Không nên hút thuốc lá để phòng ngừa bệnh UTP. Ảnh: T.LÊ |
Ung thư phổi (UTP) là dạng ung thư thường gặp ở nam giới, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là thuốc lá. Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: “Cho đến nay UTP vẫn là bệnh ung thư khó điều trị vì thường phát hiện muộn. Thêm vào đó, nó có khuynh hướng diễn tiến nhanh, dễ di căn và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh”.
90% bệnh nhân UTP do hút thuốc lá
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết, 90% bệnh nhân UTP có liên quan trực tiếp đến hút thuốc lá. Theo ghi nhận tại các bệnh viện, bệnh này chiếm 20%, đứng đầu trong hàng trăm loại ung thư. Đa số các bệnh nhân UTP đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong vòng 20 năm. Số bệnh nhân còn lại bị UTP không hút thuốc nhưng đã hít phải một lượng đáng kể khói thuốc lá của người khác hút. Ngoài ra, những công nhân tiếp xúc với bụi silic (trong quá trình luyện thép, khí than) cũng có nguy cơ cao bị UTP. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh này là ho kéo dài, thở ngắn, ho có đờm lẫn máu, đau ngực…. Một thời gian sau, bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, khản giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi. Tuy nhiên, cũng có khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào đến khi khối u của họ được phát hiện.
Một trong các biện pháp phát hiện sớm căn bệnh này là chụp X-quang phổi tìm hình ảnh bóng mờ. Nhưng nếu khối u còn nhỏ, ở vị trí khuất sau bóng tim thì rất dễ bị bỏ sót. Hiện nay, chụp CT được xem là phương pháp cận lâm sàng hiệu quả nhất để xác định UTP và đánh giá mức độ xâm lấn của khối u. Qua đó, các BS có thể xác định chính xác giai đoạn bệnh, đồng thời chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu được phẫu thuật ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân UTP có thể đạt 40-50%. Hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi hoặc lá phổi có u vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu và hiệu quả nhất. Đây là một phương pháp an toàn, tỷ lệ tử vong do phẫu thuật là 1-5%, tỷ lệ biến chứng khoảng 5%… Đối với bệnh nhân UTP giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật thì tỷ lệ tử vong trong vòng 6 tháng tới một năm là 90%. Trong những trường hợp này, phương pháp xạ trị và hóa trị có thể giúp cải thiện tiên lượng và giảm bớt các triệu chứng. Việc xạ trị giúp họ sống thêm trung bình 9-11 tháng.
Bệnh có thể phòng ngừa
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo: “Để đề phòng bệnh UTP, cần bỏ thói quen hút thuốc lá. Những đối tượng có nguy cơ cao, nhất là có hút thuốc lá, cần chụp X-quang phổi định kỳ mỗi năm. Nếu có các biểu hiện ho kéo dài, đau ngực không rõ nguyên nhân, ho ra máu… cần đi khám BS ngay nhằm xác định chính xác nguyên nhân để điều trị triệt để. Nếu làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều bụi, khói, phải thực hiện các biện pháp chống bụi, khói; trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang, mặt nạ chống độc…”.
Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, cần có một chế độ ăn uống hợp lý. Trong các cuộc khảo sát nghiên cứu sâu về mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và UTP thì ngoài số lượng trái cây rau củ ăn mỗi ngày, việc đa dạng hóa các loại rau quả cũng rất quan trọng.
Nước ép lựu có khả năng ngăn chặn tiến triển bệnh UTP. Những người ăn nhiều táo cũng có cơ hội hạn chế nguy cơ mắc bệnh này lên tới 50% nhờ vào hàm lượng các chất flavonoid (quercetin và naringin) rất dồi dào trong loại trái cây này. Hành nằm trong danh sách những thực phẩm giàu quercetin và naringin. Do đó, càng ăn nhiều hành, khả năng mắc UTP càng giảm. Cần phải tránh các loại đồ uống có cồn như rượu, bia. Hãy cẩn trọng trong việc bổ sung vitamin và các khoáng chất bổ sung. Có một số vitamin và khoáng chất bổ sung có thể gây trở ngại cho việc điều trị, do đó, không nên sử dụng tùy tiện mà phải tuân theo quy định của BS.
Phụng Diễm
Bình luận (0)