Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ứng xử khéo léo khi con mê xem ti vi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời đại ngày nay, trẻ con được tiếp xúc nhiều kênh thông tin hấp dẫn khác nhau nhất là xem ti vi và lên mạng internet. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bất lực vì không bảo được con và thật sự chưa biết ứng xử ra sao cho con biết vâng lời.

Chọn nội dung chương trình ti vi phù hợp với lứa tuổi và sở thích của con. Ảnh: I.T

Rất nhiều bậc phụ huynh than phiền con mình quá ham xem ti vi, cảm thấy bất lực vì không bảo được con và thật sự chưa biết ứng xử ra sao cho con biết vâng lời.

Việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ nên lưu ý là khi con mình dán mắt vào màn hình ti vi không nên quát tháo ầm ĩ, nói những câu nặng lời. Bởi cách tác động đó sẽ gây phản cảm khiến trẻ chỉ muốn chống đối để phản kháng lại cách giáo dục của cha mẹ. Vì thế, hãy khéo léo, tinh tế, chúng ta có thể tạo được những hiệu ứng tốt từ sở thích này của con.

Chọn nội dung xem phù hợp với lứa tuổi và sở thích của con. Để giúp con chọn những nội dung trên ti vi vừa bổ ích vừa hợp với độ tuổi của con, cha mẹ phải thật sự gần gũi và thấu hiểu tâm lý của con. Dù có bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng cần trao đổi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con mình, qua đó để thấy con hứng thú với chương trình nào, nội dung đó có tốt không, con nên xem trong bao lâu. Thông qua đó, nói lên nỗi lòng mình cho con hiểu vì sao cha mẹ lại không muốn cho con xem ti vi quá nhiều. Đồng thời, cũng đưa ra gợi ý giúp con chọn một số kênh có lợi giúp con mở mang kiến thức, nâng cao sự hiểu biết và nên sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để con vừa xem được chương trình mình yêu thích vừa không tổn hại đến sức khỏe và ảnh hưởng đến việc học tập của con.

Cùng con vạch ra kế hoạch xem ti vi cụ thể. Cha mẹ hãy cùng con vạch ra kế hoạch xem ti vi hợp lý, yêu cầu trẻ phải nghiêm chỉnh tuân theo kế hoạch đó. Khi trẻ thực hiện đúng quy định của kế hoạch, cha mẹ nên khích lệ, biểu dương để tăng lòng tự tin và năng lực biết tự kiểm soát của trẻ. Ngược lại, nếu trẻ vi phạm xem nhiều thời gian hơn quy định, cha mẹ cần kịp thời nhắc nhở, thậm chí đưa ra các mức xử phạt khác nhau như nếu hôm nay con xem ti vi quá 20 phút, thì ngày hôm sau con sẽ bị dừng trước 20 phút. Kỷ luật phù hợp sẽ rèn cho trẻ tính tự giác cần thiết. Cả gia đình có thể lập một thời gian biểu, nhắc nhở mọi người đều nghiêm túc tuân thủ đúng thời gian.

Cha mẹ tranh thủ một khoảng thời gian để cùng con xem ti vi. Nếu có chút thời gian, cha mẹ hãy ngồi xem ti vi với con. Đây là cơ hội để cùng trao đổi, chia sẻ để hiểu thêm suy nghĩ, sở thích của con, bạn sẽ thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Dù có bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng nên dành thời gian để giao lưu với trẻ, biết được những nhu cầu hứng thú của trẻ, cùng trẻ thảo luận những vấn đề mà trẻ quan tâm. Từ đó, hình thành những năng lực đánh giá và hứng thú đúng đắn ở trẻ.         

Tuyệt đối không được dùng biện pháp thô bạo với con. Nếu cha mẹ lạm dụng việc trách phạt nặng nề, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý đối phó, phản kháng vì cha mẹ cấm tuyệt đối chúng không được xem những chương trình chúng đang yêu thích. Chúng sẽ nảy sinh tâm lý mặc cả, đặt điều kiện với cha mẹ, khiến đời sống tâm lý của trẻ phát triển lệch lạc, luôn thực dụng, sòng phẳng trong mọi tình huống. Do vậy, nếu trẻ quá ham mê chương trình nào đó trên ti vi, cha mẹ nên kiên trì, nhẫn nại khuyên bảo trẻ nhẹ nhàng, bằng những lý lẽ thuyết phục giúp trẻ hiểu được tác hại của việc quá ham xem ti vi. Khi trẻ hiểu ra vấn đề, chúng sẽ chủ động giảm bớt thời gian xem phim xuống, thành tâm thoát khỏi sự “nghiện ngập” phim ảnh của mình.

Hướng trẻ vào những hoạt động tích cực, lành mạnh. Những lúc trẻ rảnh rỗi, nếu cha mẹ để trẻ thoải mái tự do, chúng chẳng biết làm gì nên sẽ tập trung vào các kênh hấp dẫn trên ti vi. Khi đã quá miệt mài với những nội dung đó thì khó có thể lôi kéo các cháu vào các hoạt động khác. Vì vậy, trong thời gian rỗi của trẻ, cha mẹ cần hướng cho con tham gia vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích như để trẻ dạo phố, vẽ tranh, đi học võ, tập các môn thể thao phù hợp như đi bộ, chạy nhảy, đá cầu, bơi lội… Khi trẻ đã hứng thú với các hoạt động tích cực đó, trẻ sẽ chủ động thu xếp thời gian của mình, tự giác vượt qua những cám dỗ từ các chương trình trên ti vi.

Ngay từ lúc trẻ còn nhỏ (từ 3 tuổi trở lên), cha mẹ nên giáo dục trẻ biết sống theo kế hoạch. Đến tuổi đi học, cha mẹ nên giúp trẻ sắp xếp thời gian học tập, vui chơi giải trí một cách hợp lý, để tạo thói quen sinh hoạt tốt cho trẻ, nâng cao tính tự giác và năng lực tự kiềm chế của trẻ.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)