Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ứng phó với trẻ hay “mặc cả”

Tạp Chí Giáo Dục

Đi học, làm bài tập ở nhà, ôn luyện để thi hay là chuyện ăn uống… rõ ràng là việc của con cái nhưng không ít bậc cha mẹ vẫn cứ quá lo lắng, đâm ra nhắc nhở con quá nhiều. Điều đó sẽ khiến trẻ ỷ lại nên nảy sinh tâm lý ra điều kiện, “mặc cả”, “thỏa hiệp” mới chịu thực hiện.

Đừng tiếp tay cho tâm lý “thỏa hiệp” của trẻ

Không ít bậc cha mẹ phải khổ sở khi đối phó với những điều kiện con trẻ đưa ra như: “Mẹ cho con xem hoạt hình rồi con mới làm bài tập toán”, hay “Nếu cha cho con đi xem xiếc tối thứ bảy thì con sẽ đi học bơi vào sáng chủ nhật”… Khi trẻ suy nghĩ: “Việc mình đi học hay ăn uống… là do cha mẹ mong muốn. Mình đi học làm cho cha mẹ hãnh diện với mọi người. Nếu mình học không tốt thì cha mẹ rất xấu hổ với hàng xóm, đồng nghiệp. Vì thế, trẻ sẽ nghĩ ra thứ để “mặc cả” “thỏa hiệp” rồi mới chịu học, mới chịu thực hiện. Điều này đã khiến cho trẻ coi thường việc học, thiếu tinh thần trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu bài vở. Cách lo lắng thái quá, thậm chí là muốn “học thay” luôn cho con của không ít bậc cha mẹ đã khiến trẻ không thấy được ý nghĩa, giá trị thiết thực của việc học tập. Có trường hợp, cha mẹ vì muốn ép con ăn nhiều để mập mạp hơn bèn dụ trẻ: “Nếu con ăn ngoan thì mẹ sẽ cho con đi chơi đu quay” hay “Nếu con học giỏi môn toán thì cha sẽ mua đồ chơi cho con”… Như vậy, dù gián tiếp hay trực tiếp, chính các bậc làm cha mẹ đã “tiếp tay” cho thói mặc cả và đặt điều kiện cho trẻ.

Trong việc ăn uống, học tập, cha mẹ không nên để cho con “mặc cả”. Ảnh: P.HƯNG

Các bậc làm cha mẹ tuyệt đối không để chuyện học của con cái thành món hàng dễ “thương lượng”. Việc con cái ngã giá, thỏa thuận, thậm chí đe dọa cha mẹ về chuyện học, chuyện ăn hiện nay không phải là hiếm. Có thể thường gặp những tình huống như: “Bố mẹ mua đồ chơi siêu nhân cho con thì con mới đi học!” hay “Hôm nay con không đi học vì mẹ hứa đưa con đi du lịch mà cả tuần rồi con chưa được đi!”. Điều đó cho thấy sự uốn nắn trẻ không quyết liệt, không cứng rắn ngay từ đầu sẽ dẫn đến sự chểnh mảng trong việc học, nảy sinh tâm lý ra điều kiện cho cha mẹ khi trẻ muốn điều gì đó.

Giúp trẻ cảm nhận được trách nhiệm của bản thân

Suy nghĩ về mục tiêu học tập của con trẻ là điều mà các bậc cha mẹ phải quan tâm hàng đầu. Đã là cha mẹ, sự thành công của con cái là hạnh phúc lớn nhất. Vì vậy, không cha mẹ nào lại không kỳ vọng vào con cái. Chính điều này đã tạo áp lực cho trẻ trong cuộc sống, trong khi giáo dục là quá trình lâu dài. Một em bé học môn toán kém hơn các bạn trong lớp không có nghĩa là không có một tương lai tươi sáng. Thực tế đã chứng minh sự trưởng thành của một con người hoàn toàn không phụ thuộc vào kiến thức của một môn học hay một điểm số cụ thể. Một em bé học hành giỏi giang, đạt giải nhiều cuộc thi lớn, nhỏ nhưng thiếu kỹ năng giao tiếp, chỉ số trí tuệ cảm xúc không cao, ngại tham gia các hoạt động xã hội thì khó trở thành người thành công trong cuộc sống. Trong khi đó, một học sinh học trong các lớp phổ thông chỉ đạt trung bình vẫn có thể trở thành một trong những chuyên gia giỏi nhờ có quá trình trải nghiệm, va chạm với thực tế. Vì vậy, cha mẹ phải quan tâm xem trẻ nhận thức được điều gì và vận dụng ra sao trong cuộc sống của mình. Trẻ có thấy hào hứng và đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện công việc. Giúp con việc học đạt hiệu quả, trước hết cha mẹ phải làm gương bằng cách ngồi đọc sách, nghiên cứu tài liệu khoa học cùng bàn hoặc gần chỗ con ngồi học. Hành động này giúp trẻ nhận thức rằng việc học không phải là “hình phạt”, mà là niềm vui được khám phá ra tri thức mới.

Lê Phạm Phương Lan

(Giảng viên tâm lý Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Bình luận (0)