Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ước mơ rồng, phượng của học sinh Đài Loan

Tạp Chí Giáo Dục

 Chẳng còn mấy thời gian nữa mà kỳ thi tuyển sinh vào đại học ở Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu. Đối mặt với kỳ thi quan trọng và có tính quyết định tới tương lai này, cậu học sinh Huang Hsing-yao không còn lựa chọn nào khác là vùi đầu vào sách vở.
Học sinh đeo băng đỏ "Tiến lên" trong một trường luyện thi ở Đài Bắc. Ảnh: AFP-TTXVN
 Trong cuộc đời học sinh của mình, ngày nào cũng như ngày nào, Hsing-yao phải học không ngừng nghỉ và dành phần lớn thời gian trong các trường luyện thi ở Đài Bắc. Hsing-yao kể: "Lúc này, tôi hầu như không có thời gian rỗi. Toàn bộ thời gian đều dành cho việc học hành cả rồi".
Trong xã hội coi trọng giáo dục như Đài Loan, có hàng trăm nghìn học sinh khác như Hsing-yao. Khảo sát cho thấy cứ 10 học sinh trung học ở Đài Loan thì có tới 8 người phải học thêm sau giờ học với mục tiêu là vào được những trường đại học danh giá nhất, kiếm được những việc làm tốt nhất.
Với tâm lý đó, các bậc phụ huynh sẵn sàng trả hàng ngàn USD cho dịch vụ mà họ coi là một điều tất yếu, đó là dịch vụ luyện thi. Đến Đài Loan, người ta dễ dàng nhận thấy mở trường luyện thi là ngành kinh doanh lớn và phát đạt. Lôgô, biển quảng cáo của các trường luyện thi chen nhau mọc lên ở các khu trung tâm tại mọi thành phố của Đài Loan.
Ông Huang Hsien-chen, bố của Hsing-yao, tâm sự: "Là cha mẹ, tất cả chúng tôi đều muốn con cái trở thành rồng, phượng trong lĩnh vực học tập".
Trước đây, những người có bằng cấp cao thường vào làm cho cơ quan nhà nước nhưng hiện nay, phần lớn cơ hội việc làm đều ở lĩnh vực tư nhân. Dù thời thế thay đổi nhưng ông Hsien-chen và nhiều người khác vẫn có một niềm tin rằng giáo dục là con đường duy nhất đến tương lai.
Bà Chiang Shu-miao, Giám đốc Viện Giáo dục Yu Da, một trường luyện thi có 23 chi nhánh rải rác ở Đài Loan, nhận định, nhiều bậc cha mẹ làm nghề nông hoặc công nhân nên họ muốn con cái họ thành đạt hơn họ. Để thực hiện được ước mơ đó, họ muốn con họ được rèn luyện thêm trong các trường luyện thi ngoài giờ học chính.

Biển quảng cáo các trường luyện thi đua nhau vây kín tòa nhà.

 Một học sinh trung học Đài Loan thường phải đóng học phí khoảng 3.400 USD/năm tại các trường luyện thi. Số tiền này tương đương hai tháng lương của nhiều người dân Đài Loan.
Theo bà Chiang, trường luyện thi của bà không chỉ là một nơi học tập mà còn thực hiện chức năng xã hội, thực hiện "sứ mệnh tạo tương lai cho thế hệ trẻ" trong hoàn cảnh nhiều cha mẹ quá bận việc mà không thực sự dành thời gian dạy dỗ con cái.
Tuy trường luyện thi có tầm ảnh hưởng lớn đối trong xã hội Đài Loan nhưng các trường này cũng phải tìm cách cạnh tranh tồn tại. Nhiều trường thu hút học sinh bằng cách tuyển những giáo viên nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm, từng luyện cho nhiều học sinh đỗ đại học. Các trường cũng cố tạo ra một môi trường học tập tích cực, hăng hái. Như ở trường luyện thi của Hsing-yao, học sinh đều quấn một dải băng đỏ quanh đầu có khẩu hiệu "Tiến lên".
Không chỉ phụ huynh, học sinh phải chịu áp lực trong ngành giáo dục ở Đài Loan, bản thân giáo viên cũng phải căng mình ra. Nhiều giáo viên mở điện thoại di động 24 giờ/ngày để sẵn sàng trả lời câu hỏi của các bậc phụ huynh về chuyện học hành của con họ. Còn tại các trường luyện thi, nhiều giáo viên cũng không chịu được áp lực giảng dạy và phải từ bỏ. Ở Viện giáo dục Yu Da, rất nhiều người đến rồi lại đi trong một thời gian ngắn.
Trong một xã hội quay cuồng vì học tập như vậy, vẫn có những bậc phụ huynh có quan niệm thoáng hơn. Họ cho rằng con cái không phải là người máy lúc nào cũng chúi đầu vào quyển sách hàng giờ hàng ngày. Không phải lúc nào họ cũng bắt con cái chỉ biết mỗi việc học. Bố của Hsing-yao cho biết, ông vẫn cho cậu con trai tiền tiêu vặt, để cậu tham gia các hoạt động khác như chơi ghita hay thể thao. Nhưng dù vậy, mong muốn trở thành rồng, phượng và áp lực học hành khiến Hsing-yao khó có thể tạm quên hoàn toàn việc học mà thoải mái thư giãn, nghỉ ngơi.
Theo Thùy Dương
(Tintuc)

Bình luận (0)