Hội nhậpGiáo dục phát triển

Uống nước mưa, thắp đèn dầu… dạy chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Không điện, không nước, hàng ngày phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng những giáo viên Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện vẫn quyết tâm ở lại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng – một huyện vùng sâu của tỉnh Bình Phước để gieo những con chữ cho học trò.

Thầy Hùng với những học trò lớp 4 và lớp 5
Vượt 60km đường đồi để gieo chữ
Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng – người vẫn ngày ngày thức dậy từ 4h30 sáng đi từ xã Minh Hưng đến xã Bình Minh huyện Bù Đăng để dạy học. Tuy cùng một xã nhưng đoạn đường đi về của thầy dài hơn 60km. Và để đến được điểm dạy thầy phải vừa băng qua đoạn đường đồi, rồi lại ngồi đò qua sông hết sức gian nan. Con đường đến trường dạy học đầy cam go như thế đã gắn bó với thầy Hùng hơn 6 năm qua nhưng thầy vẫn chưa một lời than van. Hiện nay thầy Hùng đang dạy lớp ghép gồm: 5 HS lớp 5 và 16 HS lớp 4. 21 HS của hai lớp ngồi chung trong một phòng. Theo thầy Hùng để truyền tải kiến thức cho các em trong một lớp ghép thì thời gian không phải là 45 phút mà phải mất gần một giờ. Thế nên hôm nào lớp ghép của thầy cũng ra về vào giữa trưa.
Chúng tôi chạy xe từ điểm A qua điểm D của trường (trường gồm 1 điểm chính và 3 điểm lẻ) để thăm thầy Hùng mà phải mất tới 30 phút. Điểm D thầy Hùng đang dạy không hề có bảng hiệu mà chỉ là hai phòng học nằm lẻ loi giữa rừng điều. Nhớ lại những ngày đầu về xã Bình Minh giảng dạy, thầy Hùng tâm sự: “Học sinh ở đây hầu hết là con em đồng bào người dân tộc S’Tiêng, Nùng, Hoa. Cuộc sống của các em rất vất vả, sáng đến lớp chiều lại lên nương lên rẫy cùng cha mẹ. Vất vả, khó khăn là thế nhưng em nào cũng chăm chỉ học tập”.
Không chỉ hướng dẫn cho các em nắn nót viết từng con chữ, tính từng phép tính, thầy Hùng còn tranh thủ những giờ rảnh rỗi đến với các gia đình nghèo vận động phụ huynh cho các em được tiếp tục đến trường. Em Điểu Năng kể lại: “Năm trước, vì bố mẹ suốt ngày phải lên rẫy nên bắt em nghỉ học ở nhà trông em và trông nhà cửa. Thế nhưng, nhờ có thầy Hùng đến nhà động viên mà bố mẹ đã cho em đi học trở lại”.
Nỗi lòng… người ở lại
Dãy nhà công vụ xập xệ dành cho các thầy cô trở nên lạnh lẽo, heo hút hơn khi tiết trời trở sang đông. “Cuộc sống của giáo viên ở đây còn nhiều khó khăn lắm cô à! Thầy cô không chỉ chịu cảnh thiếu thốn về mặt tình cảm mà còn thiếu đủ mọi thứ, điện không có, còn nước sinh hoạt cũng phải chắt chiu từng giọt…” thầy Trần Văn Cường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Do đường sá đi lại xa xôi nên nhiều thầy cô giáo trẻ như cô Hằng, cô Thủy, thầy Vụ, thầy Xa… về trường dạy học đã ở lại luôn nhà công vụ. Tất cả nhà công vụ đều không có điện, có nước nên việc sinh hoạt của các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn. Tối đến, bên ngọn đèn dầu leo lét, soạn xong giáo án cho ngày hôm sau các cô lại làm bạn với chiếc radio ngay đầu giường. “Nhờ có chiếc đài này mà chúng tôi được nghe chương trình quà tặng âm nhạc hay tin tức, bớt đi nỗi nhớ nhà” – cô Hằng, giáo viên dạy tại điểm A tâm sự.
Nếu như điểm A, điểm B của Trường TH Tô Vĩnh Diện các thầy cô cùng sống chung trong nhà công vụ thì tại điểm D lại chỉ có một mình cô Vũ Thị Hồng Ngãi. Nói là nhà công vụ nhưng thực ra đó chỉ là ba vách ván được dựng dựa vào vách của hai phòng học. Chiếc cột chính nâng mái nhà mối ăn gần hết lõi. Vậy mà đã 5 năm rồi cô giáo trẻ Hồng Ngãi rời thành phố biển Vũng Tàu, ngược về Bù Đăng để dạy chữ cho học trò như một mệnh lệnh của trái tim.
 “Nhìn những cuốn tập, cuốn sách ố vàng; những đôi dép, chiếc cặp cũng lấm lem đất đỏ mà các em vẫn chăm chỉ học tập, khiến lòng yêu trẻ trong mình lại trỗi dậy. Tình cảm của các em đối với mình hết sức gần gũi. Những ngày chủ nhật, biết tôi ở nhà một mình, nhiều em mang đến biếu cho tôi củ khoai, trái bắp hay con cá mà ba mẹ các em câu được. Thậm chí có lần tôi bị ốm, các em rủ nhau mua biếu cho tôi hộp sữa Ông Thọ. Trước những hành động này, khiến tôi hết sức cảm động và nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà. Có lẽ đây là động lực khiến tôi đã gắn bó với nơi này được gần 5 năm rồi” – cô Ngãi tâm sự.

