Thống kê của BV Ung bướu (TP.HCM) cho thấy, mỗi tháng, Khoa Ngoại I tiếp nhận từ 250-300 ca ung thư phụ khoa, trong đó nhiều nhất là ung thư cổ tử cung (UTCTC). Điều đáng nói, 3 năm trở lại đây UTCTC ở người trẻ tuổi có sự gia tăng rõ rệt. Cá biệt có tuần, khoa tiếp nhận 3 trường hợp dưới 20 tuổi và 5 trường hợp dưới 25 tuổi bị UTCTC.
BS Nguyễn Văn Tiến BV Ung bướu TP.HCM đang thăm khám cho bệnh nhi T.T.B (14 tuổi, quê Kiên Giang). Ảnh: H.T
Trẻ vị thành niên cũng bị UTCTC
Đó là bệnh nhi T.T.B (14 tuổi, quê Kiên Giang). Bệnh nhi được chuyển từ BV Từ Dũ đến BV Ung bướu trong tình trạng đang có kinh nguyệt lần đầu tiên và kéo dài 2 tuần, da dẻ xanh xao, đau bụng nhiều.
BS.CKII Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại I – cho biết: “Kết quả hình ảnh MRI cho thấy bệnh nhi có khối u rất lớn xâm lấn hoàn toàn ổ bụng. Dựa trên độ tuổi, hồ sơ bệnh án và kết quả chụp chiếu ban đầu chúng tôi chưa nghĩ đến khả năng bệnh nhi bị UTCTC mà chỉ nghĩ là một khối bướu ở vùng chậu. Do đó bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật, tuy nhiên sau khi phẫu thuật chúng tôi phát hiện khối bướu lớn trong CTC của bệnh nhi. Khối bướu đã ăn lên thân tử cung, xâm lấn lan ra ngoài những cơ quan vùng chậu như bàng quang, bóng đái, xâm lấn ra trực tràng, hậu môn, có nhiều khối hạch vùng vách chậu, xâm lấn niệu quản, thận ứ nước, nhiều khối hạch dọc theo diễn tiến đường đi của UTCTC. Trước tình hình đó, đánh giá không thể phẫu thuật vì các khối u đang lan, xâm lấn nhiều cơ quan. Các BS chỉ định cần sinh thiết và chờ kết quả. Dù kết quả sinh thiết như thế nào thì tiên lượng rất xấu, không thể phẫu thuật mà phải điều trị tạm bợ bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị. Sau từ 4 đến 6 đợt hóa trị, xạ trị kết hợp, chúng tôi sẽ đánh giá lại có khả năng phẫu thuật hay không để có cơ hội cuối cùng cắt đi những tế bào UT. Tuy nhiên đẩy 1 liều tia xạ và hóa chất vào cơ thể bệnh nhi trong độ tuổi dậy thì rất khó khăn…”.
Cũng theo BS Tiến, đây là trường hợp rất đặc biệt, bởi từ trước đến nay UTCTC chưa bao giờ gặp ở lứa tuổi dưới 16 tuổi. Y văn tại Việt Nam chưa từng ghi nhận, y văn thế giới cũng rất hiếm.
Trước đó, Khoa Ngoại I cũng tiếp nhận bệnh nhân L.T.N.H (19 tuổi, quê Bến Tre, còn độc thân). Bệnh nhân H. có bệnh sử rong huyết 1 năm nay. Cách nhập viện 2 tháng, bệnh nhân bị đau trằn bụng, ra máu âm đạo nên đã đến BV Từ Dũ khám và sinh thiết, sau đó được chuyển đến BV Ung bướu. Trên hình ảnh MRI bệnh nhân bị di căn phổi theo đường máu, CTC chồi sùi kích thước 8*10cm xâm lấn khỏi thành trước âm đạo, túi cùng, bàng quang chu cung và vách chậu 2 bên, tổn thương tủy xương ổ cối trái. Bệnh nhân đang chảy máu âm đạo nhiều nên các BS quyết định mổ khẩn để cầm máu. Tuy nhiên cuộc mổ thất bại vì khối bướu tử cung to xâm lấn toàn bộ túi cùng, chu cung vách chậu xâm lấn bọng đái và hạch chậu nhiều.
Theo các BS tại đây, dù bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp nào thì cũng không thể kéo dài sự sống.
Một trường hợp khác cũng bị UT phụ khoa khi mới 18 tuổi. Đó là bệnh nhân T.T.P.T, T. nhớ lại, trong vài tháng gần đây, em phát hiện bụng to dần và mệt mỏi. Vì chỉ nghĩ rằng mình tăng cân nên T. không nói với ai. Sau đó mẹ em phát hiện và nghĩ con có quan hệ nam nữ dẫn đến có thai nên chửi mắng thậm tệ. Dù giải thích như thế nào, T. cũng bị cha mẹ la rày nên có đã nghĩ đến việc tự tử. Rồi T. được người dì dẫn đi khám và phát hiện UT buồng trứng nên được chuyển đến BV Ung bướu điều trị.
70 ca UT phụ khoa/tuần
BS Tiến cho biết, mỗi tuần Khoa Ngoại I tiếp nhận khoảng 70 ca UT phụ khoa gồm CTC, buồng trứng, âm hộ, âm đạo… Trong đó có gần 20 ca bị UTCTC và buồng trứng. Điều đáng quan ngại là trước đây trường hợp 30 tuổi nhập viện do UT phụ khoa đã là quá trẻ thì nay số tuổi mắc UT phụ khoa mỗi năm mỗi giảm. Không những vậy, hầu hết những trường hợp trên đều phát hiện khi bệnh tình đã ở giai đoạn trễ nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị.
Đối với UT ở người trẻ (20-39 tuổi), thường không quy vào yếu tố môi trường mà do đột biến gen, yếu tố gia đình. Tuy nhiên thời gian gần đây môi trường độc hại đang ảnh hưởng đến mọi người như thay đổi môi trường đột ngột, hóa chất, mỹ phẩm, thuốc bảo quản, phẩm màu đã thúc đẩy nhanh quá trình UT. Riêng UT phụ khoa, điển hình là UTCTC, các chuyên gia y tế đã tìm ra nguyên nhân trên 95% do nhiễm virus HPV (HPV chủ yếu lây truyền do quan hệ tình dục không an toàn). Một số trường hợp chưa quan hệ tình dục nhưng vẫn bị phơi nhiễm HPV là do tiếp xúc với virus, hoặc lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ, đột biến gen, hoặc những thay đổi đột ngột.
“UT, đặc biệt là UT phụ khoa không chừa bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào. Vì vậy, một lối sống lành mạnh, cân bằng là điều vô cùng cần thiết để giảm bớt nguy cơ bị UT. Bên cạnh đó, chị em phụ nữ cũng cần trang bị kiến thức cho mình về việc phòng ngừa, chẩn đoán phát hiện sớm căn bệnh UT phụ khoa – khám tầm soát định kỳ, chích ngừa HPV, đi khám ngay khi có các triệu chứng báo động… để tự bảo vệ mình. Về phía các bậc phụ huynh có con gái trong độ tuổi dậy thì hãy chú ý lắng nghe những than phiền của con dù là những triệu chứng rất nhỏ như: kinh nguyệt bất thường, rong kinh hoặc rong huyết, đau bụng, tiêu tiểu khó khăn, mệt mỏi, sụt cân, trong đó đặc biệt chú ý các triệu chứng bụng to dần. Với UT, nếu phát hiện và điều trị sớm có thể điều trị dứt điểm cũng bảo tồn các chức năng sinh sản; ngược lại phát hiện khi giai đoạn trễ sẽ rút ngắn thời gian sống còn. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần hiểu và giáo dục con trẻ tránh quan hệ tình dục khi còn quá trẻ, đặc biệt là quan hệ tình dục thiếu an toàn…”, BS Tiến khuyến cáo.
Dương Thị
Bình luận (0)