Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Ước mơ của chàng trai làng hến

Tạp Chí Giáo Dục

Với tổng điểm 3 môn khối B đạt 28,4 (chưa tính điểm ưu tiên) và điểm 10 môn hóa trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Lê Nhật Tiến (ở làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị – học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế) dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, với mong muốn cứu giúp người bị bệnh.

Lê Nhật Tiến – thí sinh duy nhất của cụm thi 39 đạt điểm 10 môn hóa

Từ làng hến đến cố đô

Cái tin đứa con trai út Lê Nhật Tiến đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 khiến bà Tạ Thị Thê, mẹ của Tiến – vui mừng đến thao thức. Tâm nguyện con được vào ĐH suốt 3 năm xa con với bao nhiêu niềm thương, nỗi nhớ nén vào lòng đã phần nào trở thành hiện thực. Cũng như phần đông người dân ở làng Mai Xá, với thu nhập ít ỏi từ nghề nông và nghề cào đãi hến trên sông, đời sống kinh tế của gia đình bà Thê càng khó khăn hơn khi một nách nuôi 6 đứa con, bởi chồng mất sớm. Bà Thê nhớ lại, cái ngày cách đây 3 năm, khi đứa con trai út chạy ào từ trường về nhà xin mẹ đăng ký thi vào Trường Quốc học Huế, bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì con ham học nhưng bà lo gấp chục lần vì từ nhỏ tới lớp 9, Tiến chưa hề xa mẹ, xa gia đình. Việc thi vào lớp 10 theo học ở một ngôi trường cách xa nhà gần trăm cây số với bao nhiêu chuyện ăn ở, sinh hoạt khiến bà lo lắng. “Nghe con xin thi vào Trường Quốc học Huế, thương con nên tui ừ đại, nào ngờ cháu đỗ vào trường với điểm số cao. Lúc đó dù biết không chỉ mình mà cả con phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xa nhà nhưng tôi cũng động viên con cố gắng vì tương lai”, bà Thê nhớ lại.

Cũng như phần đông người dân ở làng Mai Xá, với thu nhập ít ỏi từ nghề nông và nghề cào đãi hến trên sông, đời sống kinh tế của gia đình bà Thê càng khó khăn hơn khi một nách nuôi 6 đứa con, bởi chồng mất sớm.

Trong khi đó, Tiến kể: “Lúc nộp hồ sơ đăng ký thi, em chỉ nghĩ đến mục tiêu được học ở một ngôi trường có điều kiện nhằm thực hiện ước mơ của mình. Nhưng khi đậu vào lớp 10 thì em gặp rất nhiều khó khăn. Xa nhà, nhớ mẹ, đi học cũng toàn bạn bè lạ nên em cũng hơi bỡ ngỡ, chưa thích nghi kịp. Thường thì khi nhớ nhà em tìm niềm vui từ động lực của mình, cố gắng học tập để đạt được ước mơ và không phụ lòng của gia đình. Lúc nào rảnh rỗi, em nghe nhạc, đọc truyện cho đỡ nhớ mẹ”. Kết quả là Tiến đã không phụ sự kỳ vọng của mẹ với thành tích học tập luôn đạt loại giỏi.

Ước mơ làm bác sĩ

Với Tiến, để đạt được ước mơ, chinh phục được tri thức, ngoài việc học thầy, học bạn, phải có tinh thần tự giác, tự học. Tiến luôn chia thời gian học đều các môn và có chút ưu tiên cho những môn khối B mà em dự định sẽ theo đuổi nghề nghiệp trong tương lai. Chia sẻ về điểm 10 môn hóa – điểm 10 duy nhất tại cụm thi 39 do ĐH Huế chủ trì – Tiến cho biết: “Để học môn hóa tốt thì người học phải nắm vững lý thuyết trước, sau đó mới bắt đầu làm bài tập. Muốn nắm vững lý thuyết thì sau khi học mỗi phần, mỗi chương người học nên thống kê lại, sau đó vẽ sơ đồ tư duy. Cái gì đặc biệt thì chú thích lại. Còn bí quyết đạt điểm tối đa môn hóa, ngoài việc học trên lớp, em đi học thêm để luyện đề, làm quen với các dạng bài và tăng tốc độ thời gian làm bài. Trong lúc làm bài thi, những dạng bài nào làm rồi thì em giải quyết nhanh và đúng, còn gặp dạng bài mới thì phải phân tích kỹ đề rồi sử dụng lý thuyết áp dụng vào để không bị sai sót. Việc tự học thêm ở nhà cũng hết sức quan trọng. Ở nhà em luyện tập làm được, làm đúng sau đó mới làm nhanh. Hơn nữa, em cũng luyện những dạng đề khó để khi thi không bị ngợp, hoang mang”.

Tiến cho biết thêm, để việc học được tốt em luôn đặt ra mục tiêu và có sự chuẩn bị, sắp xếp cụ thể từng môn chứ không chờ nước đến chân mới nhảy. “Em rất vui khi đạt được điểm 10 môn hóa. Và em rất biết ơn thầy Lê Khắc Thiên Long – người đã chỉ dạy cho em những phương pháp tốt nhất để tiếp thu kiến thức môn này”, Tiến bộc bạch.

Với tổng điểm 3 môn khối B đạt 28,4 (hóa 10; toán 9; sinh 9,4), Tiến dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Tiến chia sẻ: “Em không được may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, năm học lớp 4, 5, ông nội và ba đều mất do bệnh tật. Càng lớn lên, em càng thấy buồn vì sự mất mát đó. Do đó em tự nhủ phải cố gắng học giỏi để trở thành bác sĩ, sau này góp công sức, sự hiểu biết của mình để chữa bệnh cho những ai không may bị bệnh tật, bớt đi nỗi đau mất mát cho người khác”.

Bài, ảnh: Hàn Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)