Con đường từ điểm A đến điểm B của Trường TH Tô Vĩnh Diện mà ngày ngày thầy Vụ thường đi qua
Hiện nay cô Ngãi đang chủ nhiệm lớp 2A và kiêm luôn việc dạy cho Điểu Hùng và Điểu Minh học lại các phép tính nhân, chia của lớp 3. Theo cô Hoa thì “Điểu Hùng và Điểu Minh năm nay 12 tuổi đã học hai năm ở lớp 3 rồi nhưng chưa thuộc bảng cửu chương, chưa làm được các phép tính nhân, chia. Vì thế, mình bỏ ra ít thời gian kèm thêm cho hai em để chúng theo kịp các bạn trong lớp”.
Nói về kỷ niệm vui buồn của những ngày dạy chữ cho học trò ở đây, thầy Vụ (dạy tại điểm B) chia sẻ: “Đầu năm 2008 về đây công tác, có mấy lần mình lạc đường từ điểm B ra điểm A. May có bà con làm trong vườn điều chỉ giúp, thậm chí có hôm ra điểm A họp, té ngã giữa đường vì trời mưa, quần áo thì lấm lem nhưng vẫn phải giữ nguyên bộ dạng đó đi họp cho kịp giờ…”.
Khó có thể lột tả hết được nỗi cực khổ của những người làm công tác “trồng người” ở đây khi mọi thứ đều thiếu thốn. Vào mùa mưa, cô Ngãi luôn túc trực hứng nước mưa vào bể để dùng, còn mùa nắng thì chờ nước bơm lên từ hồ thủy điện Thác Mơ. Tại điểm B nơi thầy Vụ và thầy Xa ở, phải trả đến 40 ngàn đồng cho hai khối nước, số nước này các thầy phải dùng dè xẻn trong một tuần.
Hay tại điểm A, đường dây điện cao thế chạy qua sát trường nhưng thầy và trò ở đây vẫn phải chịu cảnh nắng nóng, tối tăm. “Vì hiện nay, muốn có điện phải cần đến 200 triệu đồng mới có thể hạ thế. Khoản tiền này đối với trường thì quá lớn, thế nên đến nay trường vẫn chưa làm được”, thầy Cường cho hay.
Món quà dành cho các thầy cô trong ngày 20-11 năm nay là ít sách, tài liệu tham khảo và truyện tranh của các trường trong huyện, trong tỉnh gửi tặng. Thầy Cường dặn dò các cô giáo sắp xếp lại cái tủ ở góc tường lấy chỗ để sách. Và giờ đây, điều mà các thầy cô giáo mong mỏi đó chính là những bông hoa điểm khá, điểm tốt, là những lần lên lớp không thấy vắng bóng học trò…
Bài, ảnh:Ngọc Trinh

Bình luận (0)