Sáng 22-11, thí sinh dự thi chức danh phó hiệu trưởng 3 trường THPT tại TP.HCM chính thức bước vào phần thi trình bày đề án, đầu tiên là Trường THPT An Nghĩa.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ trước giờ thí sinh dự thi
Đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý với vị trí phó hiệu trưởng tại 3 đơn vị là THPT Quang Trung, THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) và THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ).
Từ 12 ứng viên tham gia dự thi tại vòng 1 (ngày 29-10), 11 ứng viên đủ điều kiện tham gia vòng 2 – phần thi trình bày đề án sẽ được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức từ ngày 22 đến 26-11. Trong đó, Trường THPT An Nghĩa với 3 ứng viên, THPT An Nhơn Tây với 3 ứng viên và THPT Quang Trung có 5 ứng viên đủ điều kiện.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, theo kế hoạch, trong ngày 22-11, Hội đồng giám khảo sẽ tổ chức vòng thi trình bày đề án cho 3 ứng viên Trường THPT An Nghĩa. Mỗi ứng viên sẽ có thời gian không quá 40 phút trình bày phần thi đề án, sau đó sẽ tham gia trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám khảo với thời gian không quá 30 phút. Điểm chấm của ứng viên sẽ là điểm bình quân của 11 giám khảo. Trong đó, nếu đểm của giám khảo có lệch cao hơn hoặc thấp hơn điểm bình quân từ 20% trở lên thì sẽ không lấy kết quả này.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết TS trong năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức rất chặt chẽ
Ông đánh giá, qua vòng thi đầu tiên, kết quả làm bài phần thi kiến thức chung của ứng viên khá tốt khi 11/12 ứng viên đạt yêu cầu bước vào vòng 2 – trình bày đề án, vấn đáp. Việc tổ chức kỳ thi sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tốt nhất trong cán bộ quản lý được quy hoạch. Các thầy cô được quy hoạch vị trí cán bộ quản lý sẽ không chủ quan rằng vị trí quy hoạch mốt số người thì bản thân chỉ cần thể hiện được năng lực tại ngôi trường của mình thì sẽ được bổ nhiệm vị trí cán bộ quản lý. Với cách thi tuyển này thì có nhiều ứng viên ở các đơn vị khác cùng ứng tuyển vào 1 vị trí, sẽ tạo ra sự cạnh tranh, khách quan, công khai để có thể lựa chọn được vị trí cán bộ quản lý tốt hơn.
"Với mong muốn thành phố có được đội ngũ cán bộ quản lý các trường THPT vừa có năng lực chuyên môn, giỏi nghiệp vụ quản lý, vừa có trình độ để chuyển đổi mô hình quản lý, hướng đến việc phát triển nhà trường, hội nhập quốc tế trong thời gian tới, vì thế ứng viên phải xây dựng được đề án thể hiện rõ yêu cầu này. Ngành giáo dục thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đảm bảo thực hiện đúng quy trình công tác cán bộ, đảm bảo hồ sơ, các yêu cầu tiêu chuẩn về phẩm chất, chính trị, đạo đức. Đánh giá chặt chẽ để tạo sự cạnh tranh, tạo được nền tảng trong quy hoạch nguồn cán bộ quản lý sắp tới, thay đổi hình thức bổ nhiệm cấp phó ở các đơn vị trực thuộc sở, tạo được niềm tin cho các năm sau khi thành phố tiếp tục mở rộng thí điểm" – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay.
Phát biểu trước giờ ứng viên dự thi, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay trong năm đầu tiên thành phố tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý, với ngành giáo dục là thí điểm vị trí phó hiệu trưởng tại 3 trường THPT. Ngay khi tổ chức, kỳ thi đã thu hút được nhiều ứng viên quan tâm, sự hưởng ửng của thầy cô, điều này thể hiện rằng mục đích của kỳ thi đã đi đúng hướng.
"Hy vọng qua kỳ thi này sẽ là điều kiện để thầy cô soi lại mình hoàn thiện bản thân mình tốt hơn. Thầy cô nào được chọn vị trí sẽ tiếp tục phát huy tinh thần làm việc, đóng góp vì sự phát triển của trường cũng như cho ngành giáo dục thành phố. Bởi chúng ta không mong muốn gì hơn là xây dựng môi trường giáo dục thật tốt, hướng đến học sinh, làm sao để các em học sinh được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất, với sự minh bạch, công khai, trung thực, trang bị cho các em những kiến thức… Khi chọn được người lãnh đạo tốt sẽ là điều kiện tiên quyết để giúp thực hiện được những mục đích này" – Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Ứng viên Phạm Hải Dương chuẩn bị trước khi bước vào phần thi trình bày đề án
Là ứng viên đầu tiên tham gia dự thi vị trí Phó hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa trong sáng 22-11, ứng viên Phạm Hải Dương – giáo viên Trường THPT An Nghĩa cho hay, bản thân rất kỳ vọng vào sự đột phá thi tuyển vị trí lãnh đạo quản lý ngành giáo dục lần này. Kỳ thi không chỉ tạo điều kiện cho giáo viên trẻ thể hiện năng lực bản thân mà còn góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục tại các đơn vị trường học. Đặc biệt là thay đổi tư duy từ việc thay đổi quy trình bổ nhiệm vốn có.
Xuất phát điểm là giáo viên của Trường THPT An Nghĩa, thầy Dương cho hay thuận lợi là nhìn thấy những tồn tại, hạn chế của trường để xây dựng Đề án Nhiệm vụ công tác của phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THPT An Nghĩa được sát sườn nhất.
"Do trường đóng trên địa bàn còn nhiều khó khăn do đó công tác xã hội hóa chưa được như mong đợi. Ngoài ra, dù kết quả dạy và học của trường thời gian qua đã ổn định song vẫn mong muốn nâng cao, phát triển hơn nữa chất lượng dạy và học của trường. Trong phần thi trình bày đề án, trước những mặt hạn chế này tôi đưa ra một số giải pháp khắc phục. Đơn cử như để thực hiện hiệu quả xã hội hóa, theo tôi cần phải xây dựng một kế hoạch cụ thể để vận động tài trợ, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, hội nhóm. Song song đó, cải thiện công tác chuyên môn bằng việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, đổi mới kiểm tra đánh giá" – ứng viên Phạm Hải Dương chia sẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)