Năm học 2023-2024 này là một năm học đặc biệt. Đây là năm học cuối cùng giảng dạy song song hai chương trình, đó là chương trình hiện hành 2006 và chương trình phổ thông 2018.
Mong ước của học sinh lớp 12 là cần sớm được tư vấn, có những thông tin về thi cử, học hành (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Đến hẹn lại lên, năm nay chúng tôi tiếp tục thực hiện khảo sát với đối tượng học sinh mà chúng tôi trực tiếp giảng dạy ở một số trường, học sinh lớp mình chủ nhiệm và giáo viên nhiều trường. Các khảo sát của chúng tôi chủ yếu xoay quanh những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng và mong ước của học sinh và giáo viên về giáo dục, trường lớp, học hành, thi cử… Đối tượng khảo sát là học sinh và giáo viên THPT. Trong đó đáng chú ý là học sinh lớp 10 vừa mới chuyển cấp và học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình cũ ở phía trước. Với một năm học có nhiều bước chuyển tiếp về sự đổi mới này, kết quả khảo sát của chúng tôi gợi ra nhiều điều đáng suy nghĩ.
Giáo viên mong ước được cải thiện đời sống
Thời gian qua đâu đó trong xã hội vẫn còn nhiều giáo viên như những “con sâu làm rầu nồi canh” cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, hầu hết thầy cô đều yêu nghề khi chấp nhận đi theo nghề dạy học. Họ rất chịu khó đổi mới phương pháp. Điều này thể hiện rất rõ qua các buổi tập huấn sách giáo khoa trong hè vừa qua. Có những buổi, chỉ tính riêng tại TP.HCM, có trên dưới 10.000 thầy cô tham dự. Điểm tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm không còn quá thấp như trước đây. Đặc biệt môn lịch sử của kỳ tuyển sinh năm nay trở thành hiện tượng “hot” với số điểm cao nhất của nhiều trường sư phạm. Tuy nhiên, bài toán về thiếu giáo viên vẫn chưa giải quyết được (theo thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên). Tình trạng giáo viên bỏ nghề còn nhiều (chỉ riêng khối công lập, trong năm 2023 có hơn 9.000 giáo viên bỏ việc). Song vẫn không làm suy suyển lòng tin và tình cảm yêu mới của học sinh về nhà giáo, về trường lớp của giáo viên. Đáng quan tâm nhất là đời sống, công việc và thu nhập của giáo viên mầm non. Trong cuộc gặp gỡ mới đây giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn với giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, đa số các ý kiến của giáo viên trăn trở là từ đối tượng này. Lãnh đạo ngành giáo dục đã “lắng nghe, thấu hiểu” và hứa sẽ có cách cải thiện, tháo gỡ khó khăn cho giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên cả nước nói chung. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Việc dạy học môn tích hợp ở bậc THCS tỏ ra bất hợp lý, khi có rất nhiều ý kiến bất thuận từ giáo viên cả nước. Song đến hiện tại, lãnh đạo ngành giáo dục vẫn chưa có câu trả lời giải pháp cho câu hỏi này. Đây thực sự là vấn đề băn khoăn chính đáng từ phía giáo viên.
