Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ung thư vú – Những điều cần biết

Tạp Chí Giáo Dục

Ung thư vú (UTV) đã vượt qua ung thư cổ tử cung, trở thành loại ung thư hàng đầu ở nữ giới. Phần lớn UTV xảy ra ở phụ nữ độ tuổi 35-45, hiếm khi xảy ra dưới tuổi 30.
Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra các nguyên nhân chủ yếu làm tăng nguy cơ mắc bệnh này là: tiền sử gia đình bị UTV; có vài xáo trộn của tuyến vú; sự đột biến của một số gen như BRCA 1, BRCA 2; chịu tác động lâu dài của oestrogen (phụ nữ có kinh trước 12 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi); dùng thuốc nội tiết trong thời gian dài; không sinh con hoặc có con đầu lòng sau 30 tuổi; không cho con bú mẹ; hút thuốc lá và uống rượu; ăn nhiều thịt, chất béo; cơ địa béo phì.
Đa phần UTV được phát hiện là do chính người bệnh, khi họ nhận thấy một sự thay đổi ở tuyến vú. Thường gặp nhất là một khối bướu hay một chỗ dày cứng lên không đau ở vú. Ở giai đoạn sớm, UTV thường không có các biểu hiện rõ rệt và không gây đau đớn cho người bệnh. Khi khối u tiến triển, người bệnh sẽ thấy có các triệu chứng sau: khối u cứng, không đau, không đồng nhất, bờ không rõ, dính vào thành ngực hoặc da trên vú, khó di động; vú to ra hoặc có thay đổi hình dáng của vú, núm vú bị lún hoặc xù xì, chảy máu; da vùng vú dày lên hoặc thay đổi màu sắc, sần sùi như vỏ quả cam…
Tự khám vú.
 Khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào kể trên, chị em nên đến ngay chuyên khoa ung bướu để khám. Càng phát hiện sớm bao nhiêu thì khả năng chữa trị càng hiệu quả bấy nhiêu. Đối với các bệnh nhân có khối u vùng vú bị nghi ngờ ung thư, bác sĩ thăm khám toàn bộ vùng vú để đánh giá cục u trong vú là lành tính hay ác tính và cho thực hiện các xét nghiệm cần thiết như chụp Xquang, siêu âm để phân biệt khối u đó là dạng khối lỏng hay khối đặc (lành hoặc ác), sinh thiết khối u để có đánh giá chính xác nhất.
Khi đã xác định khối u đó là ác tính, thầy thuốc sẽ tiến hành các xét nghiệm đặc biệt như xét nghiệm các thụ thể nội tiết, dấu hiệu CA 15.3, gen HER-2… để biết bản chất của ung thư, biết ung thư còn tại chỗ hay đã xâm lấn sang các mô lân cận. Khoảng 95% các trường hợp ung thư vú đều là dạng xâm lấn.
Căn cứ theo mức độ phát triển và xâm lấn của khối u, người ta chia thành 3 nhóm để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp: Nhóm 1: khối u dưới 2cm, không thấy hạch nách và không có di căn xa; nhóm 2: khối u lớn hơn 2cm, có hoặc không có hạch nách, chưa có di căn xa; nhóm 3: ung thư ăn lan tại chỗ rất nhiều hoặc các ung thư có di căn xa.
Hiện nay, y học đang áp dụng 5 phương pháp sau đây để điều trị UTV. Thứ nhất là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú. Đây là phương pháp thường được dùng nhất với ung thư vú. Với sự tiến bộ của y học, việc phẫu thuật ngày càng bảo tồn hơn và hợp lý hơn, phẫu thuật tái tạo tuyến vú ngày càng hoàn chỉnh. Thứ 2 là xạ trị: dùng tia phóng xạ để diệt tế bào ung thư. Thứ 3 là hóa trị: dùng thuốc để diệt các tế bào ung thư. Thứ 4 là liệu pháp nội tiết: ngăn cản không cho các tế bào ung thư được tiếp nhận các hormon mà chúng cần để tăng trưởng. Thứ 5 là liệu pháp sinh học. Tùy nhóm bệnh mà áp dụng một hay cùng lúc vài phương pháp điều trị. Chẳng hạn, đối với nhóm 1, chủ yếu áp dụng phương pháp phẫu thuật và xạ trị. Nhóm 2, nếu mức độ xâm lấn của ung thư đã rộng, ngoài phẫu thuật và xạ trị, thầy thuốc sẽ áp dụng thêm cả phương pháp hóa trị. Đối với nhóm 3, người bệnh có thể được trị liệu tại chỗ – tại vùng bằng phương pháp hóa trị, nội tiết tố hoặc liệu pháp miễn dịch, vì lúc này phẫu thuật chỉ có vai trò thứ yếu. 
Với tiến bộ của y học, việc điều trị UTV cho kết quả khả quan: Tỷ lệ khỏi bệnh 5 năm như sau: nhóm 1 khoảng 80-90%, nhóm 2 khoảng 40-75%, nhóm 3 khoảng 15%. Tuy nhiên, muốn kết quả điều trị tốt, sau đợt điều trị, người bệnh cần phải đi khám định kỳ từ 2 – 3 lần/năm để thầy thuốc nắm được diễn tiến của bệnh,  nếu có di chứng và biến chứng sẽ kịp thời xử trí.
Chị em cũng nên tự khám vú để phát hiện sớm bệnh theo cách sau:
– Đứng trước gương, ở trần, cánh tay buông xuôi hai bên hông, rồi đổi tư thế: hai tay để phía sau mông, nghiêng nhẹ người tới trước. Quan sát cả hai vú xem có thay đổi gì về kích thước của vú (một bên lớn hơn thường lệ, hoặc teo nhỏ lại), da vú (da cam, da lõm xuống). Ấn nhẹ núm vú xem có máu hoặc chất dịch tươm ra ở đầu vú không.
– Nằm ngửa, kê gối hoặc khăn xếp lại dưới vai bên phải, tay phải để sau gáy, dùng các ngón tay trái (bàn tay xòe thẳng), nhẹ nhàng ép sát tuyến vú vào thành sườn, bắt đầu từ phần trên, rồi đến phần dưới vú, cuối cùng là núm vú, nhằm tìm một cục u (khối u, khối bướu). Khi khám vú trái thì đổi ngược tư thế.
– Khám vùng nách để tìm hạch.
Nên khám khi đã sạch kinh, vú ít căng, phải dùng bàn tay xòe với các ngón tay thẳng đè tuyến vú áp vào thành sườn, lần lượt rà khắp cả tuyến vú, nếu thấy có cục cộm rõ thì mới đúng là cục u.
BS. Trần Phương Thu (SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)