Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ung thư cổ tử cung: Cần phẫu thuật sớm

Tạp Chí Giáo Dục

Phẫu thuật sớm sẽ ngăn chặn được sự phát triển các tế bào ung thư

Cách đây gần 2 năm sau một lần quan hệ vợ chồng, chị Đặng Thị Phương L. – giáo viên một trường THPT ở quận Phú Nhuận, TP.HCM thấy có những vết máu chảy ra từ bộ phận sinh dục nhưng chị không để ý. Thế nhưng, hiện tượng đó lại xuất hiện thêm vài lần nữa trong một tháng sau. Nghe lời khuyên của mẹ chồng chị đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.
Biểu hiện khó thấy
Tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, chị L. được bác sĩ  khám trực tiếp xác định ban đầu là viêm cổ tử cung. Tuổi mới ngoài 50, sức khỏe vẫn tốt nhưng chị thật bất ngờ với kết quả trên. Để đánh giá chính xác hơn, chị được bác sĩ quyết định xét nghiệm sinh thiết tế bào ung thư. Kết luận cuối cùng của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ là chị L. bị ung thư cổ tử cung. Với kết quả này, bệnh viện đã chuyển chị L. về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM theo dõi và điều trị.
Theo bác sĩ Lưu Văn Minh – Trưởng khoa Xạ 2 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là do cơ thể nhiễm vi rút Human Papilloma Virus (viết tắt là HPV). HPV là loại vi rút gây u nhú ở người mà tỷ lệ lây nhiễm rất cao qua con đường tình dục. Trong nghiên cứu khoa học, vi rút HPV được phân chia thành 5 chủng loại được đánh số thứ tự theo quy định. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng khẳng định 5 chủng loại này chính là thủ phạm hàng đầu gây ra căn bệnh ung thư cổ tử cung (chiếm tỷ lệ khoảng 80%) ở chị em phụ nữ. Vi rút HPV thường gây loạn sản tế bào niêm mạc cổ tử cung ở thời kỳ sớm. Nếu không có sự theo dõi kịp thời của bác sĩ và điều trị tích cực của bệnh viện thì các tế bào loạn sản này sẽ nhanh chóng chuyển thành dạng tế bào ác tính vô cùng có hại cho sức khỏe con người. Khó khăn của bệnh ung thư cổ tử cung là trong giai đoạn đầu không có triệu chứng và biểu hiện gì rõ rệt mà nó thường phát triển âm ỉ bên trong rất khó xác định. Giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, bệnh nhân vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường như một người khỏe mạnh. Muộn hơn có xuất hiện một vài triệu chứng, nhưng rất mơ hồ như sụt ký, mệt mỏi, kém ăn. Nhưng nhiều chị em vẫn nghĩ đó là do suy nhược cơ thể, áp lực công việc hàng ngày chứ không phải là do bệnh tật từ bên trong. Biểu hiện rõ hơn là ra máu âm đạo bất thường như: Ra máu giữa chu kỳ kinh, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu sau thụt rửa âm đạo, ra máu sau một thời gian mãn kinh.
Cần phẫu thuật sớm để ngăn chặn
Khi đã phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh nhân mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì cách tốt nhất mà các bác sĩ thường làm là cắt bỏ bộ phận tử cung như chị Phương L. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có chỉ định giống nhau nhất là những chị em đã mắc bệnh ở giai đoạn cuối, việc cắt bỏ phức tạp hơn và nhiều khi không cần thiết. Theo bác sĩ sản khoa Nguyễn Thị Hồng – Bệnh viện Ba Lan (TP.Vinh): “Tuy không phải là bộ phận chính nhưng ung thư cổ tử cung và cắt bỏ bộ phận này cũng phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với bệnh ung thư tử cung. Đó là trường hợp chị Lê Thị Tý ở Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Đầu năm 2011 mới phát hiện ra căn bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn cuối nên sau khi chuyển vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các bác sĩ chỉ điều trị bằng thuốc uống và hóa trị chứ không cắt bỏ toàn bộ tử cung như các bệnh nhân khác”. Chị Nguyễn Thị A. nguyên cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM trước khi cắt bỏ cổ tử cung cũng phải có một thời gian xạ trị để “khoanh vùng” các tế bào ung thư ở bộ phận sinh dục. Nếu mới ở giai đoạn 1 như chị Phương L. thì chỉ cần xạ trị trước khi giải phẫu, còn trường hợp nặng hơn thì sau thời gian mổ bệnh nhân còn phải hóa trị để vào thuốc không ngoài mục đích ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển.
Bài, ảnh: Ngọc Quang 

Bình luận (0)