Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ước mơ của chàng thủ khoa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thầy Ngô Văn Trí Dũng – Bí thư Đoàn trường THPT Trường Xuân đang hướng dẫn Thành Luân giải bài tập
Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011 của tỉnh Đồng Tháp là em Võ Thành Luân, học sinh Trường THPT Trường Xuân (huyện Tháp Mười), với tổng điểm 57,5 (các môn: toán, lý, sinh, sử đạt điểm 10).
Có thể việc đỗ thủ khoa của một kỳ thi tốt nghiệp vẫn chưa đủ “đô” để “làm ồn ào”, nhưng lý do khiến Luân được nhiều người trân trọng, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa và khen ngợi, động viên chính là từ những nỗ lực để em đạt thành quả trên…
Cậu học trò hiếu thảo
Tôi đến thăm Luân vào một ngày trung tuần tháng 7. Từ TP.Cao Lãnh đến xã Trường Xuân gần 100km. Từ lộ lớn, đi bộ khoảng 300m mới đến nhà của em tại ấp 6B. Đó là một căn nhà thuộc dạng tạm, mái tole nhưng vách làm bằng ván tạp, nền đất, cột nhà bằng cây tràm chôn xuống nền. Bên trong, nhiều chỗ phải “chống dột” bằng những miếng bạt nilon, tài sản không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi, chiếc xe đạp, chiếc xuồng ba lá. Hôm tôi đến, ba của Luân – anh Võ Văn Mười đang bệnh. Sau khi giúp mẹ nấu cơm, quét nhà, Luân thay ba đi giăng câu, ra ruộng đặt lờ để kiếm thức ăn cho gia đình. Sau đó, Luân lại làm gia sư cho hai em trai, chuẩn bị cho các em bước vào năm học mới: học lớp 10 và lớp 8… Mùa hè, dù đã thi xong ĐH nhưng quỹ thời gian của chàng thủ khoa vẫn không còn chỗ trống. Nhà chỉ có năm công ruộng, làm hai vụ/năm. Để có đủ cơm ăn cho năm người, và lo cho ba anh em Luân học hành, ngoài làm ruộng cha mẹ Luân tranh thủ “quơ quào” thêm bên ngoài. Cha làm nghề thợ mộc, rồi phụ hồ. Mẹ đặt lờ kiếm vài con tôm, con cá. Cần cù như vậy nhưng do thể trạng yếu, anh Mười thường đau khi trái gió trở trời, nên gia đình cũng chỉ tạm đủ ăn. Thương ba mẹ, ngoài hai buổi đến trường, Luân tranh thủ theo ba đi giăng câu. Anh Võ Văn Mười bộc bạch: “Vợ chồng tui cố gắng tạo điều kiện, dành thời gian cho các con học tập, đâu bắt con mần quá sức? Nhưng Luân cứ đòi choàng gánh công việc của ba mẹ. Có khi vào vụ lúa, không may tui trở bệnh, nó với mẹ nó cáng đáng hết: sạ giống, rải phân, xịt thuốc, rồi gặt lúa… Nhiều đêm tui nói con ở nhà học bài để ba thức canh mấy cái lờ ngoài ruộng nhưng nó không chịu, nói ba hôm nay làm hồ mệt rồi, ngủ sớm để con mần cho”.
Phải học để thoát nghèo
Dù vất vả nhưng từ bậc tiểu học đến THPT, Luân đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 12 em đạt giải nhì cấp tỉnh thi thí nghiệm thực hành môn sinh… Để có thành quả trên Luân luôn phải vượt lên chính mình, với bí quyết học tập là: Học mọi lúc, mọi nơi. Học thuộc bài và làm đầy đủ những bài tập thầy cô cho. Những khi ra ruộng để canh lờ em đều mang theo sách vở để học. Quá trình học, chỗ nào chưa hiểu em tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ để chạy lên phòng giáo viên nhờ thầy cô giảng lại. Ngoài những bài tập trên lớp, em còn mượn sách trong thư viện hoặc vào phòng vi tính của trường, lên mạng tìm và giải những bài tập nâng cao. Những bài nào không giải được em lại đi tìm các thầy cô. Ý thức chủ động và phương pháp tự học trên là chìa khóa giúp em đạt thành công…
Những “bí quyết” trên có thể không xa lạ với nhiều học sinh nhưng với Luân thì không đơn giản. Em chia sẻ: “Buổi tối là thời gian em dành cho việc học. Em chỉ lên giường ngủ lúc… 1 giờ khuya. Sáng dậy sớm, đạp xe tới trường, mỗi ngày chỉ ngủ khoảng năm tiếng nên em thèm ngủ lắm. Nhiều bữa, giờ ra chơi là em tranh thủ kiếm chỗ để ngủ”. “Động cơ nào khiến em đủ sức vượt khó như vậy?”, tôi hỏi. Luân trả lời: “Không hiểu sao bản thân em thích học lắm. Lúc nhỏ, khi tới trường là em rất vui. Lớn lên, biết suy nghĩ thì lúc ấy việc học lại mang ý nghĩa quan trọng vì nhà em quá nghèo. Phải học để thoát nghèo, để báo hiếu ba mẹ. Đó là động lực giúp em vượt qua tất cả. Ngoài ra, ông bà nội ngoại, ba mẹ cũng luôn động viên em”.
Các thầy cô dạy Luân cho biết em rất sáng tạo trong việc học. Thầy Ngô Văn Trí Dũng, Bí thư Đoàn trường, thường hướng dẫn Luân giải các bài tập vật lý nâng cao, nhận xét: “Nhiều buổi tối Luân đến tìm tôi nhờ chỉ cách giải một bài tập nào đó. Làm việc với em rất thích vì chỉ gợi mở là em tìm ra nhiều hướng làm bài”. Về điều này, Luân trao đổi: “Em thích giải những bài tập phức tạp, vì những dạng bài này giúp em nâng cao và mở rộng hơn kiến thức”.
Trong thành công của Luân, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những hỗ trợ, giúp đỡ của tập thể sư phạm Trường THPT Trường Xuân. Thương cậu học trò nghèo, hàng năm nhà trường tặng quần áo đồng phục, rồi ưu tiên cho em mượn sách giáo khoa, các loại sách tham khảo, nâng cao… Có thể nói, thành công của Luân, ngoài nỗ lực, còn là bài thơ đẹp về tấm lòng người thầy nơi vùng quê còn nhiều khó khăn này.
…Chiều muộn, Luân tiễn tôi đến lộ lớn. Tôi hỏi: “Nếu cho một điều ước, em sẽ ước gì?”. Luân trả lời ngay: “Dạ, em chỉ ước nhận được tin báo trúng tuyển ĐH. Em sẽ cố gắng học giỏi, sau này đi làm nuôi ba mẹ, dựng lại nhà chớ bây giờ dột quá. Những đêm mưa lớn cả nhà không ngủ được vì phải chống dột”.
Ước mơ của chàng thủ khoa “giăng câu” chỉ đơn giản vậy!
Bài, ảnh: ĐAN PHƯỢNG

“Hàng ngày, trước khi đến trường em coi trước những bài mới trong sách giáo khoa để nắm trọng tâm. Trong lớp, khi thầy cô giảng bài em chỉ ghi chép những phần em muốn học…”, Luân tâm sự.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)