Triệu chứng “đánh đố” bệnh nhân và thầy thuốc
Bác sĩ chuyên khoa 2 chuyên ngành bệnh phổi và lao Lê Hồng Anh (hiện là Giám đốc – Cố vấn y khoa Trung tâm Hô hấp kỹ thuật cao Phổi Sài Gòn), cho biết: Ung thư phổi là bệnh do tế bào ở phổi bất thường, đột biến, có thể ở phế quản hoặc mô phổi. Trên thế giới, ung thư phổi nằm trong top 10 căn bệnh nguy hiểm nhất, cướp đi tính mạng của hơn 1,3 triệu người mỗi năm.
Ở Việt Nam trung bình có 20.000 người mắc ung thư phổi mỗi năm, trong đó có tới 17.000 người tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa 2 chuyên ngành bệnh phổi và lao Lê Hồng Anh – BÁC SĨ CUNG CẤP
Người bị bệnh ung thư phổi có những dấu hiệu, triệu chứng rất “nghèo nàn”.
"Người bị ung thư phổi có những biểu hiện hoàn toàn bình thường cho đến khi các triệu chứng trở nên nặng. Có nhiều cấp độ biểu hiện như ho kéo dài, ho ra máu, đau nhói lưng ngực hoặc đôi khi có những biểu hiện không có liên quan đến phối như đau chân, tay, gãy chân, gãy tay, buồn ngủ, làm việc không tập trung hay thậm chí nhức đầu,… Đến khi bệnh nhân đi khám bệnh mới tá hỏa ra là những biểu hiện đó có nguồn gốc từ phổi gây ra.
Chính vì thế mà triệu chứng của căn bệnh này vô cùng “đánh đố” bệnh nhân và thầy thuốc", bác sĩ Hồng Anh giải thích.
Theo bác sĩ Hồng Anh, nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi chính là thuốc lá. Theo thống kê trên thế giới có khoảng 85% số người bị mắc ung thư phổi liên quan trực tiếp và gián tiếp đến thuốc lá.
Bên cạnh đó, phổi là bệnh không lây trực tiếp từ người sang người nhưng có di truyền.
"Tuy nhiên số ca do di truyền chỉ chiếm 2%. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như sinh sống làm việc ở nơi có nhiễm hóa chất, hít nhiều bụi amiang, hút thuốc lá thụ động, sốt viêm nhiễm liên quan tới phổi, hen suyễn kéo dài", bác sĩ Hồng Anh nói thêm.
X-quang phổi bình thường, vẫn có thể ung thư
Theo bác sĩ Hồng Anh: Nếu phát hiện ung thư phổi sớm ở giai đoạn đầu 1a hay 1b, khả năng chữa khỏi lên tới 70 – 80%. Vậy nên việc tầm soát ung thư phổi rất quan trọng.
Với các bệnh nhân khi đến khám bệnh thường sử dụng phương pháp cơ bản để kiểm tra phổi là chụp X-quang phổi thẳng, tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồng Anh phương pháp này chưa thực sự có hiệu quả cao. Bởi có nhiều trường hợp kết quả chụp X-quang không có gì bất thường nhưng vẫn có khả năng bị ung thư phổi do những tổn thương mới hình thành còn nhỏ hoặc ở những nơi kín đáo.
Vì vậy, để tầm soát tốt bệnh, cần phải "làm tới cùng". Bác sĩ Hồng Anh khuyến cáo: Sau khi không phát hiện có gì lạ ở phim X-quang, nên chụp CT ngực liều thấp để nhận biết bệnh rõ hơn. Nếu sau khi chụp CT phát hiện ra tổn thương nhỏ dù chỉ 1-2 mm cũng nên nội soi phế quản, mổ lấy tổn thương nhỏ đó ra tiếp tục xét nghiệm.
Nếu kết quả cuối cùng an toàn thì đó là việc đáng mừng. Nếu không bạn có thể phát hiện ung thư sớm và có đến 70-80% chữa khỏi.
Bác sĩ cũng lưu ý phương pháp thử máu không phải là phương pháp tầm soát ung thư phổi đảm bảo. Trên lý thuyết khi tế bào ung thư phát triển sẽ sinh ra một số chất trong máu nhưng thực tế cho thấy kết quả xét nghiệm máu không đủ độ tin cậy để kết luận và không thể phát hiện bệnh ung thư sớm nhất.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi và cần đi tầm soát: Người thường xuyên hút thuốc lá, hút lâu năm Người gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư phổi Người làm việc trong môi trường nhiều hóa chất độc hại Người có độ tuổi từ 50 trở lên |
Thùy Dương/ TNO
Bình luận (0)