Tranh thủ những ngày nghỉ ít ỏi, Thủy giúp mẹ làm việc nhà |
Sau 5 năm hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Tổng hợp quốc gia Belarus với số điểm đứng đầu khóa học, vừa qua, Lê Thị Thiên Thủy (23 tuổi, từng xuất sắc đậu thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Huế, á khoa Trường ĐH Y dược Huế trong kì thi ĐH năm 2007) – quê ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) – đã giành được học bổng du học tiến sĩ toàn phần ngành toán học tại Trường ĐH Padova (Ý).
Những ngày này, trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Lê Văn Giáo (61 tuổi) ở miền quê nghèo thuộc xã Triệu Long lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Gương mặt sạm đen vì nắng gió của vợ chồng ông như giãn ra, mãn nguyện. Vui không chỉ được gặp lại con gái sau 3 năm đằng đẵng theo học ở tận Belarus xa hàng ngàn cây số mà họ còn tự hào khi hay tin con xuất sắc giành được học bổng du học tiến sĩ tại Ý.
Từ ngôi nhà tre ọp ẹp
Thiên Thủy là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em. Cũng như bao nhiêu đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo khó, Thủy sớm phải theo cha mẹ lo việc đồng áng. Nhà có 5 sào ruộng lúa với 3 sào hoa màu, nếu được mùa cũng chỉ đủ cung cấp lương thực cho cả gia đình 7 miệng ăn. Khi con cái bước vào tuổi đến trường cần biết chữ, gánh nặng trở nên quá sức trên đôi vai của vợ chồng ông Giáo, bà Hài. Ở vào tuổi 57 nhưng sự vất vả, gió sương in hằn lên cả khuôn mặt lẫn dáng đi nên trông bà Hài già hơn cả chục tuổi. “Ở đất ni, hai vợ chồng nuôi 5 đứa con tới trường thì vất vả không biết răng mà kể hết. Có đận như năm 2006-2007, cả ba đứa con đều vào ĐH. Tháng nào hai vợ chồng cũng thay nhau đi vay tiền gửi cho con rồi lại vay chỗ này đắp vô chỗ khác. Nhiều lúc túng quẫn muốn buông xuôi nhưng rồi lại nghĩ, nếu không cho con ăn học thì mai này đời nó cũng cực như mình… Năm 2007, cháu Thủy đỗ hai trường, thiệt lòng gia đình muốn cháu theo nghề y nhưng khoản học phí lớn quá nên đành khuyên cháu chọn nghề sư phạm. Cũng may, cháu được chọn vô diện du học, hai vợ chồng đỡ vất vả phần nào”, bà Hài bộc bạch.
Sau 2 năm hoàn thành chương trình tại ĐH Sư phạm Huế, năm 2009, Thủy bắt đầu hành trình đến Belarus để tiếp tục chặng đường 3 năm cho chương trình thạc sĩ toán học ở đất nước này. Ngày vác ba lô đến đất nước Belarus xa lạ, Thủy cứ ngoái nhìn ngôi nhà tre mục nát, vẹo vọ, khắp nơi chống chằng chịt những cột tre, chỉ cần một trận gió lớn là tưởng như nó đổ ập xuống. Hình ảnh đó thôi thúc em nhanh chóng vượt qua cảm giác e ngại vốn là lẽ đương nhiên ở tuổi mới lớn. “Học ở Belarus, 3 năm liền em không được về nhà vì trong suất học bổng không có khoản phí tiền máy bay về nghỉ Tết. Nhiều lúc em nhớ nhà lắm. Những giây phút yếu lòng đó, em lao đầu vào học bài để vượt qua. Vào dịp Tết Nguyên đán thì mấy anh chị sinh viên Việt Nam thuê một căn nhà ở ngoại ô rồi cũng tổ chức Tết có bánh chưng như ở quê mình nên cảm giác nhớ nhà cũng vơi bớt”, Thủy trải lòng.
Tại ĐH Quốc gia Belarus, các thầy cô đều sử dụng tiếng Nga để truyền đạt nên đó là một khó khăn cho Thủy trong quá trình tiếp thu bài. Thế nhưng, Thủy luôn đạt điểm số cao nhất lớp, được Hiệu trưởng nhà trường nhiều lần trực tiếp viết thư khen ngợi và tuyên dương trước toàn thể nhà trường. Thủy chia sẻ: “Khi nhập học ở Trường ĐH Sư phạm Huế, em mới biết là sang đó sẽ học bằng tiếng Nga. Lúc ở quê em chỉ được học tiếng Anh, còn khái niệm tiếng Nga hoàn toàn xa lạ. Hai năm đầu ở đây ngoài các giờ dạy của giảng viên, em tìm tòi học thêm qua mạng. Nhờ vậy qua đó em không ngỡ ngàng lắm khi phải giao tiếp bằng ngoại ngữ này”.
Đến chân trời Ý
Trở về quê sau 3 năm biền biệt với tấm bằng thạc sĩ toán học, Thủy suy nghĩ rất nhiều về chuyện kiếm việc làm hay đi học tiếp. Hiểu nỗi lòng con, ông Giáo động viên: “Nếu có điều kiện con cứ thực hiện ước mơ của mình. Ba mẹ bây giờ cũng đã đỡ vất vả hơn trước, anh chị đã ra trường có việc làm ổn định, ba mẹ chỉ còn lo cho em út học ĐH nữa thôi”. Thủy rớm nước mắt nghe ba tâm sự. Chỉ có cách học tiếp mới thực hiện hoài bão của mình, dù trước mắt sẽ phải chịu nhiều gian khó. Và rồi em quyết định tiếp tục con đường thực hiện ước mơ của mình bằng suất học bổng du học tiến sĩ tại nước Ý hào hoa. Thủy bảo: “Em đã hoàn thành thủ tục đến ĐH Padova rồi. Để chuẩn bị, em cũng đã tự mày mò học được kha khá vốn tiếng Anh để sang đó giao tiếp. Em muốn sau này có điều kiện giúp ba mẹ một phần trong cuộc sống, phần khác góp chút công sức nhỏ bé của mình giúp các thế hệ sau tiếp cận được với sự phát triển của các nước phát triển”.
Vậy ước mơ của em sau ngày hoàn thành chương trình tiến sĩ là gì?, tôi hỏi. Thủy cười rắn rỏi, trả lời: “Em sẽ về nước, làm giảng viên ở một trường ĐH nào đó. Ở môi trường này em vừa có thể truyền đạt kiến thức học được cho sinh viên vừa có thể làm nghiên cứu. Đây là ước mơ của em từ lúc còn cắp sách đến trường làng”.
Khi chia tay tôi, Thủy cất giọng: “Chỉ còn 1 tuần nữa là em lên đường sang Ý. Vậy là thêm một cái Tết nữa xa gia đình”. Đôi mắt em ánh lên niềm tin. Và tôi cũng tin, chân trời mới đang rộng mở trước mắt cô học trò trường làng giàu ước mơ và bền lòng cho khát vọng vươn lên!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)