Bà Nguyễn Thị C. 52 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội nhập viện trong tình trạng ngực bên phải sưng phồng, lở loét, nhiều chỗ máu và mủ dính bết thành những vệt dài. Bà C cho biết rằng chỉ vì chữa bệnh theo kiểu truyền miệng nên bà đã phải gánh chịu nỗi đau đớn này.
Theo lời bà C, trong một lần đi tắm, bà vô tình phát hiện ngực phải của mình có một khối u nhỏ. Ngay sáng hôm sau bà đến bệnh viện khám và được BS chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu vì nghi ngờ bà đã bị ung thư vú…
Cầm tờ kết quả xét nghiệm trên tay, nghe những lời giải thích và hướng điều trị của BS, bà C lo lắng vô cùng khi biết mình bị ung thư vú giai đoạn 2. Dù được các BS tư vấn hướng điều trị nhưng bà C sau một tuần suy nghĩ đã quyết định không theo Tây y mà nhờ một người cùng làng mua thuốc lá của bà lang tận trên miền núi với lời quảng cáo “nhiều loại ung thư ghê gớm như gan, phổi hay ung thư não đắp lá vào còn khỏi tiệt nữa là ung thư vú giai đoạn đầu với cái hạch bé tẹo”.
Vậy là suốt cả tháng sau đó, bà C cần mẫn đắp lá vào bên phần vú có khối u theo tờ hướng dẫn kèm trong túi thuốc. Mấy ngày đầu mới đắp cao lá, bà C bị ngứa, nóng rát vùng ngực nhưng tin tưởng rằng đó là “thuốc đang công khối u”, vả lại theo lời quảng cáo thì thành phần cao thuốc đều là thảo dược, các loại lá cây có tính chất tiêu viêm, diệt u nên bà C vẫn cố gắng chịu đau, chịu ngứa để đắp.
Thế nhưng chưa thấy khối u tiêu được chút nào, bà C thấy ngực mình ngày càng phồng rộp lên rồi lở loét, máu, mủ và nước dịch chảy ra hàng ngày. Bà sốt cả tuần không thuyên giảm, người mệt mỏi, mất ngủ và ăn uống kém. Thấy mẹ gầy yếu, người gầy rộc sụt tới hơn 5kg, con gái bà C mới thuyết phục mẹ đến bệnh viện khám.
Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các bác sỹ xác định bà C bị nhiễm trùng nặng vú phải do đắp lá. Phần vú chứa khối u bị hoại tử, lan rộng đến gần nách và sau thời gian dài không điều trị đúng hướng, khối u đã di căn đến nhiều bộ phận trong cơ thể. Bà C phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú phải nhưng tính mạng cũng hết sức mong manh vì bệnh tình đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Đắp lá không bao giờ "tiêu diệt" được khối u
Theo BS Lê Văn Thành, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BV Ung bướu Hà Nội, những trường hợp như bà C không phải là hiếm gặp tại BV. Thậm chí có bệnh nhân còn đắp cả thủy ngân, đắp vôi, lá đu đủ, đắp nước mắm trộn kem đánh răng… khiến da bị lở loét, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân đến viện vết loét ăn sâu nhìn thấy cả xương, hở cả động mạch.
Kinh nghiệm của bác sỹ khi tiếp nhận những bệnh nhân này đều biết hầu hết họ điều trị theo kiểu truyền miệng, chị bảo em nghe, rồi xem quảng cáo trên mạng xã hội hay có người còn cậy nhờ cả “bác sỹ Google” để tìm thông tin rồi tự mua “nguyên liệu” về chế biến để áp dụng.
Thế nhưng có rất ít bệnh nhân chịu “khai thật” với bác sỹ về các loại “thần dược” mà mình đã sử dụng để bệnh tình đến nông nỗi này.
Tâm lý chung là ngại với bác sỹ nên các bác sỹ phải vừa động viên, vừa “gợi chuyện” để người bệnh cung cấp thông tin chuẩn nhằm chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội cho biết ung thư là bệnh nan y nhưng không phải là không thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và tuân thủ đúng quy trình điều trị của bác sĩ.
Tuy nhiên, ngoài phương pháp điều trị chính thống thì tất cả các loại thuốc khác chỉ có tác dụng hỗ trợ việc điều trị chứ hoàn toàn không thể chữa khỏi.
Theo một BS của khoa Chống đau, Bệnh viện K trung ương, chị thường xuyên gặp các bệnh nhân bị tai biến nặng nề do sử dụng thuốc nam, nhiều trường hợp ngực tổn thương, hôi tanh, lở loét do dùng các loại lá thuốc, thuốc nam, lá đu đủ, cao dán… để đắp vào khối u với hy vọng rút mủ lấy “ngòi ung thư”. Lúc đến viện khối u sưng to, hoại tử da nên điều trị chủ yếu là nâng cao chất lượng sống, giảm đau cho người bệnh chứ không còn cơ hội chữa khỏi hẳn, trong đó có những chị em buộc phải phẫu thuật cắt bỏ vú.
Điều đáng buồn là không chỉ với bệnh nhân ung thư vú mà nhiều bệnh nhân không may mắc các bệnh ung thư khác cũng áp dụng cách đắp lá hay uống thuốc từ lá, rễ cây, nọc độc các con vật, sừng tê giác… để điều trị ung thư làm bệnh nặng lên rất nhiều.
Có những bệnh nhân bị ung thư nổi hạch to ở cổ, sau đó đem đắp lá vào hạch, khi thấy bị vỡ, chảy máu thì cho đó là "máu độc" mà không biết là do bị kích thích ung thư bùng lên dữ dội, tiến triển từ thời kỳ I tiến sang thời kỳ III, IV chỉ trong vài tháng.
TS Trần Đăng Khoa cho biết thuốc lá để đắp lên vú không thể điều trị được khối u hay làm tiêu u như nhiều người vẫn nghĩ. U ở vú có thể là u lành hoặc u ác và thường thì khối u còn do ảnh hưởng của nội tiết trong cơ thể, nhất là vào những ngày chu kỳ kinh nguyệt. Vì thế, ông khuyên nên thường xuyên kiểm tra ngực để phát hiện bất thường ở ngực, sau đó đến bệnh viện khám và điều trị theo phác đồ của bác sỹ. Tuyệt đối khi phát hiện có khối u không đi đắp lá để dẫn đến những tổn thương hoặc làm bệnh nặng hơn, mất đi cơ hội sống của chính mình.
Quảng An (TPO)
Bình luận (0)