Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ứng xử có văn hóa với du khách

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, sau khi một báo điện tử công bố vi-đê-ô clíp phản ánh tình trạng du khách quốc tế bị một số người hành nghề tự do bắt chẹt ở phố cổ, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu người đứng đầu chính quyền ở địa bàn để xảy ra tình trạng nêu trên phải xử lý nghiêm khắc, không để tái diễn, đồng thời phải hồi âm trả lời và báo cáo kết quả với UBND thành phố.
Nhìn rộng ra, không khó để nhận thấy rằng, hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa với du khách như trong vi-đê-ô clíp nói trên, đã và đang khá phổ biến ở một số khu du lịch. Ðể xử lý tình trạng đáng bị phê phán này, chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương có điểm du lịch, nghỉ mát, danh lam thắng cảnh, đã kiên quyết sắp xếp lại trật tự, đưa hoạt động dịch vụ du lịch vào nền nếp. Vì thế, du khách có thể thoải mái đi lại, vãn cảnh, nghỉ ngơi, mua bán,… Tuy nhiên, ở một số nơi, việc chào mời chèo kéo, đeo bám du khách suốt hành trình, tranh nhau giới thiệu hàng hóa một cách khiếm nhã bất chấp sự bất bình và những cái khoát tay của du khách,… vẫn chưa chấm dứt. Ðáng lo ngại hơn là hiện tượng gian dối trong mua bán hàng hóa và phục vụ. Như trong vi-đê-ô clíp kể trên, khi tham quan khu vực phố cổ Hà Nội du khách đã bị người đánh giày lừa gạt, bắt trả cả trăm nghìn đồng khi đánh giày, rồi du khách còn bị các nhóm phụ nữ chèo kéo, đặt quang gánh lên vai, ép phải mua các túi hoa quả với giá hàng trăm nghìn đồng. Ðặc biệt, còn phải kể tới cả hiện tượng móc túi, giật đồ, dọa nạt, và du khách thường giữ thái độ im lặng trước hiện tượng này do tâm lý e ngại vì "ở nơi đất khách quê người".
Cần khẳng định các hiện tượng đó là hết sức phản cảm, và để lại ấn tượng xấu đối với du khách. Ðây cũng là một trong các nguyên nhân làm du khách nước ngoài "một đi không trở lại". Và tất nhiên, các hiện tượng này có ảnh hưởng tiêu cực tới du lịch – lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội – văn hóa và có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Do tính đặc thù, du lịch là lĩnh vực hoạt động tổng hợp, cần có sự phối hợp của nhiều ngành khác nhau, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nhân dân. Có một điểm cần chú ý là, đối với du lịch, vấn đề không chỉ là kinh tế, mà còn là văn hóa. Nói cách khác, sự đa dạng, phong phú, sinh động của văn hóa là các yếu tố quan trọng thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài. Song cũng cần hiểu, với du lịch, văn hóa không chỉ gồm các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, các địa chỉ văn hóa – lịch sử lâu đời, các phong tục, tập quán độc đáo, mà còn là cách ứng xử văn hóa đối với du khách, điều này vừa đưa tới sức hấp dẫn, vừa tôn vinh văn hóa của đất nước. Chính vì thế, cố gắng của Nhà nước và doanh nghiệp sẽ suy giảm ý nghĩa khi nhân dân chưa xác định được các yêu cầu văn hóa trong khi tham gia làm du lịch. Tình trạng ứng xử thiếu văn hóa trong du lịch kéo dài đã quá lâu, đã đến lúc ngành du lịch cùng chính quyền và cơ quan có trách nhiệm cần có biện pháp kiên quyết để chấm dứt hiện tượng này.
Theo HOÀNG QUYỀN
(NDĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)