Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ung thư tuyến tiền liệt: Bệnh ngày càng tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyên đề tư vấn về bệnh “Ung thư tuyến tiền liệt” được tổ chức tại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM
Bệnh viện Bình Dân TP.HCM vừa tổ chức chuyên đề về “Ung thư tuyến tiền liệt” nhận được sự quan tâm của đông đảo những quý ông có độ tuổi từ 50 trở lên.
PGS.BS Vũ Lê Chuyên (Chủ tịch Hội Tiết niệu –  Thận học Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM) cho biết: “Cách đây 30 năm tỷ lệ những người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt được liệt vào danh sách những bệnh hiếm gặp. Nhưng ngày nay, khi tuổi thọ trung bình ở Việt Nam càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng tăng”.
Xuất hiện ở nam giới
Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh thường gặp ở nam giới, bệnh tăng trưởng chậm chạp trong nhiều năm, bệnh có thể gây đau đớn, khó khăn trong việc đi tiểu. BS. Chuyên cho biết: “Hiện nay, chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng những người đàn ông trên 50 tuổi thì tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nếu trong gia đình có quan hệ trực hệ mà người thân mắc bệnh thì tỷ lệ bị mắc bệnh sẽ cao hơn 40 lần so với những người không có gen di truyền mang bệnh”. Đây là căn bệnh “âm ỉ”, phát triển một cách chậm chạp nên người bệnh rất khó có khả năng phát hiện. Tuy nhiên, tâm lí của người bệnh cảm thấy rất khó chịu khi mang trong mình căn bệnh “khó nói” này. Bác T.M.C (62 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi vẫn thường xuyên sinh hoạt phòng the nhưng do hay bị đau nhức ở xương, ở hông, háng ban đầu chỉ nghĩ do mình có tuổi, nhưng cách đây 6 tháng khi tôi đi khám bệnh thì được BS cho biết là bị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn di căn xương, cần phải cắt bỏ 2 tinh hoàn. Ban đầu thì tôi cảm thấy khó chịu vì mình bị thiếu hụt một cái gì đó nhưng để điều trị bệnh nên tôi đành chấp nhận”. BS. Chuyên cho biết thêm: “Biểu hiện của bệnh là có máu trong nước tiểu, dương vật khó cương cứng hoặc khó giữ tình trạng cương cứng. Ngoài ra, thường bị đau nhức ở lưng, hông, háng, xương sườn hay các loại xương khác…”. Bệnh này phát triển qua 4 giai đoạn, giai đoạn đầu là khi ung thư còn nhỏ chưa nhô ra, sau đó lớn dần tiếp đến là ung thư chui ra ngoài vỏ bọc và phát triển đến di căn. BS. Chuyên nhấn mạnh: “Nếu khi ung thư đã phát triển đến giai đoạn di căn thì 10 người chỉ có 3 người sống trên 5 năm”.
Thời gian là phương thuốc hữu hiệu
Ngoài ra, để hạn chế được bệnh thì chúng ta cần có lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống hợp lí, ăn ít chất béo, tăng cường ăn nhiều rau xanh, cũng nên hạn chế hút thuốc lá hay uống rượu, bia… Tránh tiếp xúc với các chất hóa học, không dùng hoóc môn bừa bãi.
Ung thư tuyến tiền liệt được liệt kê vào danh sách một trong những loại ung thư có nguy cơ gây tử vong cao ở nam giới, đứng thứ 2 sau ung thư phổi. Đây là căn bệnh có khá nhiều phương pháp để điều trị, nhưng để điều trị bệnh thì tùy vào từng bệnh nhân cụ thể để có phương pháp phù hợp, vì khi điều trị bệnh phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, tình trạng bệnh… BS. Chuyên chia sẻ: “Chúng ta không thể điều trị ung thư bằng thuốc hay bằng xạ trị được mà ung thư là căn bệnh cần được điều trị bằng thời gian, cần biết phát hiện sớm để điều trị sớm”. Trên thực tế có nhiều quý ông khi mắc phải căn bệnh này thường lo lắng, BS cho biết rằng có nhiều bệnh nhân khi đến khám phát hiện ra bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn cuối nên cần phải cắt bỏ tuyến tiền liệt hay cắt bỏ tinh hoàn, những bệnh nhân này thường băn khoăn, lo lắng rằng khi đã cắt bỏ thì không biết việc sinh hoạt phòng the có diễn ra bình thường hay không? Để tránh những tình trạng bệnh nặng không mong muốn này thì những người nam giới có độ tuổi từ 50 trở lên nên đi kiểm tra PSA định kì mỗi năm 1 lần.
Bài, ảnh: Quế Thái
Biện pháp tầm soát khá đơn giản
GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: “Ung thư tiền liệt tuyến là một trong số các ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Các biện pháp tầm soát khá đơn giản, dễ thực hiện cũng như rất hiệu quả. Đối tượng cần được tầm soát ung thư tiền liệt tuyến là: Nam giới từ 50 tuổi,  tiền sử gia đình có người thân bị ung thư tiền liệt tuyến (cha, anh em). Biện pháp tầm soát bao gồm khám tổng quát: BS sẽ khám sức khỏe tổng quát để tìm ra các triệu chứng rối loạn đi tiểu, hạch, đau trong xương; khám tiền liệt tuyến qua ngã trực tràng. BS sẽ sờ trực tiếp mặt sau tiền liệt tuyến để phát hiện các bất thường như kích thước, thể tích, mật độ, các nhân cứng, sự xâm lấn qua các cấu trúc lân cận; xét nghiệm nồng độ PSA, PSA là một protein do các tế bào tiền liệt tuyến sản xuất. Xét nghiệm nồng độ PSA trong máu là xét nghiệm máu duy nhất giúp phát hiện sớm ung thư. Ngoài ra, PSA còn là một xét nghiệm rất giá trị trong việc theo dõi sau điều trị. Nếu PSA tăng cao trong phì đại tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến, nhiễm trùng tiểu, BS sẽ dựa vào đó để phân tích kết quả.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)