Trẻ rời lớp mẫu giáo vào lớp 1 là một quá trình chuyển giai đoạn từ hoạt động chơi là chủ đạo (chơi mà học – tập trung vào quá trình chơi hơn là kết quả) sang hoạt động học là chủ đạo. Việc tuân thủ các yêu cầu của học sinh lớp 1 là khó khăn với bé.
Các phương pháp chơi mà học của mẫu giáo được các chuyên gia khuyến cáo giáo viên lớp 1 nên tiếp tục áp dụng để nuôi dưỡng hứng thú học tập của trẻ. Cái trẻ cần được chuẩn bị chính là tâm thế sẵn sàng đi học (gồm khả năng sử dụng ngôn ngữ, các khả năng về trí tuệ, khả năng thích ứng học đường, khả năng hiểu các biểu tượng về số, chữ cái, các kỹ năng sống, sự chủ động, độc lập, tự tin, hứng thú đến trường).
Như vậy nên cho trẻ tham gia các lớp học kể chuyện sáng tạo, các lớp học nhạc, học múa, học vẽ; các lớp học phát triển các năng lực trí tuệ, khám phá thế giới cảm xúc, phát triển kỹ năng xã hội, hình thành tính chủ động, độc lập tự tin thông qua các lớp học dã ngoại, khám phá thiên nhiên, như vậy sẽ có lợi hơn rất nhiều cho sự phát triển của trẻ, không làm giảm thiểu hứng thú học tập của trẻ như là các lớp học viết chữ sớm, học trước chương trình lớp 1.
Những trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 thường không còn hứng thú với cái mới của chính các bài học vì chúng đã biết rồi, dễ chủ quan, dễ mất tập trung chú ý. Cũng không vì học trước mà trẻ tự tin hơn, trong khi giáo viên cũng không dễ giao cho những trẻ này những nhiệm vụ khó hơn (giáo viên cũng không có thói quen, động lực để làm điều này), để nuôi dưỡng hứng thú nhận thức của trẻ.
Các kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý học trẻ em cho thấy, hầu hết trẻ tham gia các lớp mầm non, đặc biệt là mẫu giáo đã được làm quen với các chữ cái, thuộc bảng chữ cái, làm quen với các chữ số… đều có khả năng học thành công chương trình lớp 1.
Nhiệm vụ tập viết, viết đúng mẫu, viết chữ đẹp là nhiệm vụ khó với trẻ vào lớp 1, nên được chia nhỏ tối đa trong suốt quá trình học lớp 1, không kỳ vọng cần luyện chữ đẹp ngay ở kỳ đầu lớp 1, để rồi cố “gò trẻ”, làm trẻ sợ học.
Một số trẻ có thể có khó khăn về viết trong những tháng đầu đi học, chỉ cần giáo viên không chê bai, không cho điểm kém, kiên trì động viên, hỗ trợ, dần dần trẻ sẽ vượt qua.
Phụ huynh và giáo viên không nên phiền lòng về điều này để rồi đặt nặng nhiệm vụ giữ vở sạch, rèn chữ đẹp ngay học kỳ đầu lớp 1. Cũng không nên bắt trẻ về nhà phải làm nhiều bài tập tô chữ, viết chữ.
Điều quan trọng là người lớn hãy giúp trẻ biết cách cầm bút đúng, và để tâm nhiều hơn đến việc ngồi đúng tư thế, giữ khoảng cách phù hợp giữa vở và mắt. Trẻ cần được tham gia nhiều các hoạt động đòi hỏi sự vận động tinh, các trò chơi khám phá đòi hỏi khả năng suy nghĩ, sáng tạo. Quan trọng nhất là tìm mọi cách để nuôi dưỡng hứng thú học đường của trẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Khanh
Bình luận (0)