Y tế - Văn hóaThư giãn

Ứng xử tác quyền theo kiểu… đổ thừa

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi Tổ chức Dale Carnegie toàn cầu xác định quyển sách Cuộc sống tươi đẹp do Công ty Huy Hoàng liên kết xuất bản là mạo danh (Tuổi Trẻ ngày 8-6), giám đốc Công ty Huy Hoàng gửi thư cho Dale Carnegie trình bày: Huy Hoàng đã chuyển ngữ quyển sách này thông qua bản dịch bằng tiếng Trung.

Minh họa: LAP

Công ty Trí Việt mua tác quyền từ quyển The five love languages (Năm ngôn ngữ tình yêu, tác giả là Gary Chapman) của NXB Moody – Hoa Kỳ. Thương vụ mua tác quyền quyển sách này được ký kết giữa Trí Việt – First News và NXB Moody từ tháng 8-2008. Ðến quý 2-2009, Trí Việt xuất bản quyển Năm ngôn ngữ tình yêu thì bất ngờ phát hiện trên thị trường cũng vừa xuất hiện quyển sách Năm ngôn ngữ của tình yêu, cũng đề tên tác giả là Gary Chapman, do NXB Thanh Niên cấp phép, Công ty Kim An Ðông liên kết xuất bản.

"Cứu tinh" từ bên thứ ba

"Thoạt đầu, khi Trí Việt gửi công văn thông báo về việc vi phạm bản quyền, đại diện Công ty Kim An Ðông đến xin lỗi và nhận mình vi phạm. Tuy nhiên, sau đó khoảng một tháng họ bất ngờ tuyên bố bản dịch quyển sách Năm ngôn ngữ của tình yêu ấy là có tác quyền", ông Nguyễn Văn Phước – giám đốc Trí Việt – First News – trình bày.

Thật ra những căn cứ để gọi là "có tác quyền" của Kim An Ðông trong trường hợp này là một bức thư từ Hội Mục sư người Việt tại California (Vietnam Ministries, Inc) do ông mục sư Võ Ngọc Thiên Ân – quyền chủ tịch hội đồng quản trị Vietnam Ministries – ký. Trong thư có nội dung cho phép Kim An Ðông được xuất bản quyển Năm ngôn ngữ của tình yêu, và khẳng định quyển sách này do Vietnam Ministries "đang giữ bản quyền trong tiếng Việt".

 

50 và 70

 

Lại có một số trường hợp việc ứng xử giao dịch tác quyền trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi các đơn vị trong nước phải cập nhật luật pháp quốc tế và các nước. Mới đây, có người làm trong lĩnh vực xuất bản còn cho rằng tác quyền của Dale Carnegie (mất cách nay 54 năm, quá thời hạn bảo hộ là 50 năm nếu theo Công ước Berne) đã thuộc về nhân loại, mọi nơi có thể sử dụng miễn phí, mà quên cập nhật rằng Luật bảo hộ bản quyền mở rộng của Hoa Kỳ năm 1998 đã quy định: “Thời hạn bảo hộ tác quyền là cuộc đời tác giả và 70 năm sau khi tác giả qua đời”.

 

Đạo luật này đã được Tổng thống Bill Clinton ký ban hành ngày 21-10-1998. Do vậy, trong thương thảo tác quyền với Hoa Kỳ (như trường hợp tác quyền sách của Dale Carnegie) không thể không biết việc thay đổi này.

Sự việc trở nên kịch tính bởi một đơn vị mua tác quyền từ NXB Moody – chủ sở hữu quyền tác giả của quyển The five love languages – bỗng đụng phải một đơn vị khác, được nhượng quyền từ một tổ chức người Việt ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bối cảnh giao dịch tác quyền trong "thế giới phẳng" đã khiến Trí Việt – First News truy ra được giấy phép tác quyền của Vietnam Ministries, Inc do chính NXB Moody cấp. Ðến đây mọi việc sáng tỏ: Vietnam Ministries, Inc có nhận được sự chuyển nhượng tác quyền dịch bản tiếng Việt quyển The five love languages từ NXB Moody, nhưng trong điều khoản ký kết Moody lưu ý rõ với Vietnam Ministries, Inc là: "Không được chuyển, nhượng những quyền này cho một bên thứ ba nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu tác quyền".

Như vậy, lá thư của ông Võ Ngọc Thiên Ân có nội dung cho phép Kim An Ðông được xuất bản quyển Năm ngôn ngữ của tình yêu vẫn không mang lại giá trị pháp lý về tác quyền cho bản sách này.

Không hiểu luật

Một vụ tương tự xảy ra vào năm 2004 với bộ sách Dạy con làm giàu (Rich dad, poor dad) do NXB Trẻ mua tác quyền từ NXB Gold Press, Hoa Kỳ, sau khi dịch và phát hành bỗng dưng thị trường xuất hiện bộ sách Cha giàu cha nghèo do NXB Văn Hóa Thông Tin cấp phép, dịch đúng từ nguyên tác mà NXB Trẻ đã mua. Khi đó, đơn vị vi phạm đã nêu lý do sở dĩ có sự thể này vì: chúng tôi mua quyền dịch bộ này từ… Trung Quốc.

Trong trường hợp này, Trung Quốc nếu có mua quyền dịch bộ Rich dad, poor dad từ Hoa Kỳ sang tiếng Trung, cũng sẽ không có quyền chuyển nhượng quyền dịch bộ sách này cho NXB Văn Hóa Thông Tin. Vì rằng: việc dịch và nhượng quyền dịch đối với một tác phẩm luôn do chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó giữ. Cho nên việc thương thảo mua các quyền dịch, phát hành (VN gọi chung là "mua tác quyền", kỳ thực thì trong hợp đồng, bên mua có được bao nhiêu quyền đều được ghi rất chặt chẽ) đều phải thực hiện trực tiếp với người (hoặc người đại diện) chủ sở hữu quyền tác giả.

Nếu thông hiểu các điều luật ấy sẽ không có trường hợp nại ra một bên thứ ba nào đó để "đổ thừa" rằng: tôi có mua tác quyền từ anh ta, nhưng tôi không biết là anh ta hoàn toàn không có "quyền" nào để "bán" cả.

Vụ việc mới nhất là quyển sách Cuộc sống tươi đẹp được Công ty Huy Hoàng liên kết xuất bản với NXB Hồng Ðức, ghi tên tác giả là Dale Carnegie, tên tác phẩm gốc là Living a beautiful life, nhưng Tổ chức Dale Carnegie toàn cầu xác định Dale Carnegie hoàn toàn không viết quyển sách nào có tên Living a beautiful life cả. Lý giải cho trường hợp mang tính mạo danh này, giám đốc Công ty Huy Hoàng trình bày: "Bản dịch tiếng Trung cuốn Cuộc sống tươi đẹp được tạo nên bởi một phần nội dung cuốn Ðắc nhân tâm và một phần nội dung cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống. Và do việc chuyển dịch đã qua một ngôn ngữ khác nên có thể có nhiều khác biệt so với nguyên mẫu".

Dù vậy, phía Huy Hoàng cũng không đưa ra được tên Trung Quốc của quyển sách Living a beautiful life là gì. Và như thế, mặc dù Huy Hoàng thông báo: "Chúng tôi sẽ tiến hành dừng phát hành ngay cuốn sách Cuộc sống tươi đẹp để tránh những hiểu lầm đáng tiếc", thì việc "từ trời rơi xuống" một quyển sách ký tên Dale Carnegie làm kinh ngạc ngay chính Tổ chức Dale Carnegie, lại được lý giải bằng phía thứ ba là Trung Quốc vẫn không thỏa đáng.

LAM ĐIỀN (Theo TTO)

Bình luận (0)