Sáng 13/11, tại Hà Nội 37 giáo viên tiêu biểu đang dạy học tại các xã đảo, huyện đảo đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Thầy cô đã kể nhiều câu chuyện xúc động trong những năm bám đảo và ước mơ của học trò vùng xa.
Mong có điện và internet
29 năm dạy học trên đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cô Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ, ngày đầu tiên cô khấp khởi bước chân ra đảo ấy là năm 1987. Khi đó, phương tiện đi lại khó khăn, điện nước thiếu thốn đủ bề, ngư dân thưa thớt và chỉ muốn cho con theo hỗ trợ chài lưới. Các giáo viên như cô đi vận động học sinh đến trường đã vất vả nhưng gian nan hơn chính là chặng đường đến trường. Ngoài dạy học ở điểm trường chính, cô phải đảm nhận cả việc đứng lớp ở điểm trường lẻ cách nơi cô ở chừng 3-4 giờ vượt núi, đi bộ. Lắm hôm, kết thúc buổi dạy trở về thì cô bị lạc đường do trời tối. Nhưng nhờ sự kiên trì, thương yêu trẻ nên cô đã bám trụ đến ngày hôm nay.
Cô Thủy cho biết, so với trước đây, Trường tiểu học Lại Sơn, nơi cô dạy học đã được xây dựng khang trang. Tuy nhiên, so với đất liền học sinh nơi đây vẫn còn nhiều thiệt thòi khi chưa được tiếp cận khoa học, công nghệ trong học tập. Cô Thủy mong muốn, ngành giáo dục đầu tư thêm phòng học ngoại ngữ, máy chiếu, máy tính để các em được thỏa mãn giấc mơ học tập.
Thầy Kiều cũng chia sẻ thực tế, trên đảo Kiên Lương tỉnh Kiên Giang hiện mới chỉ có trường mầm non, tiểu học, THCS do đó nhiều em dù học giỏi nhưng mới chỉ học hết lớp 9 đã phải ở nhà vì gia đình không có tiền cho con vào đất liền trọ học THPT. |
Thầy Lê Xuân Quyết, giáo viên Trường tiểu học Song Tử Tây, Trường Sa (Khánh Hòa), người xung phong tình nguyện ra đảo dạy học chia sẻ nhiều câu chuyện về sự khó khăn và mơ ước giản dị của học sinh trên đảo đầy cảm động. Thầy kể, có tuổi trẻ, yêu biển đảo, yêu nghề nên sau khi ra trường thầy tình nguyện ra đảo nhưng trước khi đi thầy không hình dung được những khó khăn gặp phải. Khi mới ra, thầy dạy tiểu học nhưng được phân kiêm nhiệm cả học sinh mẫu giáo. Các em học trong mái nhà lợp tôn, trời nắng, dù đã 3 giờ chiều nhưng em nào cũng mồ hôi nhễ nhại từ đầu tóc, mặt mũi.
Hay như chuyện giấc mơ của học sinh Nguyễn Hà Bảo Châu, trong giấc mơ thấy mình lạc vào một tiệm bánh mì, mua được một ổ bánh mì nóng giòn, thơm nức mũi. Em đang định đưa bánh vào miệng cắn một miếng thì bất ngờ bị mẹ gọi dậy đi học. Em đã giãy nảy lên với mẹ vì ăn hụt mất miếng bánh mì trong giấc mơ. Với học sinh là thế, đời sống giáo viên cũng khó khăn vô cùng. Thầy Quyết nói, dạy học cả ngày nhưng giáo viên vẫn phải dành thời gian trồng rau, bắt cá để tự lo đời sống. “Thiếu điện, nhiều đêm thầy phải ôm tập bài ra dưới bóng đèn đường hoặc tự thắp nến để xem”, thầy nói. Điều mong muốn lớn nhất của thầy Quyết là làm sao ở đảo cả thầy và trò được tiếp cận công nghệ thông tin để tìm tài liệu, cập nhật phương pháp dạy học.
Thầy Đoàn Văn Kiều, giáo viên Trường phổ thông cơ sở Sơn Hải, huyện Kiên Lương (Phú Quốc) kiến nghị ngành giáo dục có chính sách hỗ trợ để nâng cao đời sống của giáo viên “cắm đảo”. Bởi hiện nay, giáo viên công tác tại hải đảo như thầy ngoài bậc lương như đồng nghiệp mới chỉ hỗ trợ thêm được chút tiền không đủ trang trải cho việc đi lại và chi phí trên đảo.
Cùng hướng về thầy trò đảo xa
Sau khi lắng nghe tâm tư, chia sẻ của thầy cô, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đó là những câu chuyện xúc động. Xúc động hơn là thầy cô ít đề cập đến mong muốn, lợi ích của bản thân mà chỉ kiến nghị cho học sinh của mình. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách cụ thể quan tâm đến giáo dục cũng như thầy trò trên đảo nhưng so với thực tế vẫn còn khó khăn. Khó khăn lớn nhất là các đảo cách xa đất liền, các dịch vụ chưa được hỗ trợ tối đa.
Bộ trưởng nói: Vấn đề gốc rễ nhất hiện nay là làm sao để học sinh trên đảo phải được đến trường, học chữ. Chỉ có học hành đến nơi đến chốn các em mới thoát nghèo bền vững. Việc đầu tư cho học sinh trên đảo có cơ hội học tập, sau này trở về công tác tại chính các đảo sẽ mang lại lợi ích kép. Bộ trưởng cho biết, sau buổi gặp gỡ này sẽ trực tiếp làm việc với các địa phương có đảo, giám đốc các Sở giáo dục để có giải pháp đầu tư đồng bộ, nâng cao đời sống, chất lượng trường lớp để thầy trò trên đảo được dạy học tốt hơn.
Riêng với học sinh nghèo, học giỏi, từ đây Bộ có thể vận động để gây quỹ học bổng dành cho các em. Bộ trưởng cũng đề nghị các trường ĐH miễn học phí cho học sinh vùng biển đảo có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi. Và trên hết ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến của thầy cô, những người đang ngày đêm bám đảo, gieo chữ. Bộ trưởng cho biết, sẽ đề nghị Cục Nhà giáo làm việc với các sở để thống kê, rà soát lại các đối tượng, chế độ để có chính sách hỗ trợ cả về phương tiện dạy học lẫn nâng cao đời sống.
Nguyễn Hà (TPO)
Bình luận (0)