Học sinh mong muốn giảm tải chương trình, tăng cường tiết học thực hành, hoạt động ngoại khóa
Điều đầu tiên đem đến niềm vui nho nhỏ đầu năm học cho chúng tôi là, dưới cái nhìn của học sinh, nghề dạy học là một nghề rất cao quý, có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Hầu hết các em đều rất yêu mến và kính trọng thầy cô, mặc dù rất ít em có ý định chọn nghề dạy học. Đa số học sinh đã thừa nhận sự nỗ lực về đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy cô, để đem đến niềm hứng thú trong việc học. Nhưng do áp lực về thành tích, điểm số vẫn còn, nên nhiều giáo viên vẫn chưa chịu đổi mới phương pháp, còn truyền thụ một chiều. Đây là một thực tế mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn phê bình với giáo viên trong cuộc gặp gỡ trực tuyến vừa qua. Vì vậy, ước mong của học sinh là thầy cô và ngành giáo dục cần thay đổi nhiều hơn nữa về phương pháp, giảm bớt cách dạy nhồi nhét kiến thức nặng nề, tăng cường rèn luyện kỹ năng, thực hành cho các em theo tinh thần đổi mới của chương trình 2018. Một học sinh lớp 12 mong ước: “Em mong sao giáo viên có những bài giảng thú vị, có những trò chơi nhỏ từ kiến thức bài học để tiết học bớt nhàm chán”. Trong khi đó, một học sinh lớp 12 khác thì cho rằng: “Cần xóa bớt khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, đem đến bầu không khí thân thiết, nhằm tăng hiệu quả tương tác về phương pháp”. Cũng như thế, một học sinh lớp 12 mong muốn: “Em muốn một năm học lớp 12 với những kỷ niệm đẹp, những hoạt động trường lớp vui vẻ và năng động, giáo viên và học sinh không còn khoảng cách và tự do bày tỏ cảm xúc của nhau…”.
Môn lịch sử của kỳ tuyển sinh năm nay trở thành hiện tượng với số điểm cao nhất ở nhiều trường sư phạm (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Đa số học sinh đều cho rằng áp lực việc học hiện nay là rất lớn, học sinh phải học quá nhiều môn, với lịch học dày đặc trong một ngày. Trong đó nguyên do phải kể đến đầu tiên là áp lực từ điểm số, từ thi cử. Cùng với đó là sức ép từ sự mong muốn của cha mẹ học sinh là muốn con mình phải thế này thế khác, hơn bạn bè. Vì vậy việc học hiện nay là quá căng thẳng, gây ra mệt mỏi, quá sức cho các em. Cho nên mong muốn của các em là giảm tải chương trình, được nghỉ ngơi, được tăng cường những tiết học thực hành, những hoạt động ngoại khóa, hoạt động dã ngoại. Một học sinh lớp 10 viết: “Mong ước của em là giảm bớt chương trình học, giảm bớt những môn học lý thuyết, những môn học không cần thiết. Thay vào đó là nên tăng cường những tiết học kỹ năng, các hoạt động thể thao, nghệ thuật…”. Nhiều học sinh lớp 10 tỏ ra lo lắng khi vừa vượt qua kỳ thi tuyển sinh khá căng thẳng, bây giờ lại tiếp tục lo cho kỳ thi THPT quốc gia của lộ trình 3 năm trước mắt, vì việc thi cử sẽ như thế nào.
Đa số học sinh THPT băn khoăn không biết phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ ra sao? Cấu trúc đề thi sẽ thế nào? Giới hạn kiến thức ra sao? Vì thế nhiều em mong muốn sớm được biết phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025. Ngoài ra, các em cũng mong muốn có được sự ổn định về thi cử, tránh những xáo trộn gây bất ngờ và hoang mang cho học sinh. Trong đó vai trò tư vấn tuyển sinh là rất quan trọng. Nhất là trong bối cảnh có nhiều nguồn thông tin thiếu chính thống như hiện nay. Vì vậy, mong ước của học sinh lớp 12 là cần sớm được tư vấn, sớm có những thông tin về thi cử, học hành.
Bạo lực học đường luôn là nỗi ám ảnh của học sinh. Theo học, học sinh mong muốn nhà trường tổ chức nhiều hơn các hoạt động phong trào văn thể mỹ, để thu hút các em tham gia. Tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường để định hướng tư tưởng, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu từ các trang mạng xã hội.
Một năm học nữa lại đến, cùng với những niềm vui đến trường là những ưu tư, những nỗi lo. Là giáo viên, chúng tôi hy vọng những mong ước nho nhỏ trên của học sinh và giáo viên sẽ trở thành hiện thực!
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)