Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ứng xử thiếu văn hóa ngày càng tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ý kiến tại hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng qua 12.10 đều cho rằng hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa trong nhà trường hiện nay có xu hướng ngày càng gia tăng.

Hiện tượng học sinh đánh nhau ngày càng phổ biến  /// Ảnh: Cắt từ clip
Hiện tượng học sinh đánh nhau ngày càng phổ biến Ảnh: Cắt từ clip

Bạo lực học đường, lệch lạc trong lối sống
Trong nhà trường đang diễn ra những hành vi trái với các chuẩn mực văn hóa, đạo đức của xã hội như: bạo lực học đường, tiêu cực trong thi cử, nghiện Facebook… Một số đại biểu đã dẫn chứng chính số liệu từng được Bộ GD-ĐT đưa ra: trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh (HS) đánh nhau ở trong và ngoài trường học; cứ khoảng trên 5.200 HS thì có 1 vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau…
PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra nóng bỏng trên khắp cả nước, ở tất cả các cấp học, lớp học, mức độ ngày càng gia tăng, hậu quả nghiêm trọng.
Kết quả nghiên cứu của đề tài “Thực trạng, nguyên nhân và một số giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường tại các trường phổ thông trên địa bàn TP.Cần Thơ” của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn chủ trì năm 2014 cho thấy HS bạo lực với HS là dạng bạo lực xảy ra phổ biến nhất. Các dạng bạo lực học đường thường là nói xấu, bôi nhọ bạn, ép cho nhìn bài, đánh, đấm, sỉ nhục bạn.
PGS Huỳnh Văn Sơn cho rằng văn hóa trong trường học còn bị lung lay bởi một số thực trạng như: gạ tình đổi điểm, yêu sớm; thiếu tích cực trong học tập; học thêm và dạy thêm tràn lan…
Ông Nguyễn Văn Phiên, Viện Khoa học giáo dục VN, phát biểu: “Đi trong sân trường thường nghe thấy những câu nói tục, chửi bậy của một số HS”.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Viện Khoa học giáo dục VN, chỉ ra thực tế rằng các trường học luôn động viên, giáo dục HS về tính trung thực nhưng trong thực tế các em lại chứng kiến nhiều người lớn không trung thực. Tệ nạn sử dụng bằng giả hay mua bằng, gian dối trong báo cáo thành tích, sự thiếu nghiêm minh của pháp luật… tác động lên HS hằng ngày, trách sao các em không thiếu niềm tin với những điều học được trong nhà trường.
Ứng xử thiếu văn hóa ngày càng tăng 1

Báo động tình trạng nghiện facebook
PGS Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng xu hướng gia tăng sử dụng Facebook dẫn đến nhiều hệ lụy mà lứa tuổi vị thành niên là một trong những đối tượng cần đặc biệt quan tâm. Đối với nhiều bạn trẻ, Facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội” nhưng khi lạm dụng thái quá, thì đam mê ấy lại trở thành nghiện và ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập.
Kết quả nghiên cứu “Hành vi nghiện Facebook của vị thành niên từ 15 đến 18 tuổi tại TP.HCM” của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn chủ trì năm 2015 cho thấy đa số vị thành niên thuộc mẫu khảo sát sử dụng Facebook trong ngày bình thường từ 1 – 2 giờ và ngày nghỉ từ 3 giờ trở lên; đa số sử dụng bất cứ lúc nào rảnh.
Cũng theo PGS Huỳnh Văn Sơn, nhu cầu khẳng định bản thân và cảm thấy chán vì suốt ngày tham gia những hoạt động ở trường là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi nghiện Facebook của HS từ 15 – 18 tuổi.
Phải có bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng việc xây dựng văn hóa trong trường học là vô cùng cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý, đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm của ngành giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng.
Đặc biệt, trường cần xây dựng và sử dụng quy tắc ứng xử trong nhà trường một cách thiết thực và hiệu quả hơn để tạo ra một chuẩn mực hành vi, định hướng cho cách ứng xử của HS, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định việc cần thiết phải ban hành khung quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, nhà giáo và HS, sinh viên. Nội dung quy tắc ứng xử sẽ bao hàm được toàn bộ các quy tắc trong mọi giao tiếp diễn ra trong nhà trường.

Tuệ Nguyễn (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)