Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện một giáo viên ở An Giang bị phạt (dù sau đó quyết định xử phạt được rút lại) vì đăng tải thông tin, bình luận được cho là “xúc phạm người khác” trên facebook thực sự là một bài học chung cho tất cả mọi người, trong đó có giáo viên và học sinh. Đặc biệt, với giáo viên, những người cần phải làm gương cho học sinh và nhiều người khác về hành vi, cách ứng xử, càng phải xem trọng bài học này hơn.

Hiện vẫn có một số người ít nhiều xem mạng xã hội là “thế giới ảo”, tức là có thể ẩn danh, có thể ngụy tạo thông tin, có thể bịa đặt câu chuyện, tình huống, có thể thoải mái bình phẩm người khác… Điều nghịch lý là kể cả khi người ta xem đó là thế giới ảo thì họ lại rất muốn hưởng những cái “thật” từ thế giới đó, chẳng hạn niềm vui (thậm chí tự hào) từ việc được nhiều người thích (like), nhiều người bình luận (comment), nhiều người chia sẻ (share)… Như vậy, dù những điều đăng tải trên mạng xã hội có thể không thật nhưng hoàn toàn có thể đem đến những điều rất thật cho người đã đăng, có thể là niềm vui, cũng có thể là sự phiền toái, rắc rối, thậm chí nguy hiểm… Bởi nếu người đăng thông tin, hình ảnh không thận trọng, không bảo đảm thuần phong mỹ tục, không tôn trọng pháp luật… thì bản thân hoàn toàn có thể nhận lấy một hậu quả không hay nào đó.

Do vậy, người sử dụng mạng xã hội trước hết phải tôn trọng pháp luật. Đó là không đưa thông tin bịa đặt, nhất là những thông tin liên quan đến người khác hoặc gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội (từng có người sử dụng facebook đưa thông tin bịa đặt về trường hợp người Việt bị nhiễm Ebola bị phạt 20 triệu đồng). Đó là không đưa thông tin gây kích động bạo lực, phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, vùng miền… Đó là không được sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ; không được xúc phạm, làm nhục, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác… Người vi phạm có thể chịu sự chế tài của pháp luật.

Không chỉ vậy, người dùng mạng xã hội còn phải ứng xử có văn hóa, văn minh khi sử dụng hình ảnh, ngôn từ, câu chuyện… Việc chê bai, châm biếm, giễu cợt người khác dù theo số đông hoặc thuần túy đùa vui cũng có thể phản ánh thái độ không đứng đắn, tích cực của người đăng tải. Chẳng hạn, một người dùng lời lẽ thô tục để nói về ai đó có thể biểu thị đó là người kém văn hóa, thiếu lịch sự. Ngoài ra, khi ứng xử thiếu tôn trọng nhau thì có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đã có trường hợp vì bình phẩm nhau trên facebook dẫn đến mâu thuẫn và “giải quyết” mâu thuẫn bằng bạo lực.

Vẫn nên nhắc lại một câu quen thuộc, “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” để nói về cách ứng xử trên mạng xã hội. Bản thân mỗi người hẳn luôn muốn điều gì đó chân thật rõ ràng, luôn muốn được quý mến, tôn trọng thì bản thân nên làm điều đó với người khác!

Trúc Giang

Bình luận (0)