Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Uốn nắn con bằng “kỷ luật thép”

Tạp Chí Giáo Dục

nh minh ha. Ảnh: I.T

Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh ép con cái học hành ngày đêm đến đờ đẫn, thẫn thờ như người mất hồn. Buổi tối, cuối tuần, thay vì là thời gian giải trí của con thì các bậc cha mẹ lại buộc con phải đi học thêm. Những trò chơi, những chương trình giải trí dần rời xa học sinh khi việc học chiếm gần hết thời gian thường nhật của một đứa trẻ. Chính vì học quá nhiều mà ít khi được thư giãn khiến cho trẻ mất sức khỏe, rơi vào trầm cảm, thậm chí có vài trường hợp thiếu suy nghĩ tự vẫn để lại thư tuyệt mệnh. Để lại nỗi đau, nuối tiếc của gia đình, bạn bè, nhà trường.

Làm cha mẹ ai chẳng muốn con mình ngoan, học giỏi, được vào những trường điểm. Nhưng không phải vì thế mà uốn nắn con vào “kỷ luật thép” khắc nghiệt, kỳ vọng quá nhiều vào con, đòi hỏi con bằng mọi giá phải theo chỉ tiêu mà ba mẹ đề ra. Điều đó là đi ngược lại với tự nhiên, học không theo khoa học. Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều phụ huynh muốn con phải học theo ý mình, nhưng chưa bao giờ cha mẹ đặt mình vào hoàn cảnh của con. Nhất là những gia đình khá giả, giàu có. Chỉ vì sĩ diện, sính danh, sợ con học tệ làm bẽ mặt mình với đồng nghiệp, hàng xóm nên cố bắt trẻ “mặc chiếc áo quá rộng”, không vừa sức. Với tâm lý “học vì cha mẹ” (không học là không xong, vì điểm kém sẽ bị mắng mỏ), trẻ học như một con vẹt, cỗ máy chứ không học say mê. Từ đó dẫn đến việc học để đối phó, học đó rồi quên đó chứ không lưu vào bộ não.

Không riêng gì phụ huynh mà ngay cả nhà trường cũng tương đồng suy nghĩ đó. Ở những trường điểm, đạt chuẩn quốc gia, trường dân lập nội trú, vì muốn trường mình nổi danh, muốn đạt thành tích cao trong thi đua ngành nên thầy cô không ngần ngại bắt học sinh rèn luyện cực khổ. Chẳng những học ngày, học đêm, thầy cô còn gợi ý cho phụ huynh dẫn con đến nhà mình học thêm. Em nào không học coi như tự đào thải mình vì không thông suốt những kiến thức sắp được học tại lớp, điểm có thể bị kém. Có trường còn gây áp lực cho học trò bằng cách thi thử liên tục để đánh giá kết quả học tập của các em, em nào không “đạt chuẩn”, ban lãnh đạo sẵn sàng loại ra khỏi trường. Vì học quá sức nên nhiều em có thể chất, tâm lý yếu đuối, không vượt qua được ải khắc nghiệt nên dẫn đến những câu chuyện đau lòng.

Hãy nhìn vào nền giáo dục phương Tây để thấy chúng ta đang đi ngược với khoa học, sự tiến bộ. Trẻ con nước họ, khi đến trường với tâm lý thoải mái, tươi vui, trên vai chỉ mang một chiếc ba lô bé xíu, nhẹ tênh. Nước họ cũng không có khái niệm học thêm, buộc con cái phải học theo ý mình mà ba mẹ luôn tôn trọng con, tạo điều kiện cho con vừa học vừa chơi để cân bằng tâm lý. Trong khi ở ta, mỗi sáng học trò đến lớp như một cực hình. Cứ nhìn cách trẻ mang chiếc ba lô to kềnh sau lưng, người uể oải ngáp vắn ngáp dài, mắt thì lim dim như ngủ không đủ giấc… đủ hiểu áp lực của việc học là như thế nào.

Đã đến lúc phụ huynh và nhà trường cần thay đổi tư duy giáo dục con trẻ. Cho con cái đến trường học tập là để tiếp nhận tri thức, có một nền tảng kiến thức vững chắc để mai sau giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Chứ không phải học để vì cái danh tiếng, vì cái bằng cấp, vì hơn thua điểm số (tất nhiên điểm kém cần phải suy nghĩ lại). Cần phải hiểu sự phấn đấu ở đây không phải là chạy theo đám đông, thành tích, hay làm những việc vượt quá tầm kiểm soát mà là cố gắng học tốt để tự khẳng định mình. Thay vì ép con học quá sức thì cha mẹ nên là chuyên gia tâm lý, người bạn chân thành sát cánh bên con, lắng nghe, khuyên bảo, tôn trọng con… Nhà trường là cái nôi giáo dục cho trẻ, nên hãy làm tốt tôn chỉ truyền đạt kiến thức hơn là tạo ra những ảo tưởng bên lề khiến mục đích chính dần bị lép vế. Chỉ có xác định được ý nghĩa của việc học mới cho ra lò những công dân thành đạt, giỏi giang, giúp ích cho nước nhà trong tương lai.

Nguyn Thanh Vũ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)