Tôi tình cờ xem được một bức tranh sơn dầu trên vải rất đặc sắc có tên là “Ước mơ được đi học”, do họa sĩ người Nga Nikolai Petrovich Bogdanov-Belsky vẽ.
Belsky (1868-1945) là họa sĩ được biết đến với các bức tranh về cảnh đời thường và các chủ đề xã hội, thường sử dụng phong cách hiện thực và biểu đạt tình cảm một cách tinh tế. Ông được coi là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của Nga và Liên Xô vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bức tranh vẽ một cậu bé mặc quần áo vá nhiều lớp, mang gậy, bị, tay nải sờn cũ, ngả mũ, tựa người vào cửa lớp và ngoái đầu nhìn sâu vào một lớp đang học. Người xem không thấy khuôn mặt, ánh mắt của cậu bé nhưng nhìn dáng người như đổ vào lớp, ta hình dung cậu đang rất khao khát, ham muốn được học như các bạn nhỏ kia. Bức tranh chắc làm nhiều người đứng tuổi nhớ lại hình ảnh trên dưới 40 năm trước, khi các trường học ở nông thôn còn tuềnh toàng thì cũng có không ít đứa trẻ đứng ngoài cửa hoặc cạnh cửa sổ để ngóng vào trong lớp học với lòng hăm hở muốn được nghe giảng, muốn được học…
Tôi cũng tình cờ xem được một bức tranh khác, có tên là “Mặc đồ trước khi đi học” của họa sĩ người Anh Henry George Todd (1847-1898). Bức tranh vẽ khung cảnh trước sân nhà, một người mẹ trẻ đang cẩn thận cài lại áo cho đứa con trai đang chuẩn bị đi học, sát đó ở đường làng có một cậu bé khác đang chờ bạn đi học… Hình ảnh người mẹ chăm chút quần áo cho con trước giờ đến trường hẳn cũng gợi cho chúng ta nhiều ký ức êm đềm, đẹp đẽ về người mẹ, người cha đã từng săn sóc việc học của chúng ta thuở bé, hay chính chúng ta đã và đang chăm lo cho việc học của con em mình. Nên nét vẽ của người họa sĩ thể hiện khuôn mặt vui tươi, tự nhiên ở đứa trẻ như có cảm nhận một cách thường xuyên, tức là lặp lại hằng ngày.
Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi và trả lời theo trải nghiệm, điều kiện của mình: Các đứa trẻ có mong muốn được đi học không? Dĩ nhiên, sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau nhưng hẳn sẽ gặp nhau ở mấy điểm chính: Một số đứa trẻ khao khát, mong mỏi được đi học; một số đứa trẻ khác thấy rằng đi học là một áp lực nên cảm thấy việc học uể oải, mệt mỏi; một số đứa trẻ khác thấy không muốn đi học. Về nguyên nhân, hẳn sẽ có nhiều cách lý giải khác nhau. Xin nói trước về 2 trường hợp sau. Trên thực tế, có không ít trẻ không thấy vui vẻ, hào hứng với việc học. Có thể vì việc học khó khăn, việc đi lại tốn sức, năng lực bản thân khó theo kịp nội dung học, xung quanh có nhiều điều vui khiến việc học trở nên chán nản… Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là trẻ thiếu sự động viên, khích lệ, giúp đỡ của cha mẹ. Một đứa trẻ mỗi khi đến lớp được “nhắc” đến tiền trường, tiền mua sách, các loại đóng góp mà về xin mãi cha mẹ chưa cho, chưa đóng thì hẳn không còn hào hứng để học. Một đứa trẻ mỗi khi về nhà làm bài tập muốn hỏi gì thì cha mẹ quát: “Tự mà học, không thì mai lên lớp hỏi thầy cô. Cha mẹ không có thì giờ”, hẳn cũng chẳng còn phấn chấn để học. Một đứa trẻ về kể rằng mình đi học có bạn chặn đường hăm dọa mà cha mẹ thờ ơ thì hẳn đứa trẻ sẽ hoang mang và không còn lòng dạ nào để đi học… Tức là, trước khi xem xét đến các yếu tố ở trường học hoặc liên quan thì phải tìm hiểu xem trẻ có được gia đình quan tâm, tạo điều kiện để đi học và học tốt hay không.
Trường hợp còn lại, thực sự có những đứa trẻ không muốn đi học. Trong khi nhu cầu tìm hiểu, học hỏi rất tự nhiên và có ở tất cả mọi người thì những sức “ì” về thói quen ngủ nướng, ham chơi, không muốn bị ràng buộc vào khuôn khổ, ít chịu đựng được các áp lực, quá túng quẫn về kinh tế… có thể là những nguyên nhân chính khiến trẻ không còn tha thiết việc học mà muốn nghỉ để được tự do hoặc đi làm kiếm tiền giúp gia đình. Và cũng như trường hợp ở trên, nguyên nhân chính ở đây cũng đến từ gia đình; đó là việc xem nhẹ ý nghĩa, vai trò của việc học, không nhìn thấy nhu cầu phát triển của trẻ từ việc đi học, không tạo điều kiện để cho con em đến trường hoặc vì hoàn cảnh ngặt nghèo không thể cho con em đi học. Như vậy, không phải tất cả trẻ đều muốn đi học; những trẻ không muốn đi phần lớn có lý do từ gia đình, do đó, các bậc làm cha mẹ phải thực sự chú ý điều này và phải xác định rõ rằng, đi học là vì tương lai, vì sự phát triển của trẻ, đừng xem đó là gánh nặng nhưng cũng đừng tạo áp lực cho trẻ.
Còn với trường hợp đầu tiên, chắc trong đời chúng ta đã nghe đâu đó, đọc đâu đó về những khao khát được học của trẻ nhỏ. Chuyện người xưa dùng đom đóm, ánh trăng để học hoặc viết chữ trên đất, trên lá chuối, trên mình trâu…, hay ngày nay một số người dùng đèn đường để học, xin sách giáo khoa cũ, tập vở cũ, xin học dự thính… cũng không phải hiếm. Một phần từ bản năng, một phần từ nhận thức sẽ tác động đến nhu cầu đi học của trẻ, biến điều đó thành khao khát được học, được nâng cao hiểu biết, được vươn tới những chân trời mới về kiến thức, về nghề nghiệp, về địa vị… Tất cả đều rất chính đáng và cần được nuôi dưỡng, phát triển, tạo điều kiện để trở thành hiện thực.
Ở nước ta hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được đến trường; nếu lý do nào đó chưa được học các lớp phổ thông thì cũng được tổ chức học các lớp phổ cập, giáo dục thường xuyên… Trong đó, việc vận động trẻ ra lớp ở các lớp đầu cấp (nhất là lớp 1 và lớp 6) được thực hiện khá bài bản, chặt chẽ và hiệu quả. Học sinh tiểu học được miễn học phí trên phạm vi cả nước; học sinh THCS ở nhiều nơi đã được miễn học phí. Các chính sách miễn, giảm học phí khác (kể cả bậc ĐH) cũng được thực hiện rộng rãi. Trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, ở các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… còn có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực khác. Hay tại TP.HCM, các lớp phổ cập, lớp tình thương được tổ chức ở nhiều nơi, trong đó có nhiều lớp do các tổ chức, cá nhân thiện nguyện thực hiện. Năm học 2021-2022, TP.HCM có 22/22 quận/huyện, TP.Thủ Đức đã hoàn thành đạt chuẩn xóa mù chữ quốc gia ở mức độ 2 (100%), hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở cấp độ 2 theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP.
Trên thực tế, nhận thức của hầu hết các bậc cha mẹ đối với việc học của con em hiện nay là khá tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một trạng thái chưa hay là có một số người cho con học quá nhiều, dẫn đến gây áp lực cho trẻ, làm trẻ trở nên ngán ngại, thậm chí sợ đi học, chứ không còn mong ước đi học. Điều này có lý do xã hội chứ không hoàn toàn từ gia đình, đó là chương trình giáo dục còn nặng nề, có tâm lý “chạy đua” việc học cho con để “bằng con nhà người ta”, hiện tượng sính bằng cấp, chứng chỉ trong không ít người. Những điều này cần được khắc phục để trẻ đi học thực sự là niềm hạnh phúc, là có ý nghĩa.
Trúc Giang
Bình luận (0)