Hội nhậpGiáo dục phát triển

Ươm mầm ở Trường Mầm non Hạnh Phúc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tập thể sư phạm nhà trường

Chúng tôi đến Trường Mầm Non Tư thục Hạnh Phúc (P.Linh Trung, Q. Thủ Đức) vào những ngày cuối năm. Trước cổng trường các cô giáo hân hoan đón trẻ, trong sân trường những đứa trẻ lẫm chẫm bước đi, có đứa chạy nhảy chơi đùa, tiếng nói ngọng nghịu làm cho sân trường nhộn nhịp hẳn lên. Chúng tôi đã có một ngày cùng ăn, cùng ở với các cô, các bé để cảm nhận và chia sẻ với cán bộ, giáo viên, công nhân viên – những người đã “trao duyên” cho nghề nuôi dạy trẻ…
Một ngày như mọi ngày
Trường MN tư thục Hạnh Phúc bắt đầu làm việc cho một ngày mới từ 5h30. Những người đến sớm nhất là các cô cấp dưỡng. Các cô đến sớm để chuẩn bị cho buổi ăn sáng, 6h50 là các món ăn đã nấu chín và đến 7 giờ được đưa tới từng lớp để phục vụ cho 465 bé đang theo học tại trường. Lo cho bữa ăn sáng vừa xong, các cô cấp dưỡng quay sang việc nhận thực phẩm và bắt đầu chế biến cho bữa trưa.
6h30 bé Duy Phúc, Xuân Mai, Phương Trinh… được mẹ đưa đến trường sớm, trên gương mặt các bé vẫn còn ngái ngủ. Mẹ bé Duy Phúc là chị Phạm Hồng Gấm, tranh thủ hôn con rồi quay đi vội vã. Còn bé Xuân Mai, lớp Nhà trẻ 2 đến lớp với những phần thuốc ho gửi cô giáo. Cô Lưu Thị Phương Lan, phụ trách lớp vừa đón các cháu vừa cẩn thận ghi tên vào sổ, giọng lo lắng: “Đang vào mùa lạnh về đêm, nên thỉnh thoảng cũng có cháu phải uống thuốc vì bị ho nhẹ, sổ mũi…”. Theo cô Lan, cô cho các bé uống thuốc, cháu không khóc nhè như với ba mẹ. Trong sân trường các bài tập thể dục buổi sáng với các bài hát “Vui đến trường”, hay bài “Chào buổi sáng” có vẻ như làm bọn trẻ thích thú. Một số bé mới đến tuột khỏi vòng tay mẹ là sà vào sân trường để hòa trong không khí vui nhộn. Trên hành lang của một số lớp học nhiều bé cũng đang nhún nhảy theo điệu nhạc.
9h20, trong lớp Lá, bé Tuấn Anh đang làm bác sĩ khám cho bé Duy Thanh, còn bé Bảo Thi đứng ngoài lấy giấy viết theo chỉ dẫn của bác sĩ. Xung quanh các bệnh nhân “nhí” đứng xếp hàng chờ khám. Bé Trúc Linh hồn nhiên nói: “Bạn không khám cho mình, mai mình được làm bác sĩ sẽ không khám cho bạn”. Lời trách bạn của trẻ thơ khiến cho cô giáo bật cười. Đây là giờ học “bé tập làm bác sĩ”. Còn bên phòng đối diện, một mô hình khu đô thị được các bé trưng bày rất bắt mắt. Đó là một khu phố sầm uất với nhà cao tầng, đường sá, nhà xe, công viên, trường học được thiết kế rất tỉ mỉ từ những món đồ chơi trong nhà của các bé. Nhóm của Thanh Hằng thiết kế đường đi, biển báo giao thông; nhóm của Trà My lắp ráp nhà. Nhiều bé khác cũng tỏ vẻ hài lòng với những gì mình làm; ở gốc đối diện bé Thanh Hùng giận dỗi bỏ ra ngoài không chơi với các bạn nữa. “Các bạn đi cứ lấn qua đường của con, cô giáo bảo như vậy là không đúng”, bé Hùng giãi bày.
Sau giờ chơi góc, các cháu được ra sân chơi hoạt động ngoài trời, sân trường lại rộn lên tiếng cười đùa vui vẻ của các cháu.
Cô giáo như mẹ hiền

