Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ứng xử trên facebook

Tạp Chí Giáo Dục

Một hôm em nữ sinh B. (học lớp 8) đến hỏi tôi: “Thầy ơi, bạn X. xin lỗi con trên facebook, không biết có thực lòng không hay chỉ đùa nên con chưa trả lời. Theo thầy, con phải làm thế nào?”. Tôi hỏi lại: “Tại sao con nghĩ bạn X. giỡn với con?”. “Dạ, vì X. chơi chung nhóm bạn thường xuyên chọc ghẹo con. Vì vậy con sợ nhóm bạn muốn lợi dụng X. để thử con và mấy lần trước gặp mặt X. không xin lỗi mà phải lên facebook làm bạn bè ai cũng biết và để ý đến”.
Qua tìm hiểu tôi biết được X. thấy B. học cùng lớp dễ thương đã “mến mến” từ lâu nhưng không dám lại gần bắt chuyện. Một hôm lớp dọn vệ sinh, trong lúc giỡn X. té nước vào B. Mọi chuyện sẽ không có vấn đề gì vì chỉ là hành động vô ý lúc chơi đùa, song do X. thích B. nên cảm giác thấy cần xin lỗi. Trước băn khoăn đó, tôi tìm gặp X. thì được biết X. xin lỗi thực lòng. “Sao không trực tiếp xin lỗi bạn mà qua facebook?”, tôi hỏi. X. nói là lúc đầu cũng nghĩ vậy nhưng “ngại quá thầy ơi và con thấy trên mạng người ta cũng xin lỗi gián tiếp nên học theo”.
Cũng may, X. học theo cái tốt. Khi chưa đủ can đảm đối diện trực tiếp thì gián tiếp thể hiện hành vi lấy làm tiếc trên công cụ mạng xem ra cũng không tồi. Thực tế, trên thế giới từ các ngôi sao sân cỏ đến ngôi sao giải trí, có lúc cả chính khách cũng có những dòng trạng thái (status) lấy làm tiếc hay xin lỗi một ai đó về điều gì không hay làm thương tổn người khác. Đó là nét đẹp văn hóa dù là thực lòng hay xã giao.
Được dịp tôi gặp mặt X. và B. cùng lúc, trước là giải thích để cả hai hiểu nhau, tin tưởng tình bạn của đời sống thực chứ không ảo như thế giới mạng. Sau khi nghe hai em tâm sự tôi mới biết đa phần học sinh bấm thích (like) vì hình ảnh hay ngôn từ gây kích thích, sau đó bình luận (comment) để thêm náo động và thể hiện cái tôi, tự khẳng định cá tính riêng, cuối cùng chia sẻ (share) tạo phong trào. Số khác thì like, comment, share để “chung vui” chứ nhiều lúc không đọc kỹ, xem rõ nó là cái gì…
Thiết nghĩ, với mỗi thầy cô giáo trẻ thường xuyên “ra-vào” các trang mạng xã hội cần hướng dẫn học sinh mình like một cách chọn lọc, comment đúng mực, share có trách nhiệm. Nhắc nhở các em tôn trọng mọi người dù chưa từng và không có cơ hội gặp nhau, khuyến khích tạo thêm mối quan hệ thân tình với bạn bè đồng trang lứa trong khuôn khổ cuộc sống hằng ngày, tránh hiện tượng con người trở nên xa cách nhau dù là người ngồi cạnh bên.
Nguyễn Minh Thanh

Bình luận (0)