Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ung thư tăng nhanh ở người trẻ tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Một bệnh nhân trẻ tuổi nghi ngờ ung thư vòm họng đang được khám tại Bệnh viện K Hà NộiCác thống kê của BV K gần đây cho thấy, nữ thanh niên bị ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng…đang có xu hướng gia tăng so với các nước trên thế giới ở phụ nữ trẻ chưa có gia đình, trong khi trước đây bệnh này được xem là rất hiếm gặp ở lứa tuổi dưới 30.

Trải qua ba đợt điều trị bằng hóa chất tại Bệnh viện (BV) K (Hà Nội) nhưng Hoàng Thanh Ng. (19 tuổi, ở Hải Phòng) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi căn bệnh ung thư vú. Điều khiến Ng. đau khổ hơn cả, không phải ở mái tóc rụng, gương mặt nhợt nhạt, nước da xám khô sau đợt điều trị hóa chất mà là nỗi mặc cảm về thân thể thiếu nữ không lành lặn cũng như nỗi lo sợ căn bệnh quái ác sẽ quay trở lại. Trước đó, Ng. đã phải chấp nhận cắt bỏ một bên ngực vì bệnh ung thư vú.

Dậy thì sớm có nhiều nguy cơ bị ung thư

TS Nguyễn Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K, cho biết ung thư vú không chỉ là nỗi lo của phụ nữ lớn tuổi mà hiện đã tấn công sang cả phụ nữ trẻ, những người chưa lập gia đình. Các thống kê của BV K gần đây cho thấy, nữ thanh niên bị ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng… đang có xu hướng gia tăng so với các nước trên thế giới ở phụ nữ trẻ chưa có gia đình, trong khi trước đây bệnh này được xem là rất hiếm gặp ở lứa tuổi dưới 30. Có tới 70% bệnh nhân ung thư vú đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã có biểu hiện di căn hạch hoặc di căn xa. Theo các thống kê khác, tỉ lệ thanh niên mắc ung thư vòm họng, ung thư da, ung thư tinh hoàn cũng tăng nhanh ở độ tuổi 15- 20. Theo TS Thuấn, trước tình trạng này, Viện Nghiên cứu Ung thư (BV K) và Hiệp hội Phòng chống ung thư Hoa Kỳ đang tiến hành một số nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân.

Theo TS Thuấn, 80% căn bệnh ung thư là do tác động của yếu tố môi trường, dưới 5% là do gien di truyền. Việc hút thuốc lá, uống rượu, ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ hộp nhiều chất bảo quản… cũng là nguyên nhân khiến bệnh tăng nhanh. Ngoài ra, các bác sĩ cũng cho rằng việc dậy thì sớm (hành kinh trước 12 tuổi) cũng dễ bị các loại ung thư tấn công, nhất là ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng.

GS-TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc BV K, cho biết có nghiên cứu cho thấy, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai phối hợp và liên tục có tăng nguy cơ ung thư vú giai đoạn 10 năm sau đó. Ngoài ra, nguy cơ ung thư cổ tử cung, buồng trứng thường xảy ra ở phụ nữ quan hệ tình dục trước tuổi 18 hoặc những người quan hệ với nhiều bạn tình, sẩy thai, nạo hút nhiều lần.

Phát hiện sớm vẫn khó điều trị

Các bác sĩ cảnh báo, ở giới trẻ khi bị phát hiện ung thư, việc điều trị thường khó khăn hơn rất nhiều, ngay cả khi phát hiện và điều trị sớm. TS Thuấn lý giải, thông tuổi càng trẻ tế bào ung thư có xu hướng ác tính cao hơn người cao tuổi. Chẳng hạn ở người già, thời gian để một khối u có kích thước tăng gấp đôi thường dài trong khi người trẻ ngắn hơn nhiều. Các bác sĩ cũng thường gặp khó khăn khi điều trị cho người trẻ tuổi bởi những áp lực tâm lý thường nặng nề hơn, nhất là họ phải đối mặt với các bệnh ung thư có liên quan tới giới như ung thư vú, buồng trứng, cổ tử cung, tinh hoàn…

Theo TS Thuấn, đối với những người trẻ, đặc biệt là người chưa lập gia đình nếu bị ung thư buồng trứng, các bác sĩ phải cân nhắc rất kỹ để đưa ra phác đồ điều trị ưu việt nhất cho người bệnh, làm sao lấy được khối u nhưng vẫn bảo tồn dạ con và buồng trứng để có thể sinh con sau này. “Tất nhiên với những trường hợp này đôi khi phải chấp nhận nguy cơ bệnh tái phát hoặc di căn”- TS Thuấn cho biết.

Bài và ảnh: Lê Thanh (theo nld.com.vn)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)