10h, các lớp Nhà trẻ bắt đầu bữa ăn trưa với thực đơn chính là cá thu sốt cà, canh bí… Hôm nay cũng là ngày các phụ huynh đến tham quan giờ ăn, tìm hiểu về chế độ ăn của các cháu cũng như được dịp “thị sát” về tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà trường. Chị Bùi Thị Hồng Nhung, có hai bé học ở đây cho biết: “Chất lượng nuôi dạy ở nhà trường rất đảm bảo, từ chế độ dinh dưỡng đến chế độ chăm sóc làm cho chúng tôi rất hài lòng. Vì thế, dù nhà tôi ở bên phường Tăng Nhơn Phú (Q.9) nhưng tôi vẫn mang hai cháu đến đây để cho nhà trường nuôi dạy”. Còn chị Đỗ Thanh Hương đứng ngoài cửa lớp nhìn vào, thấy tôi hỏi, chị Hương khẳng định: “Qua 3 năm gửi cháu, đến giờ này không những tôi mà nhiều phụ huynh khác đều khẳng định chất lượng nuôi dưỡng của nhà trường đạt chất lượng tốt, điều này khiến chúng tôi rất yên tâm. Các cháu mẫu giáo ăn giỏi, ăn nhiều hơn ở nhà”.
Trong lúc ăn, nhiều bé nhõng nhẽo hay biếng ăn, khiến các cô phải vỗ về các bé mới chịu ăn. Bé Thảo My, mới “nhập hộ khẩu” vào trường được hơn một tháng thì tỏ ra rất lười ăn. Cô Kim Hoa phải đút cho bé từng muỗng cháo, sau một lúc bé cũng ăn hết được một chén. Sau khi ăn song, các cô giáo lau sạch căn phòng vốn là phòng học, đặt giường, thay đồ cho các cháu chuẩn bị giờ ngủ. Tất cả giờ đây trở nên yên ắng. Những khuôn mặt trẻ thơ, với những đôi má phúng phính, những cánh mũi phập phồng hơi thở thơm tho, bọn trẻ đã đi vào giấc ngủ.
Giữa trưa nắng, căn phòng vẫn mát dịu nhờ những tấm rèm mỏng che trước các dãy phòng và mảng cây xanh trong sân trường.
Theo cô Út, người có thâm niên hơn 20 năm nuôi dạy trẻ thì: “Làm nghề này nếu không có niềm đam mê, yêu trẻ thì chắc phải chuyển nghề khác. Phần lớn các cô giáo ở đây với mức thu nhập khá cao, đảm bảo đời sống nhưng hơn hết vẫn là vì tình thương yêu trẻ”.
Buổi chiều, sau buổi ăn xế, là tiết học “Khám phá môi trường xung quanh” của lớp Chồi. Trên bảng, những hình ảnh về cây cối, rồi những bảng hình vật nuôi trong nhà như: chó, mèo… Sau câu hỏi của cô giáo, hàng loạt cánh tay giơ lên xung phong phát biểu. Cô Hiệu trưởng trao đổi, nhiều cô giáo đã chủ động tiếp cận tin học ứng dụng, khai thác các đề tài trên các lĩnh vực phát triển của trẻ như: nhận thức, ngôn ngữ, vận động thể chất, thẩm mỹ, tình cảm xã hội… làm cho nhiều tiết học trở nên sinh động và lý thú, đây cũng là chủ trương của nhà trường để tiếp cận phương pháp giảng dạy mầm non mới theo kế hoạch của Sở GD-ĐT.
16h, các cô giáo bắt đầu trả trẻ, nhiều bé vẫn còn chưa muốn về. Thầy Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Tuy chất lượng của trường đã có “học hiệu” nhưng Trường MN Hạnh Phúc sẽ tiếp tục giữ vững những gì đã đạt được và cố gắng phấn đấu theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia trong những năm tới”.
Trần Mạnh

 

Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để đưa chất lượng chăm sóc các cháu đi lên chúng tôi đã mời nhiều giáo viên có thâm niên về làm việc tại trường. Hiện nay cả trường có 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đủ chăm sóc cho gần 500 cháu. Mặt khác, mỗi lớp nhà trường xếp 2 giáo viên, một bảo mẫu; Sĩ số lớp dừng ở 30 – 35 cháu/lớp để thuận tiện việc chăm sóc. Song song, nhà trường có kế hoạch đưa giáo viên, công nhân viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Nhờ vậy đến nay 100% cán bộ, giáo viên, công nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn”.
 
Khi nhận xét về trường, thầy Nguyễn Trọng Cường – Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức chia sẻ: “Trên địa bàn quận một số trường MN đã chăm sóc nuôi dạy trẻ rất tốt, trong đó có Trường MN Hạnh Phúc. Là trường ngoài công lập nhưng trường xây dựng được đội ngũ giáo viên có trình độ, kinh nghiệm và tâm huyết với nghề; cơ sở vật chất khá tốt. Điều này góp phần giảm áp lực về học sinh đối với ngành mầm non quận”.

 

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)