Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Ứng xử” với vấn đề của môn sử

Tạp Chí Giáo Dục

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, cả nước có khoảng 153.600 thí sinh đăng ký thi môn sử. So với môn toán có khoảng 959.300 hồ sơ, môn văn khoảng 937.000 hồ sơ, môn lý khoảng 470.800 hồ sơ, môn địa có 386.900 hồ sơ… thì môn sử quả là quá đìu hiu.

Điều này thật đáng buồn, nhất là khi nhiều người vẫn khẳng định việc học môn sử gắn với việc hiểu biết về lịch sử nước nhà, về giáo dục truyền thống, về lòng tự tôn, tự hào dân tộc… Chúng ta nên “ứng xử” như thế nào với vấn đề này?

1. Trước hết, có lẽ cần nhìn nhận rằng, việc học là để thi, việc thi là để đỗ vào một trường nào đó, để theo đuổi một nghề nghiệp nào đó. Dù không được chọn thi nhiều trong kỳ thi quốc gia thì hơn 1 triệu học sinh lớp 12 vẫn học môn sử, vẫn phải trải qua các bài kiểm tra và phải đạt một mức điểm chuẩn nào đó mới được xem xét thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, trên thực tế, việc học môn sử vẫn có một lượng học sinh đông đảo và qua toàn bộ chương trình phổ thông, một người học nghiêm túc sẽ có thể nắm bắt một cách cơ bản tiến trình lịch sử nước nhà cũng như một số đặc điểm chủ yếu của lịch sử thế giới, mà không quan tâm nhiều đến việc môn sử có được đưa vào thi tốt nghiệp hay thi tuyển sinh hay không.

Nhìn hẹp hơn, thi môn sử chỉ để tuyển vào một số ngành khoa học xã hội như luật, báo chí, ngữ văn, sư phạm văn, sư phạm sử… Bản thân các ngành này cũng có lượng tuyển sinh không nhiều, do đó, tính chung, tổng số thí sinh chọn thi môn sử cũng có số lượng không lớn. Tức là, nhu cầu xã hội về các ngành nghề phải thi và phải học môn sử không nhiều thì việc lựa chọn ít cũng là điều dễ hiểu.

Thí sinh trao đổi về bài làm sau buổi thi môn sử. Ảnh: M.Tâm

2. Chúng ta thử so sánh, việc học môn sử và nắm bắt các nội dung của nó, vận dụng kiến thức vào cuộc sống có lẽ cũng không khác nhiều so với việc học và vận dụng kiến thức một số nội dung về lượng giác, hình học không gian ở môn toán, quang học ở môn lý, phần hữu cơ trong môn hóa…, dù rằng số người đăng ký ở kỳ thi quốc gia các môn này có sự khác nhau rất xa. Dĩ nhiên, so sánh này rất khập khiễng, nhưng điều đó cũng chỉ ra rằng, chúng ta cứ băn khoăn về số người chịu học, chịu thi môn sử (cũng như điểm số môn này ở các kỳ thi trước đây thường khá thấp) nhưng chúng ta có đặt vấn đề rằng nhiều người học, nhiều người thi một số môn khác thì điều đó có thực sự tích cực gì không? Liệu chúng ta có thống kê điểm số, tỉ lệ điểm số giữa các môn để đưa ra một nhận định nào có tính quyết định đến định hướng giáo dục sắp tới không?

Trở lại vấn đề giáo dục truyền thống, chúng ta vẫn nên thuộc và hiểu lời dạy của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” để xem trọng vấn đề giáo dục lịch sử. Nhưng giáo dục lịch sử không chỉ có ở nhà trường dù rằng đây là kênh giáo dục chủ yếu. Bản thân kênh này cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần nhiều cho rằng nội dung và chương trình giáo dục có nhiều điểm chưa ổn, từ đó không chỉ khó cung cấp kiến thức một cách tích cực mà còn ảnh hưởng đến sự hứng khởi, quan tâm cho người học. Bên cạnh đó, phim ảnh, tác phẩm văn học, truyền thông đại chúng… hiện nay chưa góp phần đắc lực vào giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống, chỉ đòi hỏi ở bài học trên lớp không thôi là chưa đủ. Như vậy, từ chuyện học sinh ít đăng ký thi môn sử, bài thi môn sử điểm thấp mà đặt vấn đề lo lắng đến sự “mất gốc” của một thế hệ hay đại loại như thế thì có phải quá xa không?

3. Dù thế nào thì cũng cần thực sự quan tâm đến môn sử. Trước hết Bộ GD-ĐT cần có một chương trình phù hợp (hợp lý trong tổng thể, hợp lý từng bậc, từng lớp, hợp lý trong tương quan kiến thức với các môn khác…), sách giáo khoa phù hợp, phương pháp giảng dạy phù hợp, phương pháp kiểm tra – đánh giá phù hợp, tài liệu bổ trợ, thiết bị phục vụ phải đầy đủ. Bên cạnh đó, giáo viên dạy sử phải được chọn lựa kỹ, bởi gần như đầu vào và đầu ra của sinh viên ngành sử ở một số trường sư phạm hiện nay còn khá thấp, nên chưa có được trình độ và kỹ năng phù hợp để có thể đáp ứng được chất lượng dạy môn sử trong chương trình phổ thông. Môn sử cũng cần được tích hợp nhiều hơn trong một số môn học khác, như văn, địa, toán, giáo dục công dân… để các kiến thức, tư duy, nhận thức về lịch sử không bị bó hẹp ở riêng môn này, cũng không bị gián đoạn kiến thức ở các lớp.

Trên thực tế, dù môn học có người quan tâm học nhiều, đăng ký thi nhiều thì vẫn cần quan tâm nhiều đến khả năng ứng dụng của môn học đó vào thực tế cuộc sống, cũng như khả năng nâng cao năng lực tư duy cho người học. Đó là tính thiết thực của môn học. Chứ không phải học để thi!

Nguyễn Trúc Giang

Những sai sót không đáng có

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, có nhiều vấn đề chúng ta cần bàn tới. Đó là việc quá nhiều thí sinh sử dụng điện thoại và tài liệu ở 3 môn xã hội hay thí sinh không chịu ký vào biên bản khi vi phạm nội quy… Đặc biệt là sai sót ở việc ra đề thi môn lý và đáp án chưa phù hợp ở môn văn.

Với môn lý, việc cộng 0,2 điểm – một con số cực nhỏ trong bài thi nhưng lại không nhỏ đối với dư luận. Bộ GD-ĐT quyết định không chấm điểm một câu trong đề thi nên thí sinh nào cũng được “tặng” 0,2 điểm là lẽ đương nhiên bởi do lỗi của người ra đề (đúng về mặt toán học mà chưa đủ ý nghĩa vật lý). Tuy nhiên cũng sẽ không công bằng nếu câu hỏi này không sai sót. Khi không sai sót thì có thí sinh làm đúng và có thí sinh làm sai, thí sinh giải đúng mới có điểm, thí sinh giải sai sẽ không có điểm này, như vậy mới công bằng.

Với môn văn, đáp án mà Bộ GD-ĐT đưa ra chưa phù hợp khiến cho thí sinh dễ mất điểm. Dẫu biết rằng do đặc thù nên đáp án môn văn không như đáp án của các môn khác, song đáp án môn này cũng cần nhất quán với nội dung đề yêu cầu. Văn chương trừu tượng thì đáp án cũng không hẳn là một chiều. Chẳng hạn ở câu 4 (phần đọc hiểu) hỏi như sau: “Đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với những người lính đảo? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)” thì đáp án mà Bộ GD-ĐT đưa ra là: Bày tỏ được tình cảm chân thành, sâu sắc dành cho những người lính đảo. Đáp án như vậy không sát với yêu cầu của đề (gợi cho anh/chị tình cảm gì). Bên cạnh đó thí sinh có thể nói lên tình cảm riêng của mình bằng cách sử dụng những từ ngữ khác (đâu nhất thiết phải là chân thành và sâu sắc) nhưng toát lên được tình cảm chân thật của mình chứ không cần thiết phải như đáp án của đề. Đó là một ví dụ mà đáp án chưa phù hợp.

Qua đây, chúng tôi cũng mong rằng, những sai sót này sẽ không còn lặp lại ở các kỳ thi THPT quốc gia những năm sau. Riêng môn văn, đáp án không nhất thiết phải một chiều, không nhất thiết kiểu barem cứng nhắc, cần linh hoạt hơn để đánh giá cao những bài văn sáng tạo không theo dạng văn mẫu như các năm trước đây.

Sông Hương (TP.HCM)

 

Bình luận (0)