Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ước mơ bình dị của chàng sinh viên suýt bị chôn sống

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi sinh, đứa bé chẳng cất lên tiếng khóc. Mọi người bàn sẽ chôn sống cho xong vì "Chừ không khóc được, lớn lên sẽ bị câm…"
Cách đây hơn 20 năm, vào một đêm mưa gió sụt sùi, bên dòng sông Kôn đục ngầu thác lũ của huyện Đông Giang (Quảng Nam), một gia đình cựu chiến binh người CơTu đã đón nhận một thành viên mới chào đời. Điều kỳ lạ là sau khi sinh, đứa bé chẳng hề cất lên một tiếng khóc. Mọi người bàn sẽ chôn sống cho xong vì "Chừ không khóc được, lớn lên sẽ bị câm. Nuôi làm gì cho khổ!?".
Những Bằng khen, Giấy khen được Alăng Ngước treo trang trọng trong nhà.
 Tuổi thơ nhọc nhằn
Nhưng người mẹ quả quyết không nghe và đã "giữ" lại tính mạng cho con.

Cho đến ngày thứ sáu, bỗng nhiên cậu bé cất lên tiếng khóc oa oa. Kể từ đó, nó bỗng trở thành "nổi tiếng"… Đứa bé ngày xưa ấy, có tên là Alăng Ngước, bây giờ đã là chàng sinh viên Khoa báo chí, Trường Đại học khoa học Huế. Những thành tích mà em đã đạt được không chỉ là niềm hạnh phúc cho riêng dòng họ Alăng, mà còn là niềm tự hào của người CơTu nơi miền Tây xứ Quảng…

"…Khi có hắn, là lúc nhà mình cực khổ lắm! Ama, Amế (bố, mẹ) đều là thương bệnh binh đã già, đau ốm miết, không đi rừng đi rẫy được. Nhà lại đông anh em, đều còn nhỏ hết, nên đói lắm! Thằng Ngước cũng không có cơm mà ăn mô, chỉ ăn sắn thôi, hắn ốm như que củi trong bếp kia kìa… Nhưng thích học lắm!"- anh Alăng Ngân, người anh của Ngước –  nhớ lại.

Khi lên 5 tuổi, những đứa trẻ cùng trang lứa trong làng đã được đến trường, còn Alăng Ngước phải ở nhà vì giọng nói còn ngọng nghịu, thân hình thì nhỏ thó như con tắc kè nên Ama chưa cho đi học. Nhưng tố chất thông minh lanh lợi đã được bộc lộ từ rất sớm. Cậu bé Ngước có thể thuộc lòng hàng chục bài hát tuổi thơ mà các bạn đã đi học chưa chắc hát được. Cuối cùng, em cũng được Ama, Amế cho đến trường, khi tròn 9 tuổi. Thế mà mới bước vào lớp 1 cậu bé Ngước đã trở thành "ngôi sao ca nhạc" của trường Tiểu học Sông Kôn. Và sau này Alăng Ngước cũng là giọng ca vàng "ẵm" được nhiều giải cao trong những cuộc thi tiếng hát HS-SV tỉnh Quảng Nam.

Nhà nghèo, lại đông anh em nên từ nhỏ Alăng Ngước đã quen với công việc nương rẫy, sáng theo Ama lên nương phát rẫy, tỉa bắp; chiều về gùi củi, gùi sắn giúp mẹ. Thế nhưng em chưa bỏ học một ngày nào trừ những hôm đau ốm nặng. Nhà lại xa trường nên mỗi mùa mưa đến, dòng suối Pho trước nhà và dòng sông Kôn trên đường đến lớp đục ngầu thác lũ, học sinh ở  hai thôn Sơn và thôn Bút Tưa phải nghỉ học, có khi đến cả tuần. Bạn bè thì vui mừng vì được thoả thuê quấy nước. Còn cậu bé Ngước lại bật khóc vì sợ không đi học sẽ thua kém bạn bè… Và rồi em lại tự mày mò ngồi một mình giải trước những bài tập Toán và tự học bài. Nước vừa rút, với sức của mình Ngước không thể tự đến lớp nên em lại nằng nặc đòi anh cõng qua suối, qua sông để đến trường…

Tâm sự với tôi, Alăng Ngước cho biết: "Những ngày còn nhỏ, em có tiếng là câu cá giỏi ở thôn Sơn. Mỗi lần sau buổi học về, em thường hay đi câu cá và cũng để tranh thủ học bài (Ngày đó, ban đêm chưa có điện mà cũng không có tiền mua dầu thắp để học bài). Dù kết hợp như vậy, nhưng bài cũng thuộc mà cá cũng đủ cho cả gia đình ăn bữa tối". Em cho biết thêm: "Mặc dù thân hình nhỏ thó như vậy nhưng em lại được bà con trong thôn trầm trồ khen ngợi vì thành tích "bẻ măng" không ai ví kịp…". Tuổi thơ của Alăng Ngước với bao gian khổ, nhọc nhằn nhưng nhờ biết chấp nhận và có ý chí vươn lên nên em đã lập được những thành tích đáng khâm phục, mà ai từng biết đến, chắc chắn, không khỏi trầm trồ. 

 Con đường dẫn vào làng của Alăng Ngước.
 ALăng Ngước – niềm tự hào của người mẹ và của bà con CơTu.
 Niềm tự hào của bà con CơTu

Nghèo khó và nhọc nhằn là thế, nhưng suốt 12 năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến. Em tham gia rất nhiệt tình phong trào Đoàn – Đội, với 12 năm làm lớp trưởng, 3 năm liên tục giữ cương vị Uỷ viên BCH Đoàn trường, Bí thư Chi đoàn lớp và là cây văn nghệ số 1 của trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Nam. Bước chân vào căn nhà cấp bốn, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi đập vào mắt là một "giàn" thành tích của riêng Alăng Ngước với những huy chương, giấy khen, chi chít con dấu đỏ được treo cẩn thận nơi một góc nhà. Alăng Ngước "khoe" với tôi : Đã từng được đi máy bay ra tận Hà Nội để nhận giải thưởng của cuộc thi viết về "Phòng tránh tai nạn thương tích cho thanh thiếu niên toàn quốc" do Báo GĐ&XH phối hợp với UNICEF & Ủy ban DS,GĐ&TE Việt Nam tổ chức vào năm em học lớp 8 (năm 2004) và năm lớp 11 (2007). Cuối năm 12 (2008), em được mời đi dự Hội trại Phóng viên nhỏ-Phóng viên Tuổi hồng xuất sắc toàn quốc lần thứ 3 do Báo TNTP tổ chức tại thành phố biển Nha Trang… Không những thế, em còn đạt được nhiều thành tích cao về lĩnh vực Văn hoá văn nghệ & Thể dục thể thao của tỉnh và cả trong toàn quốc…

Với những thành tích mà em đã đạt được, năm học lớp 10 em vinh dự được Đảng bộ nhà trường cử đi học lớp cảm tình Đảng. Sau 3 năm phấn đấu, tháng 11/2008, Alăng Ngước lại vui mừng khi được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đây không chỉ là tấm gương để cho những Amế CơTu "làm gương" nhắc nhở con cháu, mà đây còn được xem là "kỳ tích" nơi vùng cao xứ Quảng.
 Alăng Ngước tập làm phóng viên.
 Trong một lần đi tác nghiệp, viết bài.
Ước mở trở thành nhà báo
Alăng Ngước tập viết văn, viết báo và làm thơ từ rất nhỏ, năm học lớp 8 tại Trường DTNT huyện Đông Giang em đã có bài báo đầu tiên đăng trên báo Thiếu nhi Dân tộc (chuyên san của Báo Thiếu niên Tiền phong). Và cũng từ năm học này, em bắt đầu "bén duyên" với những giải thưởng về văn học.

Em tâm sự: "Khi lần đầu tiên cầm tờ báo trên tay (năm học lớp 6, báo của thư viện trường) em ưng cái bụng lắm! Đọc các bài viết của các bạn được đăng trên đó em thích lạ thích lùng và em bắt đầu  tập viết và nuôi hy vọng. Và rồi, em đã có thơ, có bài trên các báo… Em trở thành cộng tác viên từ đó". Ngoài đam mê về văn chương, hai từ "ca sỹ" cũng thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ của em, giấc mơ đó cũng không phải là không có nguyên cớ, bởi em đã từng nhận được Huy chương Bạc, Huy chương Vàng tại các cuộc thi Tiếng hát HS-SV của tỉnh Quảng Nam hay Hội thi VH-TT các Trường DTNT toàn quốc. Nhưng em sẽ quyết tâm đi theo con đường mà mình đã chọn và đam mê từ nhỏ: "Nghề viết báo". Hiện Alăng Ngước là cộng tác viên "ruột" của nhiều tờ báo Trung ương và địa phương.

Hiện tại Alăng Ngước đang là sinh viên năm 3 Khoa báo chí, Trường Đại học khoa học Huế nhưng chặng đường để biến ước mơ thành hiện thực của Alăng Ngước còn dài và khó khăn lắm. Ba mất, mẹ già với những đồng tiền ít ỏi từ nương ngô, rẫy sắn khó bề chu cấp nổi cho em trong những năm học đại học! Những ngày nghỉ hè khi mà chúng bạn đua nhau đi picnic, du lịch thì Ngước lại lên rừng với chiếc gùi trên lưng giúp Amế cõng sắn gùi măng. Hết giúp Amế, em lại chạy quanh các bản làng CơTu để "tác nghiệp". Em cười: "Chỉ quanh trong địa bàn xã Sông Kôn thôi có khối đề tài để viết anh à!… Vấn đề là mình phải chịu khó nhìn và cảm thôi".

Nhìn gương mặt tràn đầy niềm tin và khát vọng, tôi tin rồi mai đây trên các trang báo sẽ còn xuất hiện nhiều cái tên Alăng Ngước nữa và như thế chắc chắn em sẽ thành công. 

 
Theo Quang Minh
(giadinh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)