Chu Quang Đức trên chiếc xe lăn vào lớp học |
26 tuổi nhưng chiều cao và cân nặng của Chu Quang Đức – sinh viên năm thứ 4 Khoa Toán Tin Trường ĐH Sư phạm 2 (Xuân Hòa, Vĩnh Phúc) chỉ bằng một đứa trẻ 4 tuổi. Đức là một trong những nhân chứng sống về tội ác chiến tranh của giặc Mỹ…
“Đẻ con lành, nuôi con què”
Sinh ra, Đức là đứa trẻ lành lặn, thậm chí còn có tố chất thông minh, hiếu động hơn những đứa trẻ khác. Cho đến khi 4 tuổi, sự phát triển về thể chất của em bắt đầu chững lại. Thậm chí, em cũng không còn chạy nhảy bằng đôi chân của mình được nữa.
Lúc ấy, gia đình ông Chu Quang Chiến – một cựu chiến binh tại chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng đã chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho con. Các bệnh viện lớn ở Hà Nội đều lưu dấu chân của gia đình ông. Nhưng mọi cố gắng đều không mang lại kết quả, các bác sĩ cũng không chẩn đoán được căn bệnh lạ kì của Đức. Chỉ đến khi có một chương trình kiểm tra di chứng chất độc da cam ở Việt Nam năm 2002, Đức được đưa đi khám và được xác định là bị nhiễm chất độc da cam.
Sau khi bị tất cả các bệnh viện lớn nhỏ “từ chối”, Đức và gia đình đành phải chấp nhận số phận. Để biết chữ và đỡ buồn nên Đức đòi cha mẹ cho tới trường. Thương con tật nguyền, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Chiến cứ lặng lẽ đưa con đến trường. Mặc dù ngoại hình dừng lại như một đứa trẻ 4 tuổi nhưng tư duy của Đức vẫn phát triển bình thường. Cậu luôn là học sinh giỏi suốt các năm cấp 1, cấp 2, cấp 3, được thầy cô bạn bè yêu mến. Đặc biệt Đức luôn có thái độ sống tích cực, hòa đồng, vui vẻ. Chính vì lẽ đó mà bạn bè rất thích được học tập, chuyện trò cùng Đức.
Ước mơ giản dị
Học xong phổ thông, cũng như các bạn bình thường khác, Đức tiếp tục thi đại học và chọn ngành sư phạm để thi vì một lí do đơn giản: “Trường này không quy định chiều cao cân nặng của thí sinh nhưng quan trọng là gần nhà”. Thi năm đầu tiên, Đức đỗ ngay vào Khoa Toán Tin của Trường ĐH Sư phạm 2 (cách nhà khoảng 10km).
Ngày nhập học, Đức và cha lọ mọ đi tìm nhà trọ, thời gian đầu ông Chiến cứ phải đưa đón Đức đi đi về về. Nhưng chỉ sau vài tháng, cảm phục trước sự nỗ lực phi thường của Đức đã có rất nhiều bạn trong lớp kết thân với em. Các bạn luôn quan tâm và giúp đỡ em rất nhiệt tình. Hàng ngày, trên chiếc xe lăn, Đức được bạn bè đưa đến trường.
Sinh năm 1983 nên Đức là sinh viên lớn tuổi nhất lớp và được cả lớp gọi là “anh Đức” dù dáng người thì “em bé” nhất lớp.
Chia sẻ về dự định cũng như ước mơ của mình, Đức cho biết: “Mình “tham lam” lắm, ra trường vừa muốn làm thầy giáo dạy tin học, vừa muốn làm việc ở một công ty. Nhưng không biết ước mơ của mình có toại nguyện không hay chỉ là mơ ước?”.
Lúc này trong ánh mắt Đức thấp thoáng một nỗi âu lo. Quả là nỗi lo âu không thừa. Bởi với sức lực khiêm tốn, sự khó khăn trong đi lại thì ngày ra trường ước mơ của Đức khó thành hiện thực.
Nhưng không sao, hiện tại Đức vẫn tiếp tục vượt qua khó khăn, vượt qua những cơn đau khi trái gió trở trời, tiếp tục sống với niềm đam mê về tin học, mạng internet. Ngoài ra, Đức còn dạy tin học miễn phí cho các em nhỏ ở quê trong những ngày hè.
Trong căn phòng bé nhỏ mà hai cha con Đức thuê trọ, trên chiếc bàn đơn sơ la liệt sách vở và… thuốc. Đức vẫn bền bỉ chiến đấu cùng bệnh tật với sự trợ giúp của đủ các loại thuốc, sự trợ giúp của người cha cũng đầy thương tật, của gia đình, bạn bè. Nhưng trên hết vẫn chính là sự nỗ lực không ngừng từng ngày, từng giờ của Đức.
Hiền Thu
Bình luận (0)