Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ung thư gan: Có thể phòng ngừa

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Việt Nam, ung thư gan chiếm tỉ lệ cao nhất (20,8%) trong số 10 bệnh ung thư thường gặp ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, số mắc ở nữ chỉ bằng 1/3-1/4 ở nam. Ung thư gan rất đáng sợ vì nó diễn tiến thầm lặng. Bệnh này tuy khó trị nhưng có thể phòng ngừa được.
Chúng tôi khuyến cáo mọi người nên khám định kỳ 6 tháng/1 lần để xét nghiệm ung thư gan.
 “Kẻ thù” gây nguy cơ ung thư gan
Nhiều bệnh nhân bị viêm gan siêu vi hỏi chúng tôi rằng nếu bệnh này không chữa trị sẽ dẫn tới ung thư gan, vô phương cứu chữa? Điều họ lo lắng là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, cũng không nên quá hoang mang vì không phải 100% trường hợp viêm gan siêu vi đều chuyển biến thành ung thư gan. Cách phòng ngừa bệnh ung thư gan tốt nhất là điều trị bệnh viêm gan đúng cách, theo dõi liên tục mỗi năm 3-6 tháng bằng siêu âm và xét nghiệm máu. Bệnh ung thư gan có thể chữa được nếu phát hiện trong giai đoạn sớm. Nó  rất đáng sợ, rất khó trị, tỉ lệ tử vong cao, tuy vậy đó là bệnh có thể phòng ngừa được. Triệu chứng của người bị ung thư gan gồm: Mệt, sốt, đau bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, ăn không ngon, dễ chảy máu hay dễ có vết bầm, vàng da.
“Kẻ thù” gây nguy cơ ung thư gan là nhiễm virus viêm gan B, C mãn tính gây nên viêm gan, xơ gan và phát triển thành ung thư gan. Những người có nguy cơ nhiễm siêu vi C nên xét nghiệm máu để phát hiện bệnh cũng như điều trị kịp thời, giúp ngăn ngừa xơ gan và nguy cơ ung thư gan.  Xơ gan nguy cơ đưa đến ung thư gan rất lớn. Sự quá tải chất sắt gây độc cho cơ thể đặc biệt ở gan, gây viêm và chết tế bào gan. Điều này dẫn đến xơ gan và nguy cơ rất cao đưa đến ung thư gan. Hút thuốc cũng là yếu tố nguy cơ ung thư gan. Một số hóa chất có nguy cơ gây ung thư gan: Vinyl chloride dùng chế plastic, arsenic nhiễm trong nước uống…
Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh
Phòng bệnh là phương pháp tốt nhất chống ung thư gan. Không có một chế độ ăn uống nào giúp chữa trị triệt để căn bệnh ung thư gan, nhưng việc xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp sẽ làm tăng cơ hội phục hồi sức khỏe trong quá trình điều trị. Nên dùng những đồ ăn thức uống khi đang điều trị ung thư gan: Việc uống sữa và ăn sữa chua đã làm giảm khả năng phát triển bệnh ung thư gan, đồng thời cải thiện cơ hội phục hồi từ căn bệnh nguy hiểm này; ăn từ 7 đến 9 bữa rau xanh và trái cây mỗi ngày. Hãy cố gắng ăn thật nhiều các loại trái cây tươi và rau xanh, đặc biệt là những loại có chứa lượng vitamin C, B, các chất chống ôxy hóa ở mức cao; nước ép lựu chính là đối tượng của nhiều cuộc nghiên cứu về khả năng phòng ngừa ung thư. Chúng đã chứng minh có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư gan; cá nướng là nguồn cung cấp protein có lợi cho cơ thể, vốn rất cần thiết cho những bệnh nhân ung thư. Khi đang điều trị ung thư gan, nên tránh xa các loại chất béo càng nhiều càng tốt, cần loại bỏ các món chiên, xào, rán có nhiều dầu trong chế độ ăn uống của bạn; hạn chế việc dùng tất cả những thức uống có chứa chất cồn. Ngoài ra, người bệnh nên tập thể dục thường xuyên và bỏ hẳn hút thuốc lá. Gần đây, trên một số tạp chí có quảng cáo thực phẩm chức năng và thức ăn chiết xuất từ rau củ quả, ngừa hoặc trị ung thư tái phát, vừa mập mờ mông lung vừa không hiệu quả, tốn kém. Cũng xin  nói thêm về việc có người đồn nọc rắn, sừng tê giác, thậm chí ăn gạo lứt muối mè chữa ung thư. Thật ra không có công trình khoa học nào xác định hiệu quả của những phương pháp này.
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng
(Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM)

Bình luận (0)

Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ung thư gan – Có thể phòng ngừa

Tạp Chí Giáo Dục

Ung thư gan là một căn bệnh ác tính khá phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt tại châu Á, nơi tập trung 75% số người nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ ba trong các loại ung thư, do tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B, và C khá cao, cũng như thói quen ăn uống không hợp lý.
Khối ung thư trong gan được phóng lên gấp 100 lần dưới kính hiển vi – Ảnh: Shutterstock
Điều nguy hiểm là ung thư gan thường diễn biến thầm lặng, dẫn đến tử vong rất nhanh, trung bình từ 1 – 6 tháng kể từ khi phát bệnh. Điều này chứng tỏ sự cần thiết của việc tự bảo vệ bản thân cũng như thường xuyên kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng.
Con đường dẫn đến ung thư gan
Hiện tại, nguyên nhân dẫn đến ung thư gan vẫn còn là một câu hỏi đau đầu cho nhiều nhà nghiên cứu, tuy nhiên một số yếu tố sau đây có liên quan đến quá trình phát triển của ung thư gan như:
* Các bệnh viêm gan do virus: hơn 70% bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan có liên quan đến việc nhiễm virus viêm gan B và C. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường máu, quan hệ tình dục, cũng như mẹ truyền sang con. Điều đáng quan ngại là tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B tại Việt Nam khá cao, và hiểu biết về bệnh còn thấp.
* Xơ gan: do các tế bào gan lành bị mô xô thay thế. Rượu, một số hóa chất (aflatoxin: một chất độc có trong các loại nấm, và ngũ cốc bị mốc), viêm gan mãn tính do virus viêm gan B hoặc C, là yếu tố có thể làm tế bào gan lành bị xơ hóa dẫn đến xơ gan. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ xơ gan chuyển thành ung thư gan.
Dấu hiệu bệnh
Ung thư gan thường không có triệu chứng đặc biệt ở giai đoạn đầu. Do đó, nó dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác. Người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn, cảm giác tức sườn bên phải, nhưng không đáng kể. Những triệu chứng lâm sàng chỉ thể hiện rõ rệt ở giai đoạn cuối của bệnh. Bệnh nhân sụt cân, bụng trướng, buồn nôn, đau nhiều ở hạ sườn phải…
Ung thư gan dẫn đến suy gan, gây rối loạn tiêu hóa, cũng như giảm đáng kể khả năng loại bỏ chất độc hại ở máu. Ngoài ra, ung thư gan còn có thể di căn sang các bộ phận khác như xương, thận, và phổi.
Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh
Hiện tại ung thư gan chỉ có thể được điều trị nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Một số biện pháp điều trị ung thư gan phổ biến đang được áp dụng như: Phẫu thuật, hóa trị liệu làm nghẽn động mạch gan (TACE), đốt khối u bằng sóng radio cao tần. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng Sorafenib (tên thương mại Nexavar) cho chỉ định ung thư biểu mô tế bào gan nhằm kéo dài thời gian sống. Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn đầu tiên trong điều trị ung thư gan. Hoạt chất Sorafenib với cơ chế “nhắm trúng đích” tác động trực tiếp vào các tế bào ác tính nhằm ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư, đồng thời, Sorafenib cũng ngăn cản máu lưu thông tới nuôi dưỡng khối u. Sorafenib không chữa khỏi bệnh nhưng nó trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh một cách đáng kể, giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Chính vì vậy, người ta thường dùng Sorafenib kết hợp với một phương pháp điều trị khác. Phổ biến nhất là dùng cho bệnh nhân sau phẫu thuật và bệnh nhân ở giai đoạn 2.
Ung thư gan là một căn bệnh nguy hiểm và rất khó điều trị. Do vậy, phòng bệnh là việc hết sức cần thiết. Một số biện pháp có thể phòng bệnh ung thư gan như: tiêm ngừa vaccine phòng chống viêm gan B, hạn chế rượu bia, thức ăn với hàm lượng chất béo cao, cũng như không sử dụng các thực phẩm ngũ cốc bị nấm mốc, và điều chỉnh phong cách sống lành mạnh.
Quan trọng hơn hết, chúng ta cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhằm phát hiện sớm các bệnh về gan, và đặc biệt là ung thư gan ở giai đoạn sớm nhất. Có như vậy thì những phương pháp điều trị mới có tác dụng kịp thời, hiệu quả, tránh được việc di căn qua các bộ phận khác.
Anh Thư (TNO)