Ung thư tế bào gan là loại ung thư phát triển từ tế bào của gan, chiếm 80 – 90% trong các loại ung thư gan. Ung thư gan thường gặp nhất ở đàn ông, gần tương đương với ung thư phổi.
Ở nữ giới, ung thư gan chỉ sau ung thư vú và cổ tử cung. Mỗi năm, khoảng nửa triệu ca ung thư gan mới được phát hiện trên toàn cầu.
Vì đâu nên nỗi?
Ảnh minh họa.
|
Viêm gan mạn tính do nhiễm virút B (HBV), virút C (HCV) được xem là nguyên nhân chính gây xơ gan dẫn đến ung thư tế bào gan. Nhiều trường hợp virút đã xâm nhập cơ thể nhưng không có triệu chứng, chỉ khi cơ thể suy yếu, virút mới gây viêm gan cấp tính hay mạn tính.
Nước ta ước tính có 10 – 20% dân số – tức 7 – 14 triệu người nhiễm HBV mạn. Đây chính là những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tế bào gan. Những nguyên nhân khác gồm: nghiện rượu, độc tố aflatoxin từ các loại nấm mốc của đậu ngô…
Khám lâm sàng không ăn thua
Ung thư tế bào gan hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đầy tức bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau nhẹ vùng bụng trên bên phải…
Đến khi sờ được khối u ở bụng, báng bụng, vàng da… thì bệnh đã ở giai đoạn trễ, không còn khả năng điều trị. Do đó, tầm soát phát hiện bệnh sớm là hết sức quan trọng.
Khám lâm sàng thường không phát hiện triệu chứng gì, ngoại trừ ở giai đoạn quá trễ. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào cận lâm sàng: xét nghiệm AFP (chất chỉ dấu ung thư tế bào gan); siêu âm – phương pháp chẩn đoán thông dụng, thường sử dụng trước tiên như là phương tiện tầm soát ung thư tế bào gan; chụp cắt lớp điện toán và cộng hưởng từ là hai phương tiện chẩn đoán tiếp theo cho thấy hình ảnh tương đối đặc hiệu của ung thư tế bào gan. Nếu các phương tiện trên vẫn chưa đưa đến kết luận rõ ràng, sinh thiết gan bằng kim sẽ được dùng để xác định.
Phát hiện sớm, cơ hội sống cao
Bệnh ung thư gan có nhiều phương pháp điều trị. Bác sĩ sẽ chọn phương pháp tốt nhất dựa vào tình trạng khối u, chức năng gan và sức khoẻ của người bệnh.
Hiện thế giới vẫn công nhận phẫu thuật là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả khỏi bệnh cao nhất. Các phương pháp điều trị có thể xếp vào hai nhóm như sau:
Nhóm điều trị triệt căn: phẫu thuật cắt một phần gan (hiệu quả tốt nhất ở các bệnh nhân có một khối u đơn độc hoặc nhiều khối u khu trú trong một thuỳ gan, chưa xâm lấn vào mạch máu, không xơ gan hoặc xơ mức độ nhẹ.
Hiện nay một số trung tâm phẫu thuật nội soi phát triển có thể thực hiện phẫu thuật cắt gan nội soi. Phẫu thuật này giúp bệnh nhân ít đau sau mổ, hồi phục nhanh, ra viện sớm do vết mổ nhỏ hơn); phẫu thuật ghép gan sau khi cắt bỏ toàn bộ gan (chỉ định cho các trường hợp ung thư tế bào gan nhiều khối, kích thước nhỏ, chức năng gan kém không thể thực hiện phẫu thuật cắt một phần gan); huỷ khối u tại chỗ (bằng dòng điện radio cao tần, bằng tiêm rthanol…
Chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân có một đến ba khối u kích thước dưới 5cm. Có thể thực hiện tại phòng siêu âm, không cần gây mê và có thể ra viện ngày hôm sau).
Nhóm điều trị giảm nhẹ bệnh: làm tắc động mạch nuôi u gan (TAE); làm tắc động mạch gan và bơm hoá chất vào khối u (TOCE – chỉ định cho trường hợp khối u to, nhiều khối, chưa xâm lấn các mạch máu lớn trong gan, không còn khả năng phẫu thuật); xạ trị và hoá trị toàn thân (hiện nay nhiều nghiên cứu trên thế giới chưa chứng minh được hiệu quả của xạ trị và hoá trị toàn thân trong việc điều trị ung thư tế bào gan).
Ung thư tế bào gan nếu được phát hiện sớm, còn khả năng điều trị triệt căn, tỷ lệ sống sau năm năm khoảng 50 – 70%. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, đa số chỉ sống thêm 3 – 6 tháng.
Hiện chỉ khoảng 20% bệnh nhân ung thư gan đến bệnh viện còn khả năng điều trị triệt căn. Chính vì vậy, ung thư tế bào gan vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ ba trong số các bệnh ung thư.
Hiện các bác sĩ đã có trong tay nhiều phương tiện điều trị tiên tiến. Nếu phát hiện bệnh sớm và chỉ định điều trị hợp lý, khỏi bệnh là điều trong tầm tay.
Theo SGTT
Bình luận (0)