Phạm Văn Minh (sinh năm 1985) lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhà có ba anh em trai, Minh là con đầu. Nhưng không may, vừa sinh ra Minh đã bị tật, với đôi chân teo nhỏ, suốt hơn 20 năm qua anh không đi lại được. Hiện gia đình Minh đang sống tại thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Minh là con nhà nông nghèo. Bố Minh bị bệnh nặng đã mất từ lâu. Mẹ là thương binh mất sức lao động, song phải sớm chiều gồng gánh nuôi các con ăn học. Những năm Minh và các em còn nhỏ, mẹ anh vừa làm đồng lại phải vừa nuôi con bệnh tật nên vô cùng vất vả. Mãi đến những năm gần đây các con đã lớn, bà đỡ nhọc nhằn phần nào nhưng lại phải tiếp tục một khó khăn mới: nuôi hai con ăn học ở TP.HCM.
Được nhiều bạn bè giúp đỡ
Minh kể: “Lúc nhỏ thấy bạn bè đi học, em rất thích nhưng đôi chân hoàn toàn không đi được, em đòi mẹ phải chở đi…”. Một hành trình khó khăn đang chờ cậu. Cho dù trời nắng hay mưa, sáng trưa nào mẹ cũng đèo Minh trên chiếc xe đạp cà tàng đến trường và trở về. Hành trình những năm gian khó đầy mưa nắng đó được đền đáp bằng những tờ giấy khen và nhiều phần thưởng của nhà trường mà Minh mang về cho mẹ vào cuối năm học.
Đây cũng là nguồn động viên giúp hai mẹ con vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Khi Minh lên học cấp II, thay vào vị trí của mẹ là các bạn học cùng lớp, cùng trường tình nguyện đưa Minh đến trường. Sang cấp III, với đôi tay chắc khỏe và ý chí tự lực của chính mình, Minh tự lăn xe tay đi học. Có những năm học ở dãy nhà tầng, không lên cầu thang được, bạn bè và có lúc cả thầy cô thay nhau cõng Minh lên lầu. Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện đã qua, Minh cười và bảo: “12 năm trôi qua nhanh thật!”.
Vượt qua tật nguyền
Hè năm học lớp 7, có người ở quê giới thiệu Minh vào TP.HCM bán vé số. Thấy mẹ khổ nên Minh cũng liều thử xem sao. Mang cả người và xe lăn vào phương Nam, rong ruổi khắp các đường phố, vui buồn lạ lẫm và khó khăn đủ điều nhưng hết ba tháng hè Minh tích góp mang về cho mẹ được vài triệu đồng. Cứ thế, hai năm còn lại ở cấp II, hè nào Minh cũng ở TP.HCM…
Năm học 2003-2004, Minh tốt nghiệp THPT. Tạm biệt thầy cô và Trường Lê Thành Phương (Tuy An, Phú Yên), anh khăn gói đi thi đại học. Ngày nhận giấy báo nhập học, niềm vui nhân đôi nhưng nỗi lo cũng trĩu nặng vì phải xa nhà và tự lực. Bốn năm với nguồn trợ cấp ít ỏi (100.000 đồng/tháng) cộng với khoản tiền mẹ gửi, anh phải làm thêm nhiều việc… Bốn năm trôi qua, lặn lội nơi thành phố với bao khó khăn song Minh vẫn giàu niềm tin và hi vọng. Anh có những người bạn đồng hương, bạn học rất thân từ nhỏ, sẵn sàng giúp đỡ anh mọi lúc mọi nơi.
Ngoài việc học, Minh là một người hết sức vui vẻ, năng động trong cuộc sống. Trong xóm trọ học ở Thủ Đức ai cũng biết đến anh, nhất là những mùa tuyển sinh đại học, anh là tình nguyện viên đưa đón những sĩ tử lần đầu vào thành phố.
Hiện nay Minh là sinh viên năm thứ năm khoa công nghệ thông tin Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM. Bước vào học kỳ cuối cùng của khóa học, Minh thấy mình đã cố gắng rất nhiều song còn thua thiệt so với bạn bè nhiều thứ, nhất là chuyện học hành. Năm cuối các bạn cùng lớp thi nhau xin về các công ty thực tập còn Minh thì không. Ngoài thời gian thực tập tại trường, Minh không thể đến các nơi khác bởi vì một mình không thể lên cầu thang cao ở các công ty được, đành phải ở nhà tự học.
Minh đang chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp, biết rằng những khó khăn còn rất nhiều nhưng anh sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc. Một điều lo nhất đối với anh lúc này là đến khi ra trường không biết hành trình tìm việc của anh rồi sẽ ra sao. Tôi hỏi đến điều này, Minh tâm sự: “Ra trường em sẽ về Phú Yên xin việc, nếu khó khăn lắm thì vào lại TP.HCM, vừa làm việc vừa phụ mẹ nuôi đứa em út đang học trong này…”.
Ngồi đối diện với Minh, nghe những lời này thú thật tôi vừa cảm phục lại vừa thương cho hoàn cảnh của Minh vô cùng. Thầy cô và bạn bè của Minh ai cũng mong có những mạnh thường quân hỗ trợ anh về mặt vật chất lẫn tinh thần để anh tốt nghiệp đại học và tìm được một việc làm ổn định nuôi thân như bao người bình thường khác. Lúc này, Minh cũng rất muốn nhận được lời động viên, chỉ bảo chân thành của mọi người. Xin gửi thư về email: vanminh1676@yahoo.com.
Bình luận (0)