Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ứng xử khéo léo sẽ điều chỉnh hành vi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quá trình đứng lớp, GV sẽ gặp không ít những tình huống sư phạm oái oăm, khó xử. Đừng bao giờ lí tưởng hóa về một lớp học trong mơ toàn những “con ngoan trò giỏi”, thế nên việc giáo viên cần trang bị cho mình những kỹ năng ứng xử sư phạm là việc làm tối quan trọng trong mỗi ngày lên lớp. Chính những kỹ năng ứng xử khéo léo có tác dụng tích cực trong việc điều chỉnh hành vi qua đó bồi dưỡng đời sống tâm hồn học sinh.

1.Tôi nhớ có lần tôi đang giảng say sưa câu thơ: “tiếng ghi ta nâu – bầu trời cô gái ấy” (một câu thơ khó trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo), cả lớp đang chú ý lắng nghe. Riêng em N. ngồi dưới cứ khi nào tôi quay mặt lên bảng viết thì em N. lại trêu chọc mấy bạn bên cạnh rồi tủm tỉm cười một mình. Bất chợt tôi quay xuống thấy N. đang cười, trêu chọc bạn nữ bên cạnh, tôi nghiêm khắc hỏi:

– N., em đứng dậy và nhắc lại thầy vừa nói gì?

N. đứng dậy và nhanh miệng đáp:

– Thưa thầy… thầy vừa nói: “N., em đứng dậy và nhắc lại thầy vừa nói gì”.

Cả lớp cười ồ lên, còn tôi thì giận tím người vì sự “láo cá thông minh” của đứa học trò. Tuy nhiên tôi đã kịp trấn tĩnh lại và tôi hỏi tiếp:

– Vậy em hãy cho thầy biết lúc vừa rồi thầy giảng hai câu thơ “tiếng ghi ta nâu – bầu trời cô gái ấy”. Hai câu thơ có gì đặc sắc về nội dung và nghệ thuật?

Và lẽ tất nhiên em N. không thể trả lời được. Đến đây tôi bắt đầu giáo dục em bằng chiến thuật “lạt mềm buột chặt”. Đầu tiên tôi đã “khen” em: Rằng tư duy em rất nhanh nhạy, phản ứng rất nhanh với các tình huống. Điều đó chứng tỏ em rất thông minh.

Sau đó tôi mới “ra đòn quyết định”: Nhưng nếu như em sử dụng sự thông minh ấy vào việc học thì thành tích học tập của em sẽ được đẩy lên cao. Một thanh sắt tốt chỉ có thể thành vật dụng hữu ích khi nó chịu sự đau đớn trong lửa, sự đau đớn khi phải nằm trong thế “trên đe dưới búa” còn nếu không nó chỉ là một thỏi sắc vô dụng bị hoen gỉ mà thôi.

Quả thật sau đó em học sinh này đã có tập trung hơn và không nói những lời nói bông đùa như thế trong tiết dạy của tôi nữa.

2.Một lần khác, trong lúc đang giảng bài tôi phát hiện có một học sinh đang lén lấy tài liệu của môn học khác ra đọc. Với người đứng lớp, việc này là một tổn thương không nhỏ đến “lòng tự ái môn học”. Học sinh của tôi hiểu điều đó, nên cúi gầm mặt, vẻ sợ sệt lộ hẳn ra khuôn mặt, để chuẩn bị “hứng” cơn thịnh nộ của tôi. Trái với suy nghĩ của em, tôi không quát mắng nửa lời mà nhẹ nhàng mời em lên bảng thực hiện một yêu cầu của tôi. Tôi muốn em tay phải và tay trái cùng cầm phấn và vẽ cùng một lúc hình tròn và hình vuông. Em cố gắng thực hiện yêu cầu của tôi, nhưng “sản phẩm” của em là hai hình đều nguệch ngoạc, cả lớp cùng cười ồ phá tan đi không khí nặng nề trước đó. Lúc ấy tôi mới nhẹ nhàng nhắc em cũng như nhắc cả lớp:

“Khi chúng ta cùng một lúc mà vừa nghe giảng môn học này lại vừa làm bài tập môn học khác, không khác nào dùng cả tay trái và tay phải vẽ hình tròn và hình vuông cùng một lúc. Và kết quả nhận thức bài học của các em cũng giống như hình vẽ trên bảng. Thầy nghĩ các em đang lo cho tiết kiểm tra của môn học kế tiếp nên mới hành động như vậy”.

Sau đó, tôi quay lại tiết dạy mà không nói gì thêm. Về sau tôi nhận thấy sự tập trung vào bài học của các em cao hơn trước.

Qua hai câu chuyện trên có thể thấy rằng kỹ năng mềm đối với người làm công tác giáo dục hôm nay quả là nhu cầu cấp thiết. Mỗi người giáo viên cần phải tự học các kỹ năng mềm để tự nâng cao nghiệp vụ sư phạm cho chính mình. Đó chính là chìa khóa vàng giúp người giáo viên đi sâu khám phá thế giới tâm hồn của mỗi học sinh.n

Trm Thanh Tun (Trà Vinh)

Bình luận (0)