Tòa soạnThư đi – tin lại

Ứng xử với sách chung

Tạp Chí Giáo Dục

Sách chung tức là sách không thuộc quyền sở hữu của một người mà được xem là tài sản chung của xã hội. Đó là những quyển sách có trong thư viện và được quản lý bởi một hoặc nhiều đơn vị, thậm chí là của một cá nhân khi họ tự nguyện mở phòng đọc nhằm phục vụ mọi đối tượng bạn đọc. Tuy nhiên, với những quyển sách chung này không phải ai cũng ý thức được ý nghĩa của nó để từ đó biết bảo quản và có thái độ ứng xử… đẹp.

Đầu tiên là thái độ “ngâm” sách. Hầu hết các thư viện đều luân phiên cho mượn sách từ 1 đến 2 tuần, nhưng thực tế có không ít bạn, nhất là giới SV thường “ngâm” đến hạn vẫn… “quên” không chịu trả. Đồng ý nếu trả sách trễ hạn thì người mượn sẽ phải chịu phạt theo đúng nội quy (mức đóng phạt 1.000 đồng/ngày tính từ ngày hết hạn) nhưng trên hết, việc trả sách quá hạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của thư viện. Bởi lẽ số đầu sách có cùng danh mục thường có trong các thư viện là rất hạn chế, trong khi số bạn đọc cần đến lại cao gấp 4, 5 lần. Nhiều bạn SV sau khi kết thúc môn học tìm đến thư viện mượn sách về để nghiên cứu đã than: “Tìm sách khó như tìm… kim trong bọc” mà không biết rằng đã có bạn khác nhanh tay mượn trước và… “ngâm” một thời gian dài. Thậm chí có bạn còn để sách “ngủ” cho đến lúc số tiền nộp phạt lên đến con số hàng triệu đồng mới “ngã ngửa”. Như trường hợp mới đây của SV Trường ĐH Luật TP.HCM, “ngâm” sách của thư viện đến hơn 1.000 ngày cho 2, 3 quyển (sau đó Ban giám hiệu nhà trường đã không áp dụng mức phạt đối với SV trả sách trễ hạn cho khoảng thời gian trước ngày 20-4-2009) – Báo Giáo Dục TP.HCM đã phản ánh.
Không những ý thức kém trong việc mượn và trả sách, nhiều bạn đọc còn xem sách của thư viện như là tài sản của riêng mình bằng việc ký tên, thậm chí vẽ, gạch lung tung lên từng trang sách. Có bạn còn làm thơ hoặc ghi câu đối, cả số điện thoại để người mượn sau đọc, giải câu đối trên và liên lạc như một “kênh làm quen” thông qua… sách. Thiết nghĩ, ai cũng muốn đóng dấu “thương hiệu” của mình lên những quyển sách chung thì tuổi thọ của quyển sách ấy không những bị rút ngắn mà người mượn sau khó có thể tiếp nhận trọn vẹn thông tin bởi sách không còn là sách mà trở thành một cuốn “lưu bút” chuyền tay.
Còn nhớ một người thầy khi cho học sinh mình mượn sách đã dặn rằng: “Mượn bao nhiêu, trả bấy nhiêu! Thêm một chữ hay thiếu một từ thì sách đã không còn là tài sản trước đó của thầy nữa!”. Qua đó thấy rằng đọc sách là một nét văn hóa đáng trân trọng ở mỗi người, nhưng ý thức ứng xử với sách lại là sự tôn trọng sách, thể hiện tính văn minh của người đọc.
Ngân Du

Bình luận (0)