tìm “phương thuốc”chữa trị.
Nhiều “triệu chứng” khác nhau
P.T.Đ là một nam sinh lớp 11 đang học tại một trường THPT dân lập ở tỉnh Hà Nam. Do không thích môn ngữ văn nên mỗi khi đến giờ học môn này là Đ. lại… chui xuống gầm bàn để trốn. Không chỉ thế, kỹ năng chép bài của em rất chậm, không thể chép lại được những thông tin mà GV giảng. Em còn đọc chậm, đọc bỏ từ, nhầm dòng và khi đọc xong không hiểu được nội dung văn bản. Ngược lại, em lại là một người năng nổ, là một HS xuất sắc cả hai môn toán và tin học; thậm chí kỹ năng và kiến thức tin học còn vượt xa so với bạn bè cùng lứa tuổi.
Có thể nói Đ. chỉ là một trong những điển hình về hiện tượng HS khó đọc ở bậc trung học, và đây được coi là một trong những dạng khó học phổ biến nhất.
Một trường hợp khác, em H. (sinh năm 1997 tại tỉnh Yên Bái) có dáng cao to, thường được mẹ giao cho việc đi… thu nợ vì em có trí nhớ rất tốt, không quên, không nhầm lẫn tiền. Thế nhưng, việc đọc với em lại là một cực hình bởi mỗi lần được ai yêu cầu đọc là mặt em nhăn lại, miệng méo xệch, mồ hôi vã ra như tắm dù thời tiết đang lạnh.
Trên thực tế, chứng khó đọc vẫn thường gặp với nhiều người trên thế giới. Hiệp hội thế giới về thần kinh định nghĩa chứng khó đọc là “một biểu hiện của rối loạn khó khăn về đọc trong học tập mặc dù vẫn nhận được đầy đủ những hướng dẫn giáo dục, trí thông minh và điều kiện xã hội bình thường”. Những người nổi tiếng như tài tử điện ảnh Tom Cruise hay danh họa Picasso là những điển hình về chứng khó đọc, thậm chí danh họa Picasso còn không theo kịp chương trình phổ thông khi ông còn ở tuổi cắp sách đến trường.
Theo tài liệu tập huấn cán bộ quản lý, GV về phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ HS khó khăn về học của Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), một HS được xác định là khó đọc khi tốc độ đọc thành tiếng thấp hơn chuẩn tối thiểu ít nhất 1-2 năm, số lỗi đọc sai nhiều và khả năng hiểu văn bản hạn chế. HS khó đọc có các biểu hiện như sau: Không đọc được (mù đọc), đọc vẹt (bắt chước một cách máy móc cách đọc bài của GV hay bạn bè mà không cần nhìn chữ), đọc được nhưng tốc độ đọc chậm, mắc nhiều lỗi sai khi đọc (không đọc được đúng các từ trong bài đọc, thêm từ, bớt từ, thay từ, đảo từ, bỏ dòng, lặp lại dòng khi đọc, không biết ngắt/nghỉ ở các dấu chấm, phẩy; hiểu rất ít hoặc không hiểu nội dung bài học)… Nguyên nhân của chứng khó đọc vẫn là điều mà nhiều nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục đến nay chưa giải thích được.
GV cần chủ động
Nguyên nhân của chứng khó đọc vẫn là điều mà nhiều nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục đến nay chưa giải thích được.
Dù chưa tìm được nguyên nhân giải thích về hiện tượng khó đọc ở HS trung học, nhưng nó lại ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực hoạt động khác của các em nên cần được phát hiện sớm và nhận được những hỗ trợ phù hợp. Bằng việc đọc những gì viết ra, HS sẽ hình thành nên những hiểu biết, tạo tiền đề cho việc tự học, tự nghiên cứu sau này. Nhưng trên thực tế, chứng khó đọc thường rất ít khi được GV phát hiện và để ý. Thậm chí, nhiều GV còn cố tình bỏ qua những HS bị mắc chứng khó đọc bởi thời gian ít ỏi trong một tiết học không cho phép họ lưu tâm quá nhiều vào việc phát hiện và tìm “phương thuốc” để giúp các em.
Tuy nhiên, theo Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), GV có thể hỗ trợ tích cực cho HS khó đọc mà không cần mất quá nhiều thời gian, công sức. Cụ thể, GV nên chủ động tóm tắt nội dung bài giảng, khắc sâu những kiến thức trọng tâm bằng lời, thậm chí có thể ghi âm văn bản để HS sử dụng trong quá trình học các môn học khác. Ngoài ra, GV có thể kết hợp với nhiều GV và HS khác xây dựng từ điển môn học, bao gồm những từ quan trọng thường xuyên xuất hiện ở các môn học. Các GV khi hỗ trợ HS khó đọc nên sử dụng bảng ghi chú hoặc bảng trực quan để hỗ trợ quá trình tiếp nhận bằng thính giác của các em; hạn chế các từ khóa, định nghĩa hoặc câu hỏi buộc HS phải sử dụng văn bản để trả lời.
Linh Vy
Thường xuyên kiểm tra HS
Trong quá trình dạy, GV nên thường xuyên dừng lại để kiểm tra xem HS có hiểu bài không để kịp thời cung cấp những thông tin cần thiết. Nhưng nếu HS thiếu tự tin khi phải đứng lên nói rằng không hiểu bài, GV có thể thống nhất với các em những quy ước về cách ra hiệu bí mật khi cần thiết và căn cứ vào quy ước đó để có những điều chỉnh phù hợp với HS đó trong giờ học. Trong trường hợp nặng hơn, GV có thể đề xuất với ban giám hiệu nhà trường hoặc gia đình để chuyển HS đó đến các chuyên gia trị liệu về ngôn ngữ để đánh giá ngôn ngữ tiếp nhận.
 
 

Bình luận (0)