Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Ước mơ giảng đường của chàng trai “hạt điều”

Tạp Chí Giáo Dục

Đức Hậu ngồi lẫn trong nhóm người cặm cụi chẻ từng hạt điều. Tiếng máy chạy đều đặn nhấn chìm tiếng thở dài. Chỉ còn vài ngày nữa nhập học, nhưng dường như đường đến trường đối với Hậu quả là xa diệu vợi…

Sự kiện trọng đại của thôn nghèo

Tin Nguyễn Đức Hậu, học sinh xã Tân Hà (Đức Linh, Bình Thuận), đậu vào đại học như một sự kiện trọng đại ở một vùng quê nghèo hẻo lánh.

Con đường đất trở nên lầy lội sau những trận mưa dầm vẫn không thể cản bước chân bà con hàng xóm đến chung vui cùng gia đình Hậu. Có người sang chơi trên tay còn mang theo vài hộp sữa xem như quà mừng. Có người chặc lưỡi: “Thằng này giỏi, không hề học thêm một ngày nào đâu”.

Bà con trong xóm thương Hậu lắm. Cả thầy cô và bạn bè ở Trường TPHT Hùng Vương – nơi Hậu theo học suốt những năm trung học – cũng vậy. Nhìn Hậu hằng ngày đến lớp với chiếc áo trắng đã ngả màu, trên vai có một mảnh vá được chắp lại một cách khéo léo, ai cũng chạnh lòng. Ấy thế mà cậu học trò nghèo luôn đạt học lực loại giỏi suốt 12 năm qua. Hậu không có điều kiện để đi học thêm như bao bạn bè khác.

“Con chữ đối với em là món quà vô giá mà cha mẹ đã đổi lấy bằng mồ hôi, những vết chai sạn trên đôi tay khắc khổ. Bởi vậy, em luôn trân trọng từng ngày được đến lớp” – Hậu chia sẻ.

Và rồi cũng với chiếc áo ngả màu ấy Hậu vào Sài Gòn dự thi đại học. Không dám chọn cho mình một ngành học nào khác, Hậu chỉ chọn ngành triết vì một lý do đơn giản: được miễn học phí.

Ngày có kết quả, sử: 7,25, địa: 7,25 và ngữ văn: 5,75, tổng điểm là 20,5, cộng thêm 1,5 điểm khu vực Hậu vừa tròn 22 điểm. Niềm vui và hạnh phúc vỡ òa trong ngôi nhà nhỏ. Đâu ai ngờ rằng thằng bé Hậu ngồi chẻ điều từ sáng đến tối suốt những ngày ôn thi đại học mà cũng có thể đậu với số điểm cao như thế.

"Ở vùng quê nghèo này được vậy là hiếm lắm, quý lắm” – hàng xóm tấm tắc khen.

Cố nén tiếng thở dài

Chúng tôi tìm đến nhà Hậu. Ngôi nhà tình thương nhỏ, nép mình sau tán lá của những cây điều lâu năm. Bao quanh ngôi nhà là loại đất pha cát làm nóng hổi đôi chân người giữa trưa nắng gắt.

Bên hông nhà, năm sáu con người đang miệt mài với những hạt điều tươi. Tay và chân họ đong đưa theo nhịp đập đều đặn của cỗ máy. Nhìn những chiếc máy đã gỉ sét, đen sì và bốc lên thứ mùi hăng hắc khó chịu, người ta mới thấm được phần nào nỗi vất vả của công việc này.

Với ánh mắt buồn, hằng ngày Hậu miệt mài bên cỗ máy cùng những hạt điều tươi – Ảnh: Hồng Trâm

Mẹ Hậu nói: “Cháu nó đậu thì nhà tôi mừng lắm. Đối với người làm cha mẹ, niềm vui con mình đỗ đại học thật sự rất khó tả”. Dứt lời, người mẹ lại lặng lẽ thở dài, quay mặt giấu đi đôi mắt buồn…

Hậu là con trai thứ hai trong gia đình sáu anh chị em. Chị lớn của Hậu đang làm công nhân với đồng lương eo hẹp trong một xí nghiệp ở Sài Gòn. Thằng út mới vừa 8 tháng tuổi. Bố mẹ Hậu vì tai nạn lao động mà không thể làm việc nặng. Cả nhà bảy tám miệng ăn đều trông chờ vào số tiền 150.000 đồng kiếm được mỗi ngày từ hạt điều.

Ngày Hậu đi thi đại học, cha mẹ phải vay mượn của hàng xóm cộng với tiền tích cóp mới đủ. Trong suốt những ngày thi, cậu đã ở nhờ nhà mẹ một người bạn cùng lớp và ăn những suất cơm miễn phí mà các anh chị Tiếp sức mùa thi hỗ trợ. Đôi lúc sự tủi thân len vào tâm thức cậu học trò nghèo này…

Ít ngày nữa là vào nhập học, thế nhưng bây giờ gia đình Hậu vẫn chưa kiếm đủ tiền cho Hậu. Bố Hậu buồn rầu: “Đành là được miễn học phí nhưng còn tiền ăn, tiền trọ. Trong lúc thằng út lại đang bị bệnh, cả nhà phải tất tả chạy ngược chạy xuôi”.

Cánh cửa đại học đã mở nhưng không chắc Hậu có thể bước vào. Tương lai với cậu là thứ xa vời lắm khi nhà còn tới bốn đứa em đang tuổi ăn học. Thế nhưng, Hậu chưa bao giờ nguôi ước mơ được tiếp thu con chữ.

Ông Đinh Đình Chiến, hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, chia sẻ: “Suốt ba năm cấp III, nhà trường đã cố gắng tạo điều kiện cho Hậu bằng những suất học bổng. Giờ đây con đường vào đại học của em rất cần những tấm lòng hảo tâm để em có thể được đến giảng đường đại học thực hiện ước mơ”.

Ngày nhập học đã gần kề. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, hằng ngày người ta nghe thấy những tiếng “tách, tách” của hạt điều trở nên dồn dập, khẩn trương và hối hả hơn…

HỒNG TRÂM (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)