Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Ước mơ nhỏ của một người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ (phải), trao thư khen của Chủ tịch nước và bằng khen của UBND TP cho thầy Lê Trung Sứng
Một trong 3 nhà giáo vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen vì có những đóng góp hiệu quả với tấm lòng trong sáng cho sự nghiệp giáo dục là thầy Lê Trung Sứng – giáo viên Trường Tiểu học Long Hòa 1 (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Nhiều năm qua, thầy Sứng đã dạy bơi miễn phí cho hơn 1.000 học sinh (HS) thuộc địa bàn Q.Bình Thủy…
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng tặng bằng khen cho thầy Sứng vì những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển TDTT của TP.
1. Một buổi chiều đầu tháng 12, gần 17 giờ, chúng tôi theo thầy Sứng và đội tuyển bơi lội của Trường Tiểu học Long Hòa 1 đến khu vực bờ kè trước chùa Long Quang (phường Long Hòa) để luyện tập. Sự xuất hiện của đội tuyển khiến khúc sông êm ả chiều quê như bừng tỉnh bởi tiếng cười đùa rộn rã, đầy sức trẻ của các em. Trước khi xuống sông, các em thực hiện màn khởi động trong 20 phút. Thầy Sứng nghiêm nghị kiểm soát từng động tác, uốn nắn những em khởi động không đúng. Thầy nói: “Việc khởi động rất quan trọng vì nó làm nóng cơ thể, giúp các em không bị chuột rút hoặc cảm lạnh khi xuống nước”.
Đội tuyển gồm 24 em, từ lớp 2 đến lớp 5. Em Thái Thị Băng Tâm (học lớp 5A2) đạt HCB môn bơi lội Hội khỏe Phù Đổng cấp TP, chia sẻ: “Trước đây xuống nước con sợ lắm. Từ lớp 2, con được thầy Sứng dạy bơi. Khi mới tập thầy cùng bơi và nâng con lên, hướng dẫn phương pháp bơi để không chìm… Rồi thầy dạy nhiều kỹ thuật bơi khác để con thi đấu. Con thích bơi lội và đạt các thành tích cao là nhờ công lao của thầy”.
Trong khi các em tập luyện, trên bờ thầy Sứng chạy theo quan sát, hướng dẫn, nhắc nhở… Từ xa, một chiếc sà lan chở cát đi tới, thầy vội kêu các em bơi vào bờ. Sà lan đi qua, các em lại vẫy vùng trên sóng nước. Thật vui tươi và hồn nhiên…
Dạy không lấy thù lao
Gần 20 năm qua, như con ong cần cù hút nhụy đem lại mật ngọt cho đời, thầy Sứng lặng lẽ dành thời gian chăm chút, dạy những HS muốn học bơi. Không lấy tiền thù lao, thầy còn vận động người quen hỗ trợ áo phao, nước uống cho các em. Một số phụ huynh ái ngại muốn bồi dưỡng thầy đều từ chối. Hỏi tại sao? Thầy chân tình: “Trước giờ chưa bao giờ tôi nghĩ dạy bơi cho HS để thu phí… Rồi còn tình nghĩa thầy trò, bạn bè, hàng xóm nữa. Với lại, dạy cho HS biết bơi, góp phần giúp các em bảo vệ tính mạng, không bị đuối nước thì tôi vui lắm”. Đó cũng là lý do vì sao thầy lại tận tụy “vác tù và hàng tổng” trong việc dạy bơi cho HS như thế.
2. Xuất thân trong một gia đình nông dân ngụ tại phường Long Tuyền, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Hậu Giang, thầy Sứng về giảng dạy tại Trường Tiểu học Long Hòa 3, Q.Bình Thủy. Đến năm 2009, thầy chuyển về Trường Tiểu học Long Hòa 1 và công tác từ đó đến nay…
Trước đây vùng quê Long Tuyền, Long Hòa rất nghèo khó, phần lớn HS đến trường bằng ghe xuồng, nếu đi bộ thì phải vượt qua những cây cầu khỉ cheo leo. Nhiều em bị té ngã, đến trường với quần áo lấm lem. Có em không còn cặp sách vì rớt xuống sông. Rồi mùa nước nổi, có những trẻ bị đuối nước… Thương các em, thầy Sứng quyết định dạy bơi cho HS từ lớp 2 trở lên. Thầy động viên: “Mình ở vùng sông nước, các con phải biết bơi để không bị đuối nước, vả lại còn tăng cường sức khỏe nữa”. Lúc đầu thầy chỉ hướng dẫn lý thuyết. Rồi thầy nhận ra: Nếu thiếu thực hành thì việc dạy bơi sẽ không hiệu quả. Sau nhiều đêm suy nghĩ thầy quyết định hướng dẫn các em thực hành bơi dưới sông. Thầy Sứng đem ý định này trình bày với Ban Giám hiệu. Tuy nhiên thầy Hiệu trưởng từ chối vì lo không đảm bảo an toàn cho HS. Thầy Sứng phải cam đoan: Nếu đóng cọc dưới sông để các em bám vào, kết hợp quây lưới chung quanh thì sẽ an toàn. Sau đó thầy bỏ tiền mua tre, tràm, lưới. Trước tấm chân tình đó, Ban Giám hiệu xiêu lòng, hỗ trợ thầy một phần kinh phí để mua vật dụng. Có “điểm thực hành”, thầy vận động phụ huynh ủng hộ mua can nhựa 10 lít làm phao cho các em.
Do trường không có hồ bơi nên nhiều phụ huynh không cho con tham gia vì sợ nguy hiểm, sợ nước sông ô nhiễm… Thầy kiên trì thuyết phục họ bằng hành động. Sau đó là hàng loạt thành quả: Tập luyện với thầy, HS đều bơi giỏi, an toàn. Nhiều em được chọn vào đội tuyển bơi lội HS TP, thi đấu đạt giải cao. “Tiếng lành đồn xa”, mục tiêu xóa mù bơi của thầy được nhiều phụ huynh ủng hộ.
Thầy Sứng yêu cầu phụ huynh cho con tập làm quen với nước nên sau khi được hướng dẫn lý thuyết, đến phần thực hành các em tiếp thu khá nhanh. Thầy Sứng hào hứng kể: “Phải chờ con nước lớn, nước sạch mới cho HS tập bơi. Trước tiên tôi dạy động tác tay, chân, kết hợp hít thở. Tôi làm mẫu cho các em tập theo. Phần thực hành, tôi cũng bơi làm mẫu, sau đó từng em xuống tập dưới sự hướng dẫn của tôi”. Khi HS biết bơi chập chững, mỗi tốp 4 em xuống nước, dưới sự giám sát của thầy và sự “kèm cặp” của 4 em trong đội tuyển bơi của trường. Thầy dặn các em: “Nếu bạn nào bị chuột rút thì đỡ bạn và la to để thầy ứng cứu”.

Thầy Lê Trung Sứng đang hướng dẫn HS bơi
Khi mới bắt đầu “sự nghiệp” dạy bơi, thầy Sứng dạy bằng những hiểu biết do người cha truyền dạy. Sau đó thầy lên mạng nghiên cứu tài liệu để học hỏi thêm các kỹ thuật bơi khác. Những khi đưa đội tuyển tham gia thi đấu các giải, thầy quan sát, học hỏi cách huấn luyện của các đội khác, và mượn giáo trình của giáo viên Trường Năng khiếu TDTT về nghiên cứu để việc bồi dưỡng đúng bài bản…
Hiện nay ngoài việc giảng dạy ở trường, thầy Sứng còn được Sở GD-ĐT và Sở VH-TT&DL TP.Cần Thơ mời tham gia đội ngũ huấn luyện viên đảm nhiệm việc tập huấn môn bơi lội cho giáo viên các trường trong TP.
3. Cô Trần Ngọc Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hòa 1, chia sẻ: “Trường có 16 lớp với 589 HS. Trước đây chỉ có khoảng 30% HS biết bơi. Nhờ thầy Sứng động viên, hướng dẫn, đến nay hơn 50% em biết bơi. Năm nào đội tuyển bơi lội của trường cũng mang về nhiều huy chương cao…”. Còn thầy Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thủy, tự hào: “Ngoài việc giúp nhiều HS trang bị kỹ năng để ứng phó với môi trường sống nơi vùng sông nước, thầy Sứng còn giúp đỡ, tạo điều kiện để những em yêu thích bơi đạt thành tích cao ở các cuộc thi quốc gia và quốc tế”.
…Chiều muộn, trước khi chia tay với nhà giáo đôn hậu này, chúng tôi hỏi: “Hơn 30 năm gắn bó với công tác giáo dục, ước mơ của thầy là gì?”. Thầy Sứng trả lời: “Cần Thơ đang triển khai chương trình xóa mù bơi với mục tiêu: Đến năm 2020 có 100% HS tiểu học và THCS biết bơi. Tôi mong ngành chức năng xây cho trường hoặc cho quận một hồ bơi. Vì nhiều phụ huynh không cho con xuống sông tập bơi, dù chúng tôi hết lời động viên. Có hồ bơi, chắc chắn họ sẽ đồng ý cho con tập luyện. Lúc đó tôi tin rằng Q.Bình Thủy sẽ đạt chỉ tiêu chương trình đề ra mà không phải đợi đến năm 2020”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
 
Phát hiện nhiều nhân tố xuất sắc
Bằng tấm lòng nhân hậu, thầy Sứng đã dạy hơn 1.000 HS vùng Long Hòa, Long Tuyền biết bơi, giúp các em tự tin khi đối đầu với con nước lớn hàng năm. Ngoài ra, thầy đã phát hiện nhiều nhân tố có năng khiếu bơi lội để đào tạo và giới thiệu các em với ngành chức năng, giúp các em đạt nhiều thành tích trên con đường thi đấu ở trong và ngoài nước như: Ngô Minh Nhanh (VĐV bơi lội một thời giữ 2 kỷ lục quốc gia), Nguyễn Văn Nhân (HCV giải trẻ Đông Nam Á) và “nữ hoàng” đường đua xanh hiện nay của Việt Nam – Nguyễn Thị Ánh Viên…   
 

Bình luận (0)