Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

UNICEF: Giáo dục không thể thiếu… nhà vệ sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Môi trường học đường tác động lớn đến kết quả học tập của các em

Để đảm bảo quá trình học tập, trẻ em có quyền tận hưởng các nhu cầu về vệ sinh, nguồn nước…
Trong ngôi làng nông thôn vùng Catavicollo thuộc tây Bolivia, Nancy Nina Parina – một học sinh 13 tuổi nhớ lại quãng thời gian học tập của em tại ngôi trường không có nhà vệ sinh. Em nói: “Chúng em phải thực hiện vệ sinh trên những ngọn đồi phía sau trường học và phải đi rất xa để đảm bảo rằng các bạn nam không nhìn thấy”.
Ngoài Bolivia, ở nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới, hơn một nửa các trường tiểu học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đầy đủ tiện nghi. Học sinh thường không thể rửa tay với nước và xà phòng. Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), tại Nepal và Bangladesh, trung bình 90 học sinh phải chia sẻ với nhau một nhà vệ sinh duy nhất. Và một nửa các nhà vệ sinh thường bị hỏng hoặc quá bẩn để sử dụng.
Trẻ em trên toàn thế giới được quyền học tập trong một môi trường sạch sẽ và an toàn. UNICEF ước tính, mỗi năm trẻ em trên toàn thế giới chịu thiệt 272 triệu ngày học do mắc bệnh tiêu chảy và các bệnh về giun. Những bệnh này vốn gây cho các em sự mệt mỏi, suy dinh dưỡng và thậm chí tử vong. Bệnh về khuẩn đã cản trở nghiêm trọng đến khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất từ thức ăn, gây nguy cơ thiếu máu và do đó giảm khả năng tiếp thu, chú ý trong giờ học ở trẻ. Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc phụ trách y tế – môi trường thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Nguồn nước không an toàn, thiếu vệ sinh cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm. Trong số những cái chết này, 1,5 triệu là do tiêu chảy”. Bà nói thêm: “Dưới 15 tuổi, các em thường dễ mắc bệnh tiêu chảy hơn là bị ảnh hưởng bởi HIV, AIDS, sốt rét hay lao phổi”.
Một chương trình chăm lo dinh dưỡng và sức khỏe (FRESH) trong trường học đã được UNICEF, WHO và Ngân hàng Thế giới phát động cách đây 10 năm. Nó cho thấy mục tiêu phát triển giáo dục là phổ cập tiểu học cho mọi trẻ em trên trái đất vào năm 2015 sẽ không thể thực hiện được khi mà các nhu cầu đảm bảo sức khỏe cho học sinh vẫn chưa được đáp ứng. FRESH khẳng định muốn cải thiện sức khỏe trẻ em cũng như ngăn chặn sự lây lan bệnh tật, ngoài bổ sung dinh dưỡng còn phải cải tiến nguồn nước, đảm bảo vệ sinh tại các khu vực trường học. Giáo dục phải giúp cộng đồng hiểu được tầm quan trọng của việc vệ sinh, đơn giản là hành động rửa tay bằng xà phòng với nước. Hành động cơ bản này nếu thực hiện được sẽ cải thiện việc học, giúp các em học chú tâm hơn và giáo dục sẽ đạt thành tích tốt. Riêng những cô gái tuổi dậy thì, nhà vệ sinh còn giúp họ cảm thấy an toàn hơn, tránh nguy cơ bị cưỡng hiếp.
Thêm một gánh nặng nữa đối với học sinh khiến họ nghỉ học là việc đi gánh nước ở một nơi khá xa trường để làm sạch nhà vệ sinh. Ông Sigrid Kaag, đại diện UNICEF khu vực Trung Đông – Bắc Phi kiên quyết: “Hàng triệu trẻ em đến trường không có nước uống hoặc có nhà vệ sinh sạch sẽ – điều cơ bản này cần phải được giải quyết”.
Bây giờ, Nancy cùng bạn bè cô đã phấn khởi hơn rất nhiều. Nhờ một chương trình của UNICEF, trường học của họ đã có hai nhà vệ sinh riêng biệt dành cho nam và nữ với 12 vòi nước công cộng. Nancy cho biết: “Giáo viên của chúng em nói rằng khi chúng em sử dụng nhà vệ sinh thì phải hiểu được tầm quan trọng của nó. Nhất là việc rửa tay sau đó bởi nhà vệ sinh giúp chúng ta khỏe mạnh và giữ cho cộng đồng được sạch sẽ”.
Cùng với những hỗ trợ từ giáo viên, những học sinh như Nancy sẽ trở thành các tuyên truyền viên đến các gia đình tầm quan trọng của nhà vệ sinh và việc rửa tay sạch sẽ. Điều đơn giản này quyết định đến sự sống còn cũng như kết quả học tập của các em.
Ngân Du
 (Theo Guardian.co.uk)
Nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi WHO cho thấy, trường học có nhà vệ sinh tốt thu hút được số lượng lớn học sinh tham gia học tập.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)