Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ước mơ nhỏ của chàng sinh viên nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Tân sinh viên Nguyễn Hoàng Vũ với ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo
“Quê em vẫn còn nhiều người khó khăn, ốm đau không có tiền vô bệnh viện điều trị. Vì vậy, dù đỗ thủ khoa trường sư phạm nhưng em chọn học trường y để sau này có điều kiện chữa bệnh cho họ…”. Đó là tâm sự của tân sinh viên Trường ĐH Y dược Huế – em Nguyễn Hoàng Vũ (quê ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Nghị lực vượt khó
Ngôi nhà cấp 4 khá tuềnh toàng và ẩm thấp của gia đình ông Nguyễn Văn Hường và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai ở quận Cẩm Lệ nằm khiêm tốn giữa những căn nhà khang trang. Từ 6 giờ sáng, trời nắng cũng như mưa, bà Mai đã tất bật tới một tiệm bánh mỳ để làm thuê, mãi đến tối mịt mới trở về nhà. Còn ông Hường bị mất sức lao động 35% do tai nạn đã gần chục năm nay nhưng vẫn phải làm công nhân ở Công ty Lương thực Đà Nẵng để phụ vợ kiếm thêm thu nhập.
Vũ là con thứ hai trong gia đình có ba chị em. Nhà chỉ có một chiếc xe đạp nên suốt những năm học THCS, Vũ nhường cho chị lớn, còn mình tranh thủ dậy thật sớm để ba tiện đường đi làm chở đi học luôn. Từ nhà tới trường cũng gần chục cây số, có hôm ba đi làm về muộn, không thể đi nhờ bạn, Vũ đành phải đợi. “Lên THPT, ba mẹ khuyên em nên học trường gần nhà nhưng em nhất quyết chọn Trường THPT Phan Chu Trinh. Em xin ba mua cho chiếc xe đạp cũ để mỗi ngày tự đi về, trung bình gần 20 cây số. Hôm nào có giờ học ngoại khóa hoặc các hoạt động ngoài giờ thì chặng đường ấy nhân đôi lên”, Vũ cho biết. Ngồi cạnh con, ông Hường bảo: “Cháu nó chịu khó lắm. Nhiều hôm về nhà cháu chỉ kịp ăn vài chén cơm rồi lại quay xe tới trường. Thương con nhưng cũng chỉ biết động viên thôi. Hai vợ chồng gắng lắm, vay mượn nhiều nơi mua được chiếc xe đạp điện thì phải nhường cho chị nó đi học CĐ”.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Vũ luôn nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập. Không có tiền đi học thêm, em tranh thủ thời gian lên lớp hỏi thầy, hỏi bạn. Về nhà em tranh thủ làm thêm bài tập nâng cao. Vũ bảo, em đọc được ở đâu đó rằng thiên tài thường chỉ có 1% khả năng thiên phú, còn lại đều do nỗ lực mà đạt được. Em lấy đó làm phương châm để cố gắng học tập. Kì thi ĐH vừa rồi dù rất thích ngành công an nhưng cuối cùng em lại chọn Trường ĐH Y dược Huế để thi. Vũ cho biết em chọn thi trường này một phần là do thích nhưng phần khác đó là ước mơ của ba ở thời trai trẻ. Ba từng học hết năm nhất ở trường này, nhưng do hoàn cảnh đành phải nghỉ học. Mặc dù tin đỗ thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có trước nhưng khi nghe mình đỗ vào ĐH Y dược Huế, Vũ sung sướng lắm, cuối cùng em cũng thực hiện được ước nguyện của ba. Dù học trường sư phạm đỡ tiền học phí và gần nhà nhưng em vẫn chọn trường y dược, trước mắt sẽ rất khó khăn vì khoản tiền học phí khá lớn, đó là chưa kể chi phí ăn ở xa nhà nhưng em sẽ cố gắng tiết kiệm chi tiêu và làm thêm việc gì đó để vượt qua khó khăn.
Ước mơ giúp người nghèo
Đối với Vũ, việc chọn trường theo học quả là một quyết định khó khăn. Ngày khăn gói lên đường ra Huế, chiếc ba lô nhỏ đựng vỏn vẹn chỉ vài bộ quần áo, kể cả đồng phục khi còn học THPT. Vũ tần ngần xem lại các khoản phí cần đóng trong giấy báo nhập học rồi cất vội vào đáy ba lô. Mẹ Vũ mở ví xếp lại những tờ tiền dành dụm bấy lâu bị nhăn góc đưa cho con rồi tất tả đến tiệm bánh vì sợ trễ giờ làm. Hơn 2 triệu đồng – khoản tiền lương bà chắt bóp lắm mới còn cho Vũ nhập học.
Ra tới cổng, Vũ nắm chặt tay bà nội, nói: “Con sẽ cố gắng học đàng hoàng, trở thành bác sĩ để trở về chữa bệnh cho nội và cho bà con”. Bà nội của Vũ năm nay đã ngoài 70 tuổi, là vợ liệt sĩ. Ngày nhỏ, Vũ từng nghe bà kể về cuộc sống thiếu thốn giữa những ngày chiến tranh bom đạn, phương tiện y tế hạn chế, rồi có cả những người gặp hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh đành nhắm mắt… nhờ trời. Trong giọng nói bà, Vũ không chỉ nhận thấy niềm thương cảm mà cả nỗi khát khao muốn cháu mình theo nghề y để giúp đỡ mọi người. Tâm niệm ấy đã có một thời ba Vũ từng bỏ lỡ nên bây giờ em càng quyết tâm hơn.
Hỏi về dự định của những ngày sắp tới, Vũ bộc bạch: “Con đường trước mắt còn quá dài. Em đã nộp đơn xin theo học diện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, nếu được đồng ý thì ba mẹ sẽ nhẹ gánh học phí cho em. Em tính lúc đó sẽ cố gắng hết sức để được tham gia lớp đào tạo bác sĩ chuyên sâu (thời gian 10 năm). Như vậy ngày trở về lại với quê, em sẽ có đủ kiến thức được đào tạo bài bản để chữa bệnh cho bà con. Dù mang tiếng là thành phố nhưng quê em vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm”.
Con đường phía trước vẫn còn quá dài để thử thách nghị lực của chàng thanh niên vừa chập chững vào đời. Nhưng chúng tôi tin rằng, với nỗ lực bền bỉ vượt khó của mình, em sẽ vượt qua và trở thành một công dân có ích cho xã hội, nâng đỡ được nhiều phận người nghèo khó mai sau.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Trước hôm Vũ nhập học, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh và lãnh đạo Sở GD-ĐT đã đến thăm hỏi, động viên. Vũ cảm động lắm, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, em thấy mình có thêm động lực và trách nhiệm để trở thành một công dân có ích